Nhiều giải pháp thiết thực phát triển nhà ở xã hội tại TPHCM

21/11/2024 5:58 PM

(Chinhphu.vn) - Với sự vào cuộc mạnh mẽ cùng các giải pháp đồng bộ, TPHCM kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội (NOXH), đạt được các mục tiêu đề ra, qua đó cải thiện vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân trên địa bàn Thành phố.

Nhiều giải pháp thiết thực phát triển nhà ở xã hội tại TPHCM- Ảnh 1.

Tại tọa đàm nhà ở xã hội: Đột phá từ chính sách, các chuyên gia cho rằng, nhiều quy định mới sẽ hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Ảnh: VGP/Anh Lê

Nhiều quy định mới hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội

Chia sẻ tại buổi tọa đàm Nhà ở xã hội: đột phá từ chính sách do Báo Người lao động tổ chức ngày 21/11, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết Luật Nhà ở sửa đổi 2023 được đánh giá là luật nhà ở tiến bộ nhất từ trước đến nay, với các chính sách nhà ở cũng được xem là toàn diện và ưu việt nhất.

Một điểm đổi mới đáng chú ý trong các luật hiện hành, bao gồm Luật Nhà ở 2023, là việc giảm thiểu tình trạng chồng chéo giữa các luật. Luật này không "đá chân" qua các luật khác, giúp việc triển khai trở nên rõ ràng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc Quốc hội đưa vào chương trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân sắp tới là một tín hiệu tích cực, mang lại hy vọng cho các nhóm đối tượng như người tham gia nhà ở xã hội và chủ nhà trọ.

Theo ông Châu, phát triển nhà ở xã hội cho thuê nên được coi là định hướng chủ đạo. Khảo sát gần đây cho thấy nhu cầu thuê nhà ở xã hội của công nhân và người lao động cao hơn nhiều so với nhu cầu mua. Điều này phù hợp với khả năng tài chính và điều kiện sống của đa số người lao động.

Đồng quan điểm trên, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hoàng Quân Group cho rằng, việc bổ sung đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và bỏ điều kiện cư trú là một chính sách tuyệt vời, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công nhân và người có thu nhập thấp. Chính sách này không chỉ mang lại cơ hội thuê nhà ở xã hội tại bất kỳ tỉnh, thành nào mà còn tạo thêm nguồn cầu quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu, các địa phương cần tập trung vào các yếu tố cốt lõi như quỹ đất, hỗ trợ tín dụng và đơn giản hóa thủ tục đầu tư. Chi phí mua đất cần được tính toán đúng và đủ, đồng thời lãi suất cho vay nên được giảm để tạo điều kiện thuận lợi hơn. Việc phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt tại TPHCM, là một nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự chung tay và hỗ trợ từ toàn xã hội để có thể đạt được các mục tiêu đề ra.

Ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và pháp chế Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết, trước đây, việc xác định vị trí cụ thể cho các dự án NOXH chưa được quy định rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Luật Quy hoạch sẽ yêu cầu quy định chi tiết vị trí để đảm bảo đáp ứng nhu cầu NOXH hằng năm.

Tại TPHCM, định hướng bố trí các dự án NOXH đang được cập nhật và lồng ghép vào đồ án quy hoạch phân khu. Việc xác định rõ vị trí và chỉ tiêu cụ thể giúp loại bỏ các quy trình phức tạp như điều chỉnh quy hoạch cục bộ hay hệ số sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư lựa chọn vị trí phù hợp với dự án của họ.

Cần đảm bảo hạ tầng đồng bộ, hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà

Theo ông Trần Quang Thắng, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý TPHCM, chính quyền nên tập trung vào đầu tư công để xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, từ đó tạo nền tảng thuận lợi cho các dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp triển khai. Những giải pháp cụ thể cần được đưa ra nhằm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân, đảm bảo các khu nhà ở không chỉ an toàn, đẹp mắt mà còn đáp ứng tốt nhu cầu sinh sống và di chuyển thuận tiện, đặc biệt là gần nơi làm việc của người lao động.

Bên cạnh đó, các sở, ngành ở cấp thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xử lý thủ tục đầu tư, tạo môi trường thuận lợi hơn cho các dự án nhà ở xã hội.

Về chính sách tín dụng, ông Bùi Văn Sổn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đang triển khai chương trình cho vay theo Nghị định 100/2024 của Chính phủ, hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở 2023 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NOXH).

Chương trình này bao gồm các nội dung hỗ trợ vay vốn để xây dựng, mua, thuê và thuê mua NOXH, với nhiều quy định được nới lỏng đáng kể, nhằm tháo gỡ khó khăn và đảm bảo người vay có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu nhà ở.

Trong thời gian tới, NHCSXH sẽ tích cực tham mưu cho UBND TPHCM trong việc chỉ đạo các sở, ngành và chủ đầu tư tham gia vào các dự án NOXH. Cùng với đó, NHCSXH cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng TPHCM nhanh chóng thực hiện việc xét duyệt và cho vay, giúp người dân sớm tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, ổn định chỗ ở và lập nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, phía các ngân hàng khẳng định không gặp khó khăn trong việc triển khai các gói tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đang tích cực hỗ trợ kết nối giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người mua nhà, nhằm tháo gỡ các rào cản và đẩy nhanh tiến độ giải ngân, qua đó góp phần thúc đẩy chương trình NOXH của Chính phủ.

Nhiều giải pháp thiết thực phát triển nhà ở xã hội tại TPHCM- Ảnh 2.

Dự án nhà ở xã hội EHomeS Nam Sài Gòn tại huyện Bình Chánh, TPHCM.

Dành 3.700 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư vào NOXH trong giai đoạn 2021–2025

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, giai đoạn 2021–2030, TPHCM đặt mục tiêu xây dựng từ 69.700 đến 93.000 căn NOXH. Trong đó, từ năm 2021 đến 2025, cần hoàn thành từ 26.200 đến 35.000 căn. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Thành phố mới triển khai 10 dự án, trong đó có 5 dự án NOXH và 1 dự án nhà lưu trú công nhân đã hoàn thành, cùng 4 dự án khác đang được triển khai với khoảng 6.000 căn. Như vậy, đến nay, TPHCM mới hoàn thành được 20% chỉ tiêu của giai đoạn 2021–2025.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, cho biết trong quá trình triển khai, TPHCM gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các khâu, từ quy hoạch xây dựng, thủ tục đất đai, xác định nghĩa vụ tài chính, đầu tư, đến việc xác định giá bán NOXH. Việc bố trí quỹ đất, kêu gọi đầu tư và huy động các nguồn tài chính khác để thực hiện dự án cũng là những vấn đề lớn. Trước các điểm nghẽn này, Thành phố đã đưa ra một loạt giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ.

Về quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, TPHCM đang gấp rút hoàn thiện tờ trình để Thủ tướng phê duyệt quy hoạch giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050, đồng thời điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Dự kiến, các thủ tục liên quan sẽ được hoàn tất trong tháng 11. Thành phố sẽ cụ thể hóa quy hoạch phân khu, xác định rõ các vị trí dành cho NOXH, từ đó ưu tiên phát triển các khu vực mới hoặc tái sử dụng các vị trí cũ, đảm bảo pháp lý trong quá trình xây dựng.

Về đầu tư, quá trình phê duyệt chủ trương và công nhận chủ đầu tư cho các dự án NOXH hiện vẫn phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều sở, ngành. Để giải quyết vấn đề này, TPHCM đã thành lập tổ công tác đặc biệt do đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng, phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Xây dựng, cùng đại diện các quận, huyện và TP. Thủ Đức. Tổ công tác này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và lấy ý kiến liên ngành.

Về tài chính, thành phố đã phê duyệt khoảng 3.700 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư vào NOXH trong giai đoạn 2021–2025. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, TPHCM cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư từ trong và ngoài nước, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong xây dựng NOXH nhằm giảm giá thành.

Ngoài ra, UBND TPHCM đang phối hợp với Liên đoàn Lao động để đẩy mạnh xây dựng NOXH, đặc biệt là các mô hình nhà ở cho thuê và thuê mua, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của công nhân và người lao động.

Anh Lê

Top