Người nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ nên đến bệnh viện để được hướng dẫn điều trị
(Chinhphu.vn) - Bệnh đậu mùa khỉ hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vậy nên ngành y tế Thành phố khuyến cáo các trường hợp nghi ngờ mắc nên đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM kiểm tra để được hướng dẫn điều trị. Tại các cửa khẩu, hành khách nên liên hệ đơn vị kiểm dịch để được hướng dẫn.
Chiều 28/7, trao đổi với báo chí về bệnh đậu mùa khỉ, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện nay, có trên 16.000 người mắc bệnh tại 75 nước. Tuy nhiên, chỉ có 5 ca tử vong tại châu Phi. Tại Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc nào.
Ông Tâm cho biết, dù tỉ lệ tử vong không cao nhưng trước mức độ lây lan nhanh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Bộ Y tế và Sở Y tế Thành phố đã hướng dẫn triển khai giám sát, đặc biệt ngăn chặn ngay từ các cửa khẩu. Các hành khách tại cửa khẩu bắt buộc phải đo nhiệt độ.
Cũng theo Phó Giám đốc HCDC, thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng điển hình gồm sốt, nổi hạch, phát ban, sau đó xuất hiện bọng nước và tạo thành mủ. Vết thương sẽ lành sau khi bọng mủ vỡ ra. Những bọng nước này có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân và có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.
Khác với COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ lây truyền qua dịch tiết ra từ vết thương và những giọt bắn. Người dân có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người mắc bệnh khi mặt đối mặt, da kề da, miệng kề miệng hoặc miệng kề da, kể cả quan hệ tình dục.
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên ngành y tế khuyến cáo các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nên đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM kiểm tra để được hướng dẫn điều trị. Tại các cửa khẩu, hành khách nên liên hệ đơn vị kiểm dịch để được hướng dẫn.
Anh Thơ