Nhớ lại buổi đầu đổi mới mang dấu ấn Nguyễn Văn Linh

01/07/2015 10:05 AM

(Chinhphu.vn) - Các cửa hàng bán gạo đã đủ gạo bán cho dân, không còn cảnh xếp hàng mất nửa ngày để chỉ mua được mét vải hoặc vài bao thuốc lá. Chợ búa nhộn nhịp sinh sắc hơn, thực phẩm nhiều hơn... Đổi mới mang dấu ấn Nguyễn Văn Linh in đậm trong cuộc sống của cả xã hội cũng như từng cá nhân buổi đầu đổi mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm xí nghiệp Công ty Hợp doanh Cao su Phạm Hiệp (thuộc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh), cơ sở thí điểm thực hiện Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, ngày 6 tháng 2 năm 1987.

Giở lại chút lịch sử vắn tắt của Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn-TPHCM, thấy có điều đặc biệt: Ông Nguyễn Văn Linh đã 7 lần là người đứng đầu Đảng ở địa bàn chiến lược này, từ năm 1947 - thời kỳ đầu cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, đến năm 1986 - đêm trước của thời kỳ đổi mới. Có lẽ đó là một thứ kỷ lục tồn tại mãi, sẽ không có trường hợp thứ hai.

Nhắc thế để gợi rằng, đó là con người đặc biệt gắn bó với vùng đất đặc biệt. Là người con đất Bắc (Hưng Yên) nhưng dường như cả cuộc đời, ông Nguyễn văn Linh dành cho miền Nam, nhất là Sài Gòn – TPHCM, và thường là những khi khó khăn nhất. Tôi có chút kỷ niệm đối với buổi giao thời đổi mới, mang đậm dấu ấn Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh, với tư cách một người chứng kiến, trải qua, chiêm nghiệm.

Đầu năm 1977, tôi khăn gói ba lô chui vào khoang tàu biển chở khách Thống Nhất làm chuyến hành trình 48 tiếng đồng hồ từ Hải Phòng vào TPHCM. Bước chân lên bến Nhà Rồng, chỉ sau vài ngày bỡ ngỡ, tôi dần dần nhận ra những điều khác biệt ở thành phố phương Nam ồn ào náo nhiệt bậc nhất này. Cũng may là còn kịp nhìn thấy, chứng kiến một vài "tàn dư" ưu việt của cách làm ăn tự do, cởi mở so với nền kinh tế bao cấp, hoạch định gò bó ở miền Bắc.

Tuy nhiên, chả được bao lâu. Sau đó những gì tôi từng chứng kiến hai mươi mấy năm qua lại xuất hiện y chang trên đất Sài Gòn. Và càng ngày càng tệ. Thay đổi đi xuống từ những điều rất nhỏ. Chả thể quên cũng cái quán hủ tiếu trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5 mà tôi và mấy anh bộ đội đi học thỉnh thoảng ra ăn. Hồi nhà nước chưa quản lý, mình chưa ngồi xuống đã có người hỏi han ân cần, chỉ vài ba phút là nhận ngay tô hủ tiếu nóng hổi, giá cả bình dân dù lương thực đang rất khó khăn. Nhưng năm 1979 chính quyền đứng ra quản lý tất, kể cả quán hủ tiếu, tiệm cắt tóc, chụp hình, sửa xe... Muốn ăn hủ tiếu phải xếp hàng mua phiếu, có một cô kế toán mặc trang phục quốc doanh đến ghi số kiểm đếm doanh thu, chờ phờ râu cũng không thấy hủ tiếu đâu. Chủ hàng thấy kiểu cách vậy nên chán nản chả muốn bán, còn khách hàng bực bội không chịu được cũng thưa thớt dần. Cả một nền sản xuất, dịch vụ u ám. Kéo dài suốt bao năm gây khổ cho biết bao người. Đại loại nền kinh tế bao cấp, ngăn sông cấm chợ là vậy.

Sau giải phóng, ông Nguyễn Văn Linh giữ cương vị Bí thư Thành ủy TPHCM năm 1975 - 1976, còn cái thời tôi vừa kể lúc bấy giờ do ông Võ Văn Kiệt kế nhiệm cầm trịch. Thực ra Bí thư Võ Văn Kiệt cũng rất muốn xé rào nhưng lúc bấy giờ dường như chưa thể bởi bộ máy vận hành theo kiểu cũ vẫn còn quá mạnh. Phải thừa nhận rằng, TPHCM đã chuyển mình mạnh mẽ, thay đổi quyết liệt, mở bung cánh cửa vào thị trường tự do, đồng nghĩa với việc áp dụng một nền kinh tế thị trường linh hoạt, người dân tiếp cận hạnh phúc, no ấm là nhờ công của Đảng bộ thành phố mà người đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh từ năm 1981 đến 1986.

Ngày 9 tháng 2 năm 1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ và làm việc với các nhà quản lý kinh tế, các nhà khoa học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Dấu ấn Nguyễn Văn Linh, phong cách Nguyễn Văn Linh, tư duy Nguyễn Văn Linh..., lúc bấy giờ người dân, báo chí, dư luận nhận xét, ca ngợi như vậy. Các cửa hàng bán gạo đã đủ gạo bán cho dân, không còn cảnh xếp hàng có khi mất hẳn nửa ngày để chỉ mua được mét vải hoặc vài bao thuốc lá. Chợ búa nhộn nhịp sinh sắc hơn, thực phẩm nhiều hơn làm giảm bớt sự đăm chiêu cau có bao năm thường trực trên khuôn mặt bà nội trợ.

Đổi mới mang dấu ấn Nguyễn Văn Linh in đậm trong cuộc sống của cả xã hội cũng như từng cá nhân.

Các nhà máy, xí nghiệp cũng như được tái sinh, tiếp theo sự mở lối, động viên của Bí thư Võ Văn Kiệt thì giờ đây là chủ trương đổi mới mạnh mẽ, bung sức sản xuất, phá bỏ cơ chế kìm hãm của Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tận mắt chứng kiến những đổi thay của Sài Gòn thời ấy, tôi và những người như tôi nghĩ rằng, công đầu thuộc về Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh. Người dân TPHCM rất biết ơn ông, không bao giờ quên những đóng góp của ông với thành phố này trong những năm gian khó đó.

Nguyễn Thông

Top