Nhận diện 'nguy' và 'cơ' của kinh tế TPHCM 6 tháng cuối năm

29/06/2023 6:58 PM

(Chinhphu.vn) - Các chuyên gia nhận định, 6 tháng cuối năm, kinh tế Thành phố tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhưng đang "từ đáy đi lên".

Nhận diện 'nguy' và 'cơ' của kinh tế TPHCM 6 tháng cuối năm - Ảnh 1.

Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Chiều 29/6, UBND TPHCM tổ chức Phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, bối cảnh quốc tế trong nửa cuối năm 2023 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, dẫn đến suy giảm về tiêu dùng và tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu của nước ta, ảnh hưởng đến sản xuất-kinh doanh của cả nước và của TPHCM.

Nhận diện 'nguy' và 'cơ' của kinh tế TPHCM 6 tháng cuối năm - Ảnh 2.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nêu nhận định tại phiên họp - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Ông Phạm Bình An nhận định, 6 tháng cuối năm, Thành phố đối diện với cả "nguy" lẫn "cơ", nhưng "nguy" nhiều hơn "cơ".

Theo đó, xuất khẩu gạo có khả năng tiếp tục giảm; tình hình thanh khoản của doanh nghiệp kém; nhu cầu tín dụng giảm; thị trường BĐS chưa thể phục hồi; giải ngân đầu tư công còn châm; doanh nghiệp và người lao động gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, có 2 cơ hội lớn: Kinh tế quý II bắt đầu phục hồi rõ nét, trong đó dịch vụ và du lịch phục hồi tốt. Ngoài ra, đầu tư công khởi sắc nhiều hơn so với quý I và trở tành động lựcc tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhận định, do "nguy" nhiều hơn "cơ" nên Thành phố khó đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra đầu năm là 7,5-8%.

Ngoài ra, ông Phạm Bình An cũng đề xuất 8 nhóm giải pháp như: Chuẩn bị tốt để triển khai Nghị quyết 98; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch của Thành phố; Tiếp tục thúc đẩy quyết liệt giải ngân đầu tư công, phân cấp đầu tư cho quân, huyện và tháo gỡ các vướng mắc; Đẩy mạnh chi tiêu công cho chuyển đổi số, hạ tầng số…; Tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa; Tập trung giải pháp cho từng ngành hàng để phục hồi xuất khẩu; Phục hồi niềm tin cho doanh nghiệp; Chuẩn bị kịch bản về an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động mất việc.

Nhận diện 'nguy' và 'cơ' của kinh tế TPHCM 6 tháng cuối năm - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Còn theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, thách thức lớn nhất của Thành phố là xuất nhập khẩu giảm, thêm vào đó là thu ngân sách Thành phố giảm (đặc biệt là ở khối thu nội địa và thu VAT), ảnh hưởng việc bảo đảm thu ngân sách của Thành phố 6 tháng cuối năm.

Ông Hoàng nhận định, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, vấn đề của thế giới và Thành phố xoay quanh 5 vấn đề: Biến động về lãi suất; biến động về kinh tế Trung Quốc; phi toàn cầu hóa của nền kinh tế; sự can thiệp của Chính phủ đối với các nền kinh tế và chuyển đổi năng lượng xanh.

Nhận diện 'nguy' và 'cơ' của kinh tế TPHCM 6 tháng cuối năm - Ảnh 4.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Kinh tế TPHCM đang đi lên

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, kinh tế TPHCM đã chạm đáy về tăng trưởng và đang từ đáy đi lên. Những chỉ số rất ngoạn mục (tăng trưởng quý II đạt 5,87%, vượt lên so với cả nước; ngành công nghiệp 6 tháng tăng 2,59% so với cùng kỳ; ngành dịch vụ tăng 4,96&, trong khi quý I tăng trưởng âm…

Ngoài khó khăn chung như các chuyên gia đã nêu, theo ông Trần Du Lịch, Thành phố còn có khó khăn riêng. Bộ máy Thành phố vừa phải hoàn thành nhiệm vụ hiện tại, vừa xử lý "trùng trùng điệp điệp" những việc tồn đọng trong nhiều năm và cả những vấn đề mới.

Cũng như ông Phạm Bình An, chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng trong 6 tháng cuối năm, để Thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% là rất khó. TPHCM từng đặt mục tiêu năm 2022 là năm phục hồi, năm 2023 là năm tăng tốc nhưng giờ đây, Thành phố có thể trễ hẹn một năm, lấy năm 2024 là năm phục hồi bởi những giải pháp hiện tại của chính quyền Thành phố chưa thể có kết quả trong ngắn hạn mà sẽ đạt được trong dài hạn.

Thời gian tới, vị chuyên gia này đề xuất Thành phố cần nâng tầm cán bộ để thực hiện Nghị quyết 98; tập trung tháo gỡ những dự án, công trình bị ngưng trệ trong nhiều năm; tạo sức bật cho thị trường BĐS trong những tháng cuối năm; thúc đẩy thị trường nội địa…

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng 09 ngành dịch vụ chủ yếu của Thành phố tăng 4,92%; sản xuất công nghiệp của Thành phố từng bước ổn định; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Thành phố tăng 1,9% so với cùng kỳ; 04 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 4,5% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 561 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Tổng doanh thu du lịch ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch nội địa ước đạt 16.415.438 lượt, tăng 48%; khách quốc tế ước đạt 1.941.267 lượt, tăng 306%. Khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt hợn 190 triệu lượt hành khách, tăng 26% so với cùng kỳ 2022. Số lượng hành khách đi và đến Thành phố bằng đường sắt ước tăng 84%; đi và đến tại sân bay Tân Sơn Nhất tăng 76%. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,7% (22.463 doanh nghiệp) về số lượng. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 227 tỷ đồng, đạt 48,5% dự toán năm và bằng 93,23% so cùng kỳ.

Trong 21 chỉ tiêu thành phần (của 17 nhóm chỉ tiêu) kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 theo Nghị quyết số 71 của Hội đồng nhân dân Thành phố về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến có 19/21 chỉ tiêu đạt và phấn đấu đạt kế hoạch; có 01 chỉ tiêu dự kiến gần đạt; có 01 chỉ tiêu dự kiến không đạt.

Anh Thơ

Top