Ngành dệt may có thể giảm 1 tỷ USD chi phí nếu dùng năng lượng tái tạo

20/03/2022 8:07 AM

(Chinhphu.vn) - Ngành dệt may đang sử dụng 1/10 tổng lượng điện sản xuất cả nước, chi phí tương đương 3 tỷ USD. Nếu có giải pháp năng lượng tái tạo thay thế thì dệt may có thể giảm chi phí 1 tỷ USD mỗi năm.

Ngành dệt may có thể giảm 1 tỷ USD chi phí nếu dùng năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Năng lượng mặt trời áp mái có thể đáp ứng khoảng 66% nhu cầu điện của nhà máy dệt may - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thông tin tại hội thảo "Năng lượng tái tạo - Nguồn Năng lượng Sạch & Bền vững cho ngành dệt may Việt Nam" diễn ra mới đây tại TPHCM.

Theo ông Tùng, năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu của ngành dệt may đạt 47,1 tỷ USD, như vậy chi phí điện đã chiếm khoảng 7,5%.

Mục tiêu của Ủy ban Phát triển bền vững đưa ra cho ngành dệt may là hình thành những khu công nghiệp thân thiện với môi trường, dán nhãn cho sản phẩm thân thiện môi trường, tăng cường sử dụng điện năng lượng mặt trường, tăng tỉ lệ điện tái tạo lên 10% đến năm 2025. Hoặc giảm lượng điện tiêu thụ ít nhất từ 0,4-0,7% hàng năm đến 2030.

Mục tiêu chung nhất, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ là lựa chọn số 1 của các nhãn hàng khi tìm kiếm đối tác sản xuất bền vững, tạo ra những sản phẩm dệt may không tổn hại môi trường cũng như sức khoẻ con người. Xây dựng nền tảng sản xuất bền vững trở thành lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam thay vì yếu tố nhân công giá rẻ như trước đây.

Chủ tịch Hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nêu một số vấn đề yêu cầu ngành này phải tìm các giải pháp phát triển bền vững.

Trước hết là bối cảnh thế giới. Đó là áp lực của dịch bệnh toàn cầu, thách thức của mối quan hệ thương mại quốc tế và các vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm nay, toàn ngành dệt may đã xuất khẩu hơn 8,1 tỷ USD, tăng 59,97% so với cùng kỳ 2021. Ông Giang cho rằng, đây là con số bứt phát ngoạn mục của toàn ngành trong bối cảnh nhiều thách thức.  Định hướng của ngành dệt may Việt Nam năm nay xuất khẩu đạt 47- 48 tỷ USD.

Theo ông Vũ Đức Giang, vấn đề tìm kiếm giải pháp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong quy trình sản xuất của ngành dệt may Việt Nam là phù hợp với xu hướng hội nhập. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển bền vững năng lượng tái tạo và tiết kiệm nguồn nước. Đây là định hướng có tính xuyên suốt trong mục tiêu phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam.

Ngoài ra, ông Vũ Đức Giang cho rằng, điều kiện cần và đủ cho những mục tiêu mà VITAS đã và đang có định hướng, giải pháp khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp của ngành, đó là đầu tư hạ tầng cơ sở đạt các chuẩn mực trong sân chơi toàn cầu. Đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do và cam kết của Chính phủ tại COP26, cộng đồng doanh nghiệp phải tuân thủ trong luật chơi toàn cầu.

Để xây dựng vị thế có tính bền vững cho ngành dệt may Việt Nam, phải triển khai các giải pháp tuân thủ trong từng doanh nghiệp về vấn đề năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng nguồn nước, đảm bảo vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam là nước cam kết và tuân thủ. "Không phải Nhà nước tuân thủ mà cộng động doanh nghiệp và người dân tuân thủ", ông Giang nhấn mạnh.

Hiện các phương thức sản xuất của ngành dệt may không còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng tiến bộ. Ông Giang nói rằng, các sản phẩm nồi hơi đốt bằng củi, bằng than, bằng vải vụn không còn là sân chơi cho ngành dệt may. Do vậy, doanh nghiệp dệt may đang chuyển đổi sang sử dụng các giải pháp về năng lượng nồi hơi bằng điện, khí để đảm bảo tính ổn định, bền vững. Mục tiêu là xây dựng nền tảng cho sản phẩm dệt may Việt Nam có thương hiệu, nhãn hiệu và tính tuân thủ, phát triển bền vững, đảm bảo khả năng an toàn đến sản phảm cuối cùng khi đưa ra toàn cầu.

Ông Tuyên Nguyễn, Giám đốc khu vực châu Á của IFC cho rằng, ngành dệt may đóng vai trò quan trọng với kinh tế Việt Nam nhưng đồng thời là ngành tiêu thụ nhiều tài nguyên và hiệu quả sử dụng tài nguyên chưa cao. Do vậy tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế càng phải nâng lên.

Nằm trong xu hướng chung toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, chính phủ Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Các nhãn hàng lớn cũng có những cam kết về phác thải ròng bằng 0.

IFC đã hỗ trợ khoảng 100 doanh nghiệp cung ứng dệt may tại Việt Nam thực hiện sản xuất giảm phát thải, với các giải pháp sản xuất bền vững. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đã tiết kiệm từ 10-30% năng lượng hằng năm.

Trong đó, mô hình điện mặt trời áp mái được triển khai ở nhiều nhà máy, sản xuất khoảng 19 triệu kWh mỗi năm cho doanh nghiệp.

Trong đó nổi bật là mô hình điện năng lượng mặt trời áp mái tại nhà máy dệt may Thành Công, đặt tại KCN Phú Hoà tỉnh Vĩnh Long. Tính toán của doanh nghiệp cho thấy giá trị mang lại trong vòng 20 năm tới là rất lớn, lượng điện tạo ra khoảng 48,5 triệu kWh, đáp ứng 66% nhu cầu điện sản xuất của doanh nghiệp. Dệt may Thành Công có thể tiết kiệm 1,9 triệu USD so với chi phí mua điện như hiện nay.

Không chỉ hiệu quả về mặt tiết kiệm chi phí năng lượng, sử sụng năng lượng tái tạo trong sản xuất là một yếu tố gia tăng lợi thế cho cho ngành dệt may Việt Nam. Đại diện dệt may Thành Công cho biết, mặc dù mới triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái từ cuối năm 2020 nhưng các nhãn hàng đối tác như Adidas, Devil coi đây là "điểm cộng" cho các đơn vị sản xuất sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo như vậy.

Băng Tâm

Top