Nghĩ về Giải thưởng mang tên thầy Trần Văn Giàu

14/01/2024 8:26 AM

(Chinhphu.vn) - Giải thưởng mang tên thầy Trần Văn Giàu được thành lập ngày 15/1/2002. Giải thưởng được trao hằng năm, giá trị như nhau cho lĩnh vực sử học và lĩnh vực tư tưởng.

Nghĩ về Giải thưởng mang tên thầy Trần Văn Giàu- Ảnh 1.

Vợ chồng Giáo sư Trần Văn Giàu cùng các giáo sư Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê (từ trái sang phải)

Năm ấy vừa bước sang thế kỷ mới, chính thầy có ý định và xây dựng ngân quỹ ngay, rồi đề xuất một giải thưởng khoa học dành cho các công trình nghiên cứu lịch sử và lịch sử tư tưởng về khu vực Nam Bộ, Cực Nam Trung Bộ và TPHCM. Thể theo nguyện vọng ấy, ngày 15/1/2002, Hội đồng Khoa học xã hội TPHCM ra Quyết định số 91-01/HĐKHXH thành lập giải thưởng khoa học mang tên thầy - Giải thưởng Trần Văn Giàu.

Thầy có nhiều danh xưng: Nhà cách mạng chuyên nghiệp Trần Văn Giàu, nhà hùng biện "Đỏ" Trần Văn Giàu, nhà triết học biện chứng Trần Văn Giàu… Nhưng thầy bảo: Làm thầy giáo, gọi Thầy là đủ rồi. Các giáo sư "tứ trụ" sử học mác xít Việt Nam như Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn đều gọi "Thầy Giàu"; những thế hệ kế tiếp bảo nhau: Được học thầy mới xứng đáng gọi Thầy Giàu đấy.

Hơn nửa thế kỷ giảng dạy và nghiên cứu khoa học theo "trường phái Trần Văn Giàu" - "Văn Sử Triết bất phân", Thầy công bố hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học về sử học, văn học và tư tưởng, như: "Biện chứng pháp", "Vũ trụ quan", "Duy vật lịch sử", "Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám" (3 tập), "Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam", "Sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn trước 1858", "Chống xâm lăng" (3 tập), "Lịch sử Giai cấp công nhân Việt Nam" (4 tập), "Lịch sử cận đại Việt Nam", "Miền Nam giữ vững thành đồng" (5 tập),...

Đọc cuốn sách của thầy "Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam - Tư tưởng yêu nước" (Nhà xuất bản Văn Nghệ TPHCM xuất bản năm 1989), khó ai tách bạch được đâu là lịch sử, đâu là triết học, văn học.

Thầy mong muốn có những thế hệ là các nhà nghiên cứu sau tiếp bước ông trong khoa học xã hội và nhân văn, nhất là các lĩnh vực sử học, lịch sử tư tưởng ở Nam Bộ và miền Nam. Vậy nên thầy bán căn nhà đang ở làm quỹ 1.000 cây vàng, không đủ thì gom tiền bản quyền các trước tác của mình, dành vào Quỹ giải thưởng Trần Văn Giàu.

Thầy thường nói ông chỉ có những đứa con bằng giấy là những tác phẩm để đời, nay chuyển thành giải thưởng, như là truyền lại tâm huyết đời người dành cho khoa học lịch sử và các thế hệ kế tục.

Quỹ lớn, giải thưởng danh giá, mỗi năm chọn hai giải, giá trị như nhau cho mỗi lĩnh vực sử học và lĩnh vực tư tưởng. Yêu cầu công trình nghiên cứu về mỗi lĩnh vực phải có những phát hiện sáng tạo mới; Điều lệ của giải thưởng nêu rõ: Cái mới hoàn toàn không có nghĩa xuất phát từ số không mà có sự tiếp nối kế thừa nhưng có điểm khám phá mới. Cũng không nhất thiết phải là những đề tài mang tính bác học, có thể nghiên cứu đa dạng, phong phú, gắn với cuộc sống hàng ngày, hoặc đi sâu lý giải một vấn đề cụ thể tên một tỉnh, một vùng đất, một nhân vật, một tập quán, một đạo giáo, một phong tục. Người Việt Nam trong và ngoài nước, không phân biệt nơi cư trú, cá nhân hay tập thể đã nghiên cứu về lịch sử và tư tưởng trên mảnh đất Nam Bộ thành đồng - B2 xưa trong thời kháng chiến chống Mỹ đều có thể dự giải.

Nghĩ về Giải thưởng mang tên thầy Trần Văn Giàu- Ảnh 2.

Giáo sư Trần Văn Giàu với các cháu thiếu nhi TPHCM - Ảnh tư liệu

Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu lúc đầu do Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng làm Chủ tịch (từ 2007 đến nay là nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám là Chủ tịch), cùng các thành viên ủy ban giải thưởng là các nhà khoa học chuyên ngành ở phía nam và TPHCM từ năm 2002 đến nay liên tục xét và trao giải cho nhiều công trình xuất sắc.

Đã có hơn 10 công trình, tác phẩm được nhận giải thưởng, như: Nguyễn Tri Phương (năm 2003) - tác giả Thái Hồng; Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn (năm 2005) - tác giả Nguyễn Đình Đầu; Lịch sử Nam bộ kháng chến chống Pháp (năm 2006) - Ban biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến; Những di tích khảo cổ thời văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo ở An Giang (năm 2009) - PGS.TS Phạm Đức Mạnh và nhóm khảo cổ học; Lịch sử Nam Bộ kháng chiến chống Mỹ (năm 2010) - Ban biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến; Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (năm 2011) - Ban chỉ đạo biên soạn Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến; Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ (Từ khởi thủy đến năm 1945) (năm 2015) - PGS. TS Trần Đức Cường chủ biên; Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển (năm 2017) - GS. Phan Huy Lê chủ biên; Khảo cổ học Nam Bộ (năm 2019) – PGS.TS Bùi Chí Hoàng chủ biên; Vùng đất Nam Bộ 10 tập (năm 2020) - GS. NGND Phan Huy Lê tổng chủ biên…

Giải thưởng Trần Văn Giàu được đánh giá là một trong những giải thưởng khoa học rất chặt chẽ, nghiêm túc đến khắt khe, là huy chương vàng mười dành cho tác phẩm đạt giải. Giải thưởng xét hằng năm, mỗi năm mỗi lĩnh vực có 1 tác phẩm đạt giải không phân hạng. Có những năm có nhiều tác phẩm dự giải (năm 2003 có 43 tác phẩm tham dự, năm 2005 có 38, năm 2006 có 7, năm 2009 có 5, năm 2010 có 4…); cũng có những năm không có tác phẩm, công trình nào dự xét (2004, 2007, 2008…).

Hơn 20 năm, đa số các công trình, tác phẩm đạt giải là các kết quả nghiên cứu sử học. Chủ tịch Ủy ban giải thưởng - nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám từng tha thiết: "Chúng tôi luôn sẵn sàng chờ các tác phẩm dự giải".

Sinh thời, Thầy Giàu từng ao ước: "Chỉ mong sống sang thiên niên kỷ mới một năm thôi, để xem sau năm 2000 ra sao". Vâng thế kỷ ấy, thiên niên kỷ ấy, đất nước và những thế hệ người Việt Nam từ ngày tiễn thầy về với Tổ tiên (16/12/2010), vẫn ghi nhớ lời Thầy nhắn gửi khi nói chuyện với sinh viên Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TPHCM: "Tuổi trẻ phải biết ước mơ, mà phải là ước mơ "siêu nhân"".

Chợt nghĩ "Siêu nhân" ấy như Thầy: Gia nhập Đảng Cộng sản khi đang du học tại Pháp; vào ngục ra khám nhưng có sức thuyết phục cả bạn tù và cai ngục thực dân; khiến cả kẻ thù cũng phải thừa nhận "Hắn đi qua nơi nào, các tổ chức mọc lên ở nơi ấy"; lại biết "đánh thức nỗi nhục của một dân tộc mất nước" khi thời cơ cách mạng đến…

Làm một nhà cách mạng chuyên nghiệp như vậy, khi chuyển sang làm khoa học, Thầy Trần Văn Giàu được Nhà nước Việt Nam phong học hàm Giáo sư đại học (1956), danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1992), tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996), danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới (2003), Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng (2009).

Và từ khi lần đầu tiên Việt Nam có một giải thưởng mang tên Thầy ngay khi còn sống (2002), đến nay giải thưởng Trần Văn Giàu hằng năm vẫn rộng mở đón nhận những đứa con tinh thần "đắc đạo" khoa học nhân văn của Thầy.

Hà Minh Hồng

Hội Khoa học lịch sử TPHCM

Top