Nhiều động lực mới cho tăng trưởng kinh tế năm 2025

12/12/2024 7:05 PM

(Chinhphu.vn) - Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề : Động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới diễn ra ngày 12/12 do Báo Người Lao động tổ chức, các chuyên gia dự đoán năm 2025, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chuyển dịch sang Việt Nam và thị trường xuất khẩu rộng mở hơn.

Nhiều động lực mới cho tăng trưởng kinh tế năm 2025- Ảnh 1.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề : Động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới - Ảnh: VGP/Anh Lê

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, dự báo cho năm 2025, thu hút FDI vẫn rất tốt nhờ sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào nội lực của kinh tế Việt Nam.

GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 8% và mới đây đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Điều này có cơ sở vì kinh tế Việt Nam hiện nay đang quay lại giai đoạn tăng trưởng mạnh của năm 2016-2019. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như tỉ giá Việt Nam ổn định, giúp các nhà đầu tư yên tâm.

Việt Nam cũng khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và trong thời gian tới sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường, hạn chế rủi ro khi xuất khẩu tập trung vào một số thị trường như trước đây. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang tháo gỡ các vấn đề về chi phí logistics để thu hút FDI.

Thực tế cho thấy, hiện nay, hạ tầng cơ sở Việt Nam phát triển nhanh chóng, cao tốc mở đến đâu, kinh tế địa phương phát triển đến đó. Doanh nghiệp hưởng lợi từ điều này vì có thể đầu tư ở vùng nguyên liệu có chi phí đất rẻ.

"Xu hướng FDI đang thay đổi. Trước đây, nhà đầu tư tìm lao động giá rẻ nhưng giờ họ đầu tư vào khoa học công nghệ và công nghệ cao. Đặc biệt, các dự án luật thông qua mới đây cũng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực phát triển kinh tế. Đây sẽ là động lực giúp Việt Nam có thể tăng trưởng 2 con số" GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp Việt cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền.

Nắm bắt các xu hướng lớn: Xu hướng phát triển kép: "xanh hóa và số hóa", tích hợp các yếu tố ESG, phát triển bền vững; đón đầu xu hướng công nghệ, nhất là các công nghệ mới (AI, tự động hóa, an ninh mạng...).

Bên cạnh đó cần đa dạng hóa: Thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm - dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tham gia thị trường tín chỉ carbon. Đồng thời, tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới và từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Australia, Malaysia….

Ở góc độ ngành ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, dựa trên các kịch bản tăng trưởng kinh tế mà các chuyên gia đề xuất, cùng với định hướng từ Chính phủ và Quốc hội, năm 2025 ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đáp ứng tốt nhất các nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiệm vụ cốt lõi của ngành ngân hàng là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thời gian qua, các gói tín dụng hỗ trợ như gói cho ngành nông thủy sản đã được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội, hiện đã được nâng lên thành 140.000 tỷ đồng, tiếp tục mang lại hiệu quả tích cực.

Theo các chuyên gia, các yếu tố bên ngoài như động lực tăng trưởng kinh tế và biến động giá nguyên vật liệu sẽ tạo áp lực đối với lạm phát. Tuy nhiên, nếu giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới giảm, áp lực này sẽ giảm bớt, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Anh Lê

Top