Nhân Ngày Chiến thắng 30/4, nghĩ về chữ “Thắng”

28/04/2017 2:00 PM

(Chinhphu.vn) – Trưa ngày 30/4/1975, sự kiện lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập có thể được coi là biểu tượng cao nhất của thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước (1954-1975) của nhân dân ta.

Những người lính trên xe tăng 390 và 843 là lực lượng giải phóng có mặt sớm nhất ở Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử quân sự

Với mốc lịch sử đó, dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi 30 năm chiến đấu giành độc lập, tự do, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước kể từ sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Đã 42 năm qua đi kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đều thấy rõ một thời kỳ mới đã bắt đầu từ ngay sau Ngày Chiến thắng 30/4/1975 và những kết quả Việt Nam đạt được.

Thắng lợi đầu tiên là thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước và nhanh chóng thống nhất các lĩnh vực, các vấn đề do cuộc chia cắt trước đó đặt ra.

Thắng lợi thứ hai là Việt Nam đã vượt qua được khó khăn, đặc biệt là từ năm 1986 đi vào công cuộc đổi mới, đưa nền kinh tế đất nước từng bước đi lên và nhanh chóng thay đổi chuyển biến từ tích cực đến đột phá, cả về cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu đầu tư, đi vào phát triển ổn định và bền vững để vững vàng hội nhập quốc tế.

Thắng lợi thứ ba là nền chính trị và chế độ chính trị vẫn được giữ vững, nhanh chóng vượt qua khó khăn phức tạp, làm chủ tình hình; không xảy ra bạo động phản loạn; chính quyền từ Trung ương đến địa phương luôn làm chủ tình hình trong mọi hoàn cảnh.

Thắng lợi thứ tư là từ khi đổi mới, tốc độ đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Trung ương, các địa phương, mỗi đơn vị, cơ quan, thậm chí mỗi gia đình đều trở thành ưu tiên số 1; bộ mặt xã hội cả thành thị, nông thôn, miền xuôi, miền ngược ngày càng trở nên khang trang, phát triển không thua kém các nước trong khu vực.

Thắng lợi thứ năm là đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, xây dựng mô hình đổi mới ở Việt Nam không chỉ chắc chắn và ổn định, mà còn định vị một con đường phát triển bền vững - thành mô hình Việt Nam, hiện tượng Việt Nam.

Thắng lợi thứ sáu là thực hiện ngoại giao đa phương, làm bạn với tất cả các nước không phân biệt hệ thống chính trị; giữ vững độc lập tự chủ; uy tín và vị thế đất nước ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế và khu vực, là quốc gia đáng tin cậy, trung thành với bạn bè, anh em.

Thắng lợi thứ bảy là thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc theo chủ trương và mục đích cao nhất là đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ đất nước, vượt qua những hạn chế do thời cuộc sau chiến tranh lâu dài, đề ra chính sách và biện pháp phù hợp, từng bước đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đồng bào trong nước và ở nước ngoài…

Thắng lợi thứ tám là thực hiện nghĩa vụ quốc tế và khôi phục quan hệ láng giềng thân thiện sau chiến tranh; thực hiện chính sách ngoại giao rộng mở và độc lập tự chủ, nhất quán chính sách và biện pháp hòa bình trong giải quyết mâu thuẫn, biến chiến trường thành thị trường; thực hiện quan hệ láng giềng thân thiện và hữu nghị với các quốc gia chung biên giới đất liền và các quốc gia chung Biển Đông.

Thắng lợi thứ chín là giữ vững chính nghĩa trong đấu tranh kiên quyết với các thế lực xâm lược và thù địch; xây dựng đường biên giới trên đất liền với các nước láng giềng, đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo với các nước có tranh chấp; không theo liên minh này chống liên minh khác, không có căn cứ quân sự nước ngoài trên đất nước Việt Nam.

Thắng lợi thứ mười là tích cực chủ động hội nhập quốc tế, tham gia các tổ chức quốc tế và Liên Hợp Quốc, tham gia các công việc quốc tế trong khả năng và khuôn khổ Hiến pháp, thực hiện nhiều chính sách tiến bộ và ưu việt như: Xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, tiêm chủng mở rộng, nhà tình nghĩa, mô hình phát triển kinh tế, chương trình lương thực, chương trình trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái...

Trong quá trình đi đến thắng lợi to lớn ấy, nhân dân Việt Nam phải trải qua biết bao hy sinh, gian khổ và chúng ta cũng thấy rõ một điều: Tiến trình phát triển không chỉ có toàn thắng lợi.

Chúng ta vẫn nhớ những khó khăn của “đêm trước đổi mới” với cung cách quản lý thời quan liêu bao cấp kéo dài suốt 10 năm sau chiến tranh (1975-1985); nhiều năm đất nước bị bao vây cấm vận và bị cô lập về ngoại giao; có nhiều lực lượng thù địch tìm cách “chuyển lửa về quê nhà” để chống phá cách mạng...

Nhắc lại điều này để thấy chữ “Thắng” trong thời bình cũng như chữ “Thắng” trong thời chiến đều có giá của nó, để ta càng trân quý những gì đã và đang có trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hôm nay.

Minh Minh Đức

(Hội Khoa học Lịch sử TPHCM)

Top