Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp: Cốt lõi trong hệ sinh thái quốc gia đổi mới sáng tạo
(Chinhphu.vn) - Mô hình hợp tác "3 Nhà" - Nhà nước, Nhà trường và Danh nghiệp, được ĐHQG TPHCM xác định là tam giác chiến lược, cốt lõi trong hệ sinh thái quốc gia đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong triển khai mô hình "3 nhà" - Ảnh: TTD
Tối ngày 24/5, ĐHQG TPHCM tổ chức buổi ra mắt chương trình "Nghị quyết số 57-NQ/TW: Từ tầm nhìn đến thực thi Mô hình hợp tác Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp".
Chương trình nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời gắn kết với Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân dựa trên mô hình hợp tác "3 nhà" - nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.
Hợp tác "3 Nhà" tạo nên tam giác chiến lược
Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW đã thể hiện khát vọng hiện thực hoá mục tiêu Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đòi hỏi sự đổi mới về mô hình phát triển đột phá, cốt lõi là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được xây dựng trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp.
Song hành với hành trình phát triển của đất nước, ĐHQG TPHCM xác định sứ mạng tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng và phục vụ xã hội, là nơi đi đầu trong đổi mới, đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Mô hình hợp tác "3 Nhà" - Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp, được ĐHQG TPHCM xác định là tam giác chiến lược, cốt lõi trong hệ sinh thái quốc gia đổi mới sáng tạo.
Theo đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thiết lập khung thể chế, dẫn dắt đầu tư, đảm bảo công bằng và tạo động lực chấp nhận rủi ro để thúc đẩy đổi mới; Cung cấp đất đai, hạ tầng và chính sách ưu đãi về thuế, tài chính cho các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp; Hỗ trợ thành lập các quỹ đầu tư đổi mới, vườn ươm công nghệ và không gian làm việc chung; Đóng vai trò điều phối chiến lược phát triển vùng, đảm bảo sự đồng bộ giữa quy hoạch đô thị và định hướng khoa học công nghệ.
Nhà trường - bao gồm các đại học và viện nghiên cứu - là trung tâm sản sinh tri thức, cung cấp nguồn lực trí tuệ: giảng viên, nhà khoa học, nghiên cứu sinh; Thực hiện các nghiên cứu nền tảng, đồng thời phát triển các giải pháp ứng dụng; Kết nối sinh viên và dự án nghiên cứu với doanh nghiệp thông qua các chương trình đổi mới mở, thực tập, và khởi nghiệp.
Doanh nghiệp giữ vị trí then chốt trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, đưa đổi mới vào thực tiễn và lan tỏa giá trị ra thị trường; Tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng, đặt hàng các đề tài từ trường đại học; Cung cấp môi trường thực nghiệm, dữ liệu và nền tảng triển khai công nghệ mới.
3 bên vận hành theo nguyên tắc "cùng thiết kế - cùng triển khai - cùng chia sẻ giá trị. Các bên cùng nhau tham gia xây dựng mục tiêu nghiên cứu, đồng thời chia sẻ lợi ích tài chính từ kết quả ứng dụng. Khi "tam giác chiến lược" vận hành hiệu quả, quốc gia sẽ có cơ hội "đi tất, đón đầu", thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên mạnh mẽ.
ĐHQG TPHCM đang chủ động kiến tạo nền tảng cho hợp tác "3 Nhà" theo hướng hiệu quả và bền vững. Với vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ĐHQG TPHCM tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua tái cấu trúc chương trình đào tạo tích hợp công nghệ – kinh doanh – quản trị; đào tạo theo đơn đặt hàng; nâng cao kỹ năng số và R&D; xây dựng các chương trình liên ngành phục vụ công nghệ lõi như AI, bán dẫn, y sinh, kinh tế số, kinh tế xanh và vật liệu mới.
Đồng thời, ĐHQG TPHCM chủ động đóng vai trò trở thành trung tâm R&D kết nối doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu theo bài toán thực tiễn, xây dựng trung tâm chuyển giao – thử nghiệm – đổi mới và triển khai mô hình "phòng Lab dùng chung – dữ liệu mở – vườn ươm công nghệ mở". Bên cạnh đó, kết nối doanh nghiệp vào quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ - sản phẩm, khuyến khích hợp tác PPP và thí điểm liên doanh với doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ số, nông nghiệp thông minh và vật liệu tiên tiến.
Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, địa phương
Triển khai trên thực tế, ĐHQG TPHCM cho biết đang thiết lập khung hợp tác toàn diện với doanh nghiệp nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn kết với nhu cầu thực tiễn doanh nghiệp; đồng thời, hai bên hợp tác xây dựng và vận hành các mô hình giáo dục - sản xuất tích hợp.
Tại buổi ra mắt Chương trình, ĐHQG TPHCM đã ký kết hợp tác với 10 doanh nghiệp. Các bên thống nhất thực hiện khung hợp tác chung, gồm 6 lĩnh vực ưu tiên: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình đào tạo, thực tập, huấn luyện và tuyển dụng trực tiếp sinh viên; Thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, gắn kết giữa nhu cầu doanh nghiệp và năng lực học thuật - nghiên cứu của ĐHQG TPHCM; Ứng dụng chuyển đổi số, phát triển các nền tảng và công nghệ số trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất và cung ứng dịch vụ; Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ sinh viên và doanh nghiệp trong đổi mới sản phẩm, dịch vụ; Phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội, nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong các sáng kiến giáo dục, môi trường và cộng đồng; Xây dựng chính sách, cơ chế phối hợp ba nhà (Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp) nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia.
Ngoài khung hợp tác chung, các doanh nghiệp tham gia ký kết còn đồng thuận triển khai một số nội dung hợp tác chuyên biệt căn cứ nhu cầu và lĩnh vực chuyên môn đặc thù của doanh nghiệp.
Và không chỉ hợp tác với các doanh nghiệp, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57, thời gian vừa qua, ĐHQG TPHCM đã đẩy mạnh liên kết vùng với Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, thực hiện ký kết hợp tác chiến lược với các địa phương như TPHCM, Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, Đồng Nai và Bình Thuận.
Cụ thể, như phối hợp với TPHCM tổ chức hội thảo, thống nhất hợp tác chiến lược về khoa học công nghệ, xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế, phát triển đại học thông minh...; triển khai chương trình "bình dân học vụ số", hợp tác 3 nhà trong nông nghiệp với tỉnh Đồng Tháp; hội thảo tư vấn chính sách, đề xuất giải pháp chuyển đổi xanh cho khu công nghiệp với tỉnh Đồng Nai,…
Bước đi then chốt để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 57
Vào tháng 12/2024, ĐHQG TPHCM đã khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo trên khu đất 4,65 ha với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới.
Trung tâm bao gồm các phòng thí nghiệm tiên tiến như phòng thí nghiệm bán dẫn cấp quốc gia và hệ thống ứng dụng công nghệ sinh học, cùng các khu vực dành cho R&D của doanh nghiệp lớn, khu trưng bày sản phẩm công nghệ mới và các tiện ích phục vụ sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Công trình này có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa Nghị quyết số 57NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Tại buổi ra mắt Chương trình, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, việc triển khai mô hình hợp tác "3 nhà" là bước đi then chốt để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 57.
Trong đó nhà nước giữ vai trò kiến tạo thể chế, điều phối chiến lược và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nhà trường, tiêu biểu là Đại học Quốc gia TPHCM, đảm nhiệm vai trò đào tạo nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Còn doanh nghiệp sẽ là chủ thể ứng dụng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, định hướng nhu cầu thực tiễn.
Còn theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang, việc Đại học Quốc gia TPHCM ra mắt mô hình hợp tác "3 nhà" với sự tham gia của các doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học... là hoạt động "giữ lửa" để Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống.
Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho rằng nhà nước phải có cách tiếp cận, giải quyết khác với những gì đã làm để thực thi Nghị quyết quan trọng này.
Đối với các nhà khoa học và nhà trường, ông đề xuất cần tập trung vào những vướng mắc nhằm cải thiện sản xuất, mô hình kinh doanh để tăng năng suất lao động, các nghiên cứu gắn với khả năng ứng dụng, thực tiễn và chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế khi sinh viên ra trường...
Với doanh nghiệp, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang nhìn nhận có vai trò trung tâm và mong các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia mạnh mẽ trong mô hình liên kết "3 nhà".
Đặc biệt, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang cam kết đồng hành với Chương trình và công khai số điện thoại cá nhân để sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, nhà trường, nhà khoa học.
Nguyễn Trần