Nâng cao vai trò giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp

12/05/2022 2:48 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 12/5, tại TPHCM, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Hội thảo do ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì. Đồng chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Nâng cao vai trò giám sát phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc các cấp - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, qua đánh giá thực trạng công tác giám sát, phản biện xã hội từ khi ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã cho thấy nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được các kết quả đáng ghi nhận.

Qua 8 năm thực hiện, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã có nhiều cố gắng trong lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp tiến hành giám sát, phản biện xã hội như hiệp thương xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm sát với những nội dung nhân dân quan tâm, bức xúc.

Giai đoạn 2014-2020 Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai 13 chương trình giám sát, nhiều nội dung giám sát có tác dụng tích cực để thực hiện các chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước. Mặt trận các cấp đã phát huy 4 hình thức giám sát, giám sát theo chuyên đề, giám sát đột xuất, liên thông giữa 4 cấp.

TPHCM thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội các cấp

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố, thông qua việc ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các văn bản của Trung ương.

Nâng cao vai trò giám sát phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc các cấp - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, Thành phố thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội các cấp - Ảnh: VGP/LA

Trong đó, tập trung chỉ đạo phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền như Chỉ thị 19-CT/TU về tiếp tục thực hiện Quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư"; Quyết định số 936-QĐ/TU quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn TPHCM; Quyết định số 994-QĐ/TUvề quy chế lấy ý kiến Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan có liên quan góp ý các chủ trương, chính sách của cấp ủy và chính quyền các cấp trước khi ban hành…

Đặc biệt, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thông qua Đề án số 06-ĐA/TU về "Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TPHCM giai đoạn 2021 - 2030". Tiếp đó, ngày 20/8/2021, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về lãnh đạo thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU. Đây là văn bản quan trọng, là cơ chế để hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ Thành phố đến cơ sở, thực hiện có hiệu quả công tác giám sát góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tại hội thảo, đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phía nam, các đại biểu đã chỉ ra những mặt còn hạn chế trong công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian qua. Đó là việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, Quy chế, quy định của Đảng chủ yếu là lồng ghép. Một số cấp ủy chưa quan tâm đến giám sát, kiểm tra việc thực hiện, đánh giá việc thực hiện hằng năm; còn có nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về giám sát, phản biện xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội còn mỏng, phân công lồng ghép, kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Trong tổ chức thực hiện của Mặt trận, các tổ chức chính trị thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế, còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội. Phương pháp, cách làm nhiều nơi chưa đổi mới, chưa phát huy sự tham gia của các thành viên và nhân dân.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giám sát, phản biện

Kết luận hội nghị, ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo đã thảo luận, thống nhất đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian tới.

Nâng cao vai trò giám sát phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc các cấp - Ảnh 3.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/LA

Theo đó, đa số các ý kiến đều tán thành cao về sự cần thiết tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó đề xuất tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội thông qua một số đề nghị cụ thể như: Quan tâm bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; Bí thư cấp ủy các cấp ở địa phương nên trực tiếp có trách nhiệm chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội.

Các ý kiến cũng cho rằng, cần có cơ chế tài chính phù hợp, hiệu quả để huy động đông đảo trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, người giàu kinh nghiệm thực tiễn tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế về giám sát, phản biện xã hội, trong đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định pháp luật về giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát của Nhân dân (cần thiết có văn bản quy phạm pháp luật mang tầm luật là cơ sở pháp lý cho công tác giám sát); xây dựng, bổ sung các quy định cụ thể các vấn đề, nội dung cần thiết phải có giám sát, phản biện xã hội, nhất là vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết và có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội và người dân quan tâm.

Đồng chí Lê Tiến Châu cũng lưu ý, cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp cần chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.

Đồng thời, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác hướng dẫn, kiểm tra và bồi dưỡng chuyên môn về công tác giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ MTTQ các cấp, tập trung vào hướng dẫn lựa chọn chủ đề giám sát, phản biện xã hội phải là những vấn đề cụ thể, liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Lê Anh

Top