Nỗ lực duy trì trường học “xanh”

13/02/2022 9:35 PM

(Chinhphu.vn) - Từ ngày 14/2, học sinh bậc Mầm non đến lớp 6 tại TPHCM sẽ được tham gia học trực tiếp sau nhiều tháng liền phải ở nhà do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các trường đã chuẩn bị nhiều phương án nhằm đảm bảo cao nhất an toàn cho người học.

Nỗ lực duy trì trường học “xanh” - Ảnh 1.

Vệ sinh trường lớp trước khi đón học sinh trở lại - Ảnh: VGP/Khởi Minh

An toàn của trẻ là trên hết

Trở về nhà sau cuộc họp với ban giám hiệu trường mầm non của con gái 5 tuổi, chị Lê Thị Ngọc Mai (quận Gò Vấp) ghé tiệm thuốc tây gần nhà mua thêm chai gel rửa tay sát khuẩn và ít khẩu trang y tế cho con. Sau bao ngày mong ngóng, ngày mai (14/2), bé Thanh con chị sẽ được gặp lại bạn bè, thầy cô. "Con bé háo hức lắm, nghỉ gần cả năm còn gì. Vui thì vui nhưng nói thật tôi không dám chủ quan. Cứ dặn con phải rửa tay, mệt thì phải báo cô. Nhà trường chuẩn bị khâu vệ sinh, các bước phòng dịch rất kỹ. Tôi chỉ mong mọi việc suôn sẻ để trẻ được học tại trường. Ở nhà lâu quá tội lắm", chị Mai cho hay.

Có 2.610 học sinh, nhằm đảm bảo an toàn mùa dịch, Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh) tổ chức đón trẻ theo hình thức cuốn chiếu, ưu tiên sự hỗ trợ, hướng dẫn cho các khối lớp 1 và 2. Ông Đặng Duy Phước, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngày 14/2, trường sẽ đón học sinh khối 1, khối 2 đi học trước. Sau đó sẽ tiếp tục tổ chức đón học sinh khối 5, sau cùng là khối 3 và 4.

Trước ngày đi học trực tuyến, học sinh khối lớp 1 có hai buổi đến trường làm quen với bạn bè, thầy cô và thực hành quy trình phòng dịch COVID-19 dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Trong giai đoạn đầu trẻ quay trở lại trường học, nhà trường không đặt nặng việc giáo dục kiến thức mà tập trung giúp trẻ làm quen với môi trường, kiểm tra khả năng tiếp thu, trang bị kỹ năng phòng dịch.

Đặc biệt, trẻ lớp 1 sẽ nhận nhiều kênh hỗ trợ sao cho không bỡ ngỡ sau mấy tháng liền học bằng máy tính, điện thoại. Mặc dù học sinh đến trường theo khối nhưng ông Phước vẫn huy động toàn bộ lực lượng giáo viên, nhân viên nhà trường có mặt nhằm hướng dẫn từng bước cho học sinh, trong đó quan tâm nhiều nhất đến việc nâng cao ý thức bảo vệ cá nhân cho các em. "Trẻ tiểu học chưa được tiêm vaccine, cần được bảo vệ thật kỹ", ông Phước chia sẻ.

Nỗ lực duy trì trường học “xanh” - Ảnh 2.

Hướng dẫn học sinh lớp 1 cách rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt trước khi vào lớp - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Đại diện hệ thống trường mầm non Kid's Club với 10 cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TPHCM cho biết đã triển khai các hoạt động nhằm siết chặt quy trình phòng chống dịch COVID-19, liên tục tập huấn giáo viên, nhân viên, hỗ trợ thông tin phòng dịch cho phụ huynh nhằm đảm bảo cao nhất an toàn cho trẻ. Bà Lâm Bội Linh, thành viên Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục này, cho hay bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu của ngành GD&ĐT TPHCM, các cơ sở trong hệ thống chủ động thiết kế thêm quy trình phòng dịch và tạo sự gắn kết với gia đình trẻ nhằm kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh.

Cũng theo bà Lâm Bội Linh, đến thời điểm hiện tại hơn 70% phụ huynh đã đăng ký cho trẻ quay trở lại học trực tiếp từ ngày 14/2. Tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cho trẻ đi học từ ngày 1/3 chiếm gần 90%.

Nỗ lực duy trì trường học “xanh” - Ảnh 3.

Các trường tiểu học dành nhiều thời gian để học sinh lớp 1 làm quen với môi trường học tập mới - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Tận dụng thời gian cho các hoạt động cốt lõi

Không riêng gì trường mầm non, tiểu học, các trường THCS, THPT tại TPHCM cũng siết chặt quy trình phòng dịch COVID-19 tại từng lớp học để những học sinh đã tiêm đủ vaccine vẫn duy trì thói quen 5K.

Chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng, chống dịch từ trước khi học sinh quay trở lại, đến nay, Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) vẫn duy trì được mô hình "Lớp học xanh". Theo đó, trường tạo ứng dụng "Lớp học xanh", kết nối với phụ huynh, học sinh các khối lớp để tuyên truyền liên tục về biện pháp phòng chống dịch, xử lý khi có triệu chứng nghi nhiễm.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, quan trọng nhất vẫn là sàng lọc từ gia đình. Do vậy, nhà trường kêu gọi phụ huynh cứ 20h ngày Chủ nhật, gia đình sẽ tự làm xét nghiệm nhanh cho con tại nhà và gửi kết quả qua ứng dụng cho thầy cô chủ nhiệm. "Việc này không mất nhiều thời gian và không quá xa lạ với người dân TPHCM nữa. Chi phí cũng không tốn kém lắm nhưng nó giúp gia đình, nhà trường kịp thời phát hiện, sàng lọc các nguy cơ. Nhờ mô hình này mà đến nay trường vẫn duy trì được "vùng xanh", học sinh đến trường cũng an tâm học hành. Chúng tôi cũng chủ động bỏ các hoạt động không cần thiết, dành nhiều thời gian cho việc bổ sung kiến thức giúp học sinh tiếp thu bài tốt hơn", ông Phú cho biết thêm.

Nhiều cơ sở giáo dục tại TPHCM cũng chủ động lọc bớt chương trình, thay các hoạt động ngoại khóa, tập trung đông người thành những cuộc thi vui nhộn trên internet. Các trường tận dụng tối đa khả năng kết nối của cổng thông tin điện tử và các nhóm trao đổi trên Zalo với phụ huynh để liên tục tuyên truyền, cập nhật thông tin mới. Chính việc công khai thông tin, kết nối chặt chẽ với phụ huynh đã giúp các trường nắm bắt tình hình tốt hơn, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Nỗ lực duy trì trường học “xanh” - Ảnh 4.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh tập làm quen với thư viện - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Thông tin từ Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đi học trực tiếp ngày càng cao. Với bậc mầm non, khảo sát của sở cho thấy có gần 80% ý kiến đồng tình để trẻ đến trường học trực tiếp vào thời điểm này. Khối Tiểu học tăng mạnh từ gần 80% trước tết lên 95% trong giai đoạn này. Nếu như bậc THPT và THCS ban đầu khảo sát chỉ nhận về 70% ý kiến đồng tình nhưng hiện tại số phụ huynh đồng ý cho con đến lớp đã tăng hơn 95%.

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, mặc dù tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tại TPHCM đang tiến triển theo chiều hướng tích cực nhưng các địa phương, từng cơ sở giáo dục phải luôn nâng cao cảnh giác để hạn chế thấp nhất rủi ro. Trong đó, mỗi trường cần vạch ra những ưu tiên giúp các hoạt động đi vào thực chất, tận dụng tối đa thời điểm này cho những nội dung cốt lõi.

Ưu tiên đầu tiên ngành GD&ĐT TPHCM đặt ra cho các trường, các Phòng GD&ĐT quận/huyện là bằng mọi giá nâng cao mức an toàn cho người học, người dạy trực tiếp. Ngay cả với học sinh đã tiêm đủ vaccine cũng luôn tuân thủ quy định về khai báo y tế, cam kết tham gia các hoạt động an toàn, đảm bảo 5K. Bên cạnh đó, các trường cũng được yêu cầu cần ưu tiên việc đánh giá khả năng tiếp thu của học sinh sau nhiều tháng liền học trực tuyến và lên phương án giáo dục, bổ túc kiến thức phù hợp. Cùng với đó là sự ưu tiên cho chương trình cốt lõi của từng cấp học theo từng thời điểm cụ thể, linh hoạt với tình hình thực tế. 

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, ngành GD&ĐT TPHCM và các quận huyện đã có những hướng dẫn cụ thể về phòng, chống dịch COVID-19, tổ chức giảng dạy trực tiếp trong điều kiện mới và trực tiếp thanh kiểm tra tại các cơ sở giáo dục. Khi học sinh tiểu học, mầm non quay trở lại, công tác này sẽ tiếp tục được duy trì. Các phòng chuyên môn thuộc Sở cũng đã hướng dẫn cụ thể về công tác tổ chức giảng dạy trực tiếp của các cấp và yêu cầu các trường phải bám hướng dẫn về cấp độ dịch để có sự chuyển đổi linh hoạt khi cần.

"Hiện nay tất cả đều là vùng xanh nhưng trong kế hoạch vẫn phải lưu ý phương án chuyển đổi linh hoạt theo các cấp độ dịch đúng hướng dẫn của chuyên môn. Ví dụ như đang vùng xanh mà xuống vùng vàng thì nhà trường phải thay đổi bằng cách chuyển một bộ phận đang học trực tiếp sang trực tuyến, giảm số tiết học trực tiếp để đảm bảo mật độ an toàn. Mỗi trường cũng phải sẵn sàng thực hiện các hoạt động xử lý khi phát sinh các ca nhiễm. Chúng ta làm mọi cách để ngay cả khi có F0, người học cũng không hoang mang, lo lắng", ông Dũng cho biết thêm./.

Khởi Minh

Top