Những mô hình đổi mới sáng tạo TPHCM có thể học tập

05/08/2022 5:17 PM

(Chinhphu.vn) - TPHCM có thể tham khảo các mô hình đổi mới sáng tạo thành công của các thành phố khác trên thế giới để hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của mình.

Những mô hình đổi mới sáng tạo TPHCM có thể học tập - Ảnh 1.

Lễ ký thoả thuận hợp tác 4 bên: Viện Kinh tế Việt Nam, Trường Đại học Hoa Sen, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học Công nghệ TPHCM và CLB Các nhà Kinh tế - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Đây là nội dung chính được chia sẻ tại Hội thảo "Thành phố khởi nghiệp" tổ chức ngày 5/8, tại Đại học Hoa Sen.

Ông Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam dẫn ra sáng kiến Digital Hub ở Đức hỗ trợ thành lập các trung tâm kỹ thuật số trên cả nước. Digital Hub kết nối các công ty khởi nghiệp tại Đức với quốc tế theo mô hình của "Thung lũng Silicon". Các trung tâm này không chỉ nhằm mục đích thúc đẩy kết nối, hợp tác mà còn đóng vai trò nền tảng để tham gia đối thoại với các nhà lãnh đạo thị trường toàn cầu và các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại Đức đã có 12 trung tâm tại 12 thành phố, mỗi thành phố tập trung vào một ngành cụ thể.

Hay kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc cũng được đưa ra phân tích tại Hội thảo "Thành phố khởi nghiệp". Theo đó, Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ thiết lập 40 trung tâm vào năm 2025 dựa trên 10 lĩnh vực được xác định là cốt lõi trong quá trình phát triển. Mỗi trung tâm này sẽ tập trung vào một ngành hoặc một lĩnh vực, đóng vai trò là đầu mối hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đa ngành, đa lĩnh vực giữa các công ty, đơn vị học thuật và chính quyền, ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - những công nghệ có khả năng đảm bảo duy trì vị trí quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới của Trung Quốc.

Ngoài các trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia, Trung Quốc cũng đang hỗ trợ phát triển 48 trung tâm ĐMST hoạt động sản xuất cấp tỉnh. Các trung tâm cấp quốc gia và trung tâm cấp tỉnh đã thiết lập nên hệ thống ĐMST xuyên suốt, trong đó các trung tâm cấp quốc gia giữ vai trò chủ đạo với sự hỗ trợ quan trọng từ các trung tâm cấp tỉnh.

Trong khi đó, một trong những hướng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia của Singapore là tập trung vào thành lập khu JTC LaunchPad@one-north để cung cấp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp môi trường hiệu quả và hệ sinh thái phát triển thuận lợi. Đây là khu vực gồm nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và nhiều dịch vụ hỗ trợ đi kèm như dịch vụ tư vấn pháp luật và đầu tư.

Bên cạnh đó, Singapore thành lập khu JTC LaunchPad@JID, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển trong các lĩnh vực như công nghệ sạch, chế tạo tiên tiến.

Với vị trí ở gần Trường đại học công nghệ Nanyang, các viện nghiên cứu và mạng lưới các doanh nghiệp, các startup trong khu JTC LaunchPad@JID có thể hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nói trên, tận hưởng sự tăng trưởng chung và thúc đẩy hoạt động thương mại hoá các công nghệ mới. Đồng thời, tạo ra môi trường thuận lợi cho phép các công ty thử nghiệm các sáng kiến ĐMST và chia sẻ ý tưởng với nhau thông qua việc sử dụng các trang thiết bị chung như xưởng sản xuất thử. Gần đây, Singapore đã hoàn thành Quận đổi mới sáng tạo JTC LaunchPad@Jurong giúp cung cấp không gian công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và vườn ươm có năng lực.

Sự thành công của các mô hình trên có thể xem là hình mẫu để TPHCM nghiên cứu các điều kiện liên quan để hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo của Thành phố.

Theo ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch CLB Các nhà Kinh tế, Chủ tịch Tập đoàn Green+, mặc dù ở nước ta chưa có khái niệm chính thức về "thành phố khởi nghiệp", song trên thực tế, TPHCM được xem như trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo của cả nước.

Thành phố đang có khoảng 268.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong tổng số trên 866.000 doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước - chiếm 31%. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng hàng năm cho thấy TPHCM là nơi có môi trường tốt nhất, thuận lợi để xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Đổi mới Sáng tạo TPHCM, I-Star 2022, năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Thành phố vẫn phát triển mạnh mẽ, trở thành cái nôi của cộng đồng khởi nghiệp cả nước; lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của cả các Start-up là hơn 1,1 tỷ USD, tương đương 60% lượng vốn và 70% số thương vụ của cả nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Từ những thành tựu đạt được trong giai đoạn 2016 - 2021, TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai "Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021 - 2025".

Kế hoạch hướng tới mục tiêu hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố phát triển ngang tầm khu vực, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực canh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố, góp phần nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%.

Cùng với đó, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tại hội thảo đã diễn ra Lễ ký thoả thuận hợp tác 4 bên: Viện Kinh tế Việt Nam, Trường Đại học Hoa Sen, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học Công nghệ TPHCM và CLB Các nhà Kinh tế, nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác và phát huy ưu thế của các bên, huy động rộng rãi chuyên gia, doanh nghiệp, cá nhân tham gia cộng đồng khởi nghiệp…

Băng Tâm

Top