'Ngày ấy, chúng tôi cầm súng không phải để được tuyên dương anh hùng'
(Chinhphu.vn) - Sáng 25/7, TPHCM tổ chức họp mặt người có công tiêu biểu nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/72023).

120 cô, chú là đại diện người có công tiêu biểu TPHCM. Người ngồi giữa trong ảnh là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh 2/4, Đại tá Quân đội nhân dân Nguyễn Văn Tàu, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H63, Chính ủy Lữ đoàn đặc công biệt động 316 - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Buổi họp mặt có sự tham dự của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cảnh (91 tuổi) cùng 120 cô, chú là đại diện người có công tiêu biểu Thành phố.
Đó là Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân, thương binh 2/4, Đại tá Công an nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi - người đã dùng máu của mình viết lên tường xà lim của nhà tù Trung tâm Thẩm vấn Kiến Hòa 2 câu thơ bất hủ: "Xương ta gãy để nối liền Nam-Bắc/Máu ta rơi cho bộ đội trưởng thành".
Đó còn là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh 2/4, Đại tá Quân đội nhân dân Nguyễn Văn Tàu, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H63, Chính ủy Lữ đoàn đặc công biệt động 316.
Đó là vợ chồng cô Nguyễn Thị Kim Chi, thương binh 3/4, người dũng cảm vượt qua trận bom càn quét của địch để vận chuyển lương thực, thực phẩm về đơn vị và chú Bùi Văn Khoa, thương binh 2/4, từng hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, đã anh dũng bảo vệ đơn vị khỏi bom đạn địch.

Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân, thương binh 2/4, Đại tá Công an nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi chia sẻ tại buổi họp mặt - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Những anh hùng thời chiến vẫn xông xáo ở thời bình
Cô Phan Thị Ngọc Tươi chia sẻ, cứ đến tháng 7, bao hồi ức huy hùng của chiến trừng xưa lại ùa về như mới hôm qua.
"Ngày ấy, chúng tôi cầm súng không phải để được tuyên dương anh hùng hay để hôm nay được tri ân. Chúng tôi yêu nước, yêu quê hương bị dày xéo dưới gót giày của quân xâm lược nên đã theo chân Bác đứng lên đánh đuổi kẻ thù, giành tự cho Tổ quốc. Tôi đã chứng kiến đồng đội mình ngã xuống, để lại nỗi đau cho người ở lại. Số may mắn suống sót thì lại mang thương tật trên người".
Cô Phan Thị Ngọc tươi cũng bày tỏ sự xúc động trước những đồng đội đã ngã xuống, những người mẹ, người vợ mòn mỏi chờ chồng, chờ con trở về, đồng thời cám ơn lãnh đạo Thành phố, các cấp, ngành đã quan tâm, chăm lo cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Các cô chú chia sẻ tại buổi họp mặt - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Buổi họp mặt cũng tri ân các cô, chú: Ngô Thị Cẩm Tiên, thương binh hạng 4/4 với tỉ lệ thương tật 25%. Cô từng bị nhiễm chất độc hóa học khi tham gia kháng chiến, từng bị địch bắt tù đày nhưng vào thời bình. Cô hiện là Phó Ban Thường trực Cựu tù chính trị Quận 11.
Chú Trần Minh Thiện, thương binh hạng 4/4, tham gia Ban Liên lạc cựu tù chính trị Quận 5.
Hay chú Đinh Văn Dũng, Thương binh đặc biệt hạng 1/4, thương tật 95%. Trong cuộc chiến chống Polpot, chú đã để lại đôi chân ở chiến trường và tai trái không còn nghe được.
Các cô, chú đều mang theo di chứng của chiến tranh nhưng ở thời bình, vẫn rất xông xáo tham gia hoạt động tại địa phương. "Tôi quan niệm ở thời bình, chúng tôi lại nhận nhiệm vụ mới", chú Thiện cho biết.
Đồng thời, các cô chú cũng bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ luôn hướng về Tổ quốc, hướng về quê hương; có nhiều lý tưởng, hoài bão để xây dựng và phát triển đất nước sánh kịp với cường quốc, năm châu.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại buổi họp mặt - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Vận động 188 tỷ đồng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa' Thành phố
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức bày tỏ, chiến tranh đã rời xa nhưng đến tận bây giờ, hậu quả của nó để lại vẫn còn đó. Những vết thương thể chất và tinh thần vẫn còn hằn lên thân thể của những người thương binh và gia đình của các liệt sĩ.
"Dù vậy, chúng ta vẫn được chứng kiến những tấm gương trong các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi; bên cạnh đó còn nuôi dạy con gái trưởng thành, phụng dưỡng cha mẹ già, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị, các cuộc vận động thi đua yêu nước", ông Đức biểu dương.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, TPHCM rất quan tâm đến các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Thành phố đã vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" với hơn 188 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống của các gia đình chính sách; đảm bảo 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị phụng dưỡng; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Năm 2023, Thành phố dành hơn 77 tỷ đồng tặng cho hơn 73.000 người có công và thân nhân nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Ông Đức khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM sẽ đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Anh Thơ