PGĐ Sở Công Thương: Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá

04/04/2022 6:51 PM

(Chinhphu.vn) - Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố chiều 4/4.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM thông tin tại họp báo - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, liên quan đến vấn đề bình ổn thị trường, trên cơ sở bảng giá mới của các mặt hàng bình ổn thị trưởng năm 2022 đã được công bố, với mục tiêu trọng tâm là phải kiểm soát chặt chẽ giá bán của các mặt hàng thiết yếu theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường kiểm tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, Sở Công Thương Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường cũng như UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức để kiểm tra trong công tác quản lý điều hành cũng như bình ổn giá thị trường, các công tác kiểm tra này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Sở Công Thương cũng đã đề nghị Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, theo dõi sát diễn biến thị trường của các mặt hàng thiết yếu, trong đó chú trọng đến các mặt hàng xăng dầu cũng như lương thực thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến tình hình biến động thị trường để găm hàng hay thu lợi bất chính.

Bà Ngọc cũng cho biết, Sở Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố để đưa ra những chương trình cũng như vận động các hệ thống phân phối này có những chương trình chiết khấu nhằm giảm giá hàng hóa hiện nay, giảm áp lực giá cả đang tăng lên do một số tình hình biến động xuất hiện từ đầu năm.  

Về vấn đề một số chợ truyền thống như chợ An Đông, chợ Bến Thành đìu hiu, vắng khách, đại diện Sở Công Thương thông tin, kể từ sau dịch bệnh, tức là giai đoạn phục hồi kinh tế đến nay, theo hướng dẫn của Sở Công Thương, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức cũng đã vận động và đưa các chợ truyền thống đi vào hoạt động trở lại. Đến thời điểm này, có khoảng 92% số chợ đã đi vào hoạt động, một số chợ bị xuống cấp đã tạm ngưng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp.

Lý do các chợ vắng khách, theo bà Ngọc, trong thời gian qua, do dịch bệnh nên một số tiểu thương đã có xu hướng chuyển từ mua bán trực tiếp sang trực tuyến, qua điện thoại. Đến thời điểm này, họ vẫn tiếp tục duy trì các hình thức này. Ngoài ra, một số tiểu thương về quê chống dịch chưa quay trở lại để tiếp tục hoạt động buôn bán.

Anh Thơ

Top