Phát hành trái phiếu để thu hút kiều hối đầu tư vào các dự án lớn

30/05/2023 12:14 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 29/5, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố tổ chức Hội thảo Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài góp ý về các giải pháp thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn.

Phát hành trái phiếu để thu hút kiều hối đầu tư vào các dự án lớn - Ảnh 1.

TPHCM phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kiều hối chuyển về Thành phố ít nhất 10% mỗi năm

Hội thảo nhằm lấy ý kiến xây dựng "Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố" do UBND TPHCM chỉ đạo thực hiện. Đề án nhằm tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối; đồng thời tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và lao động tại nước ngoài để đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Mục tiêu của đề án phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kiều hối chuyển về TPHCM ít nhất 10% mỗi năm giai đoạn 2023-2025 và duy trì tốc độ này trong giai đoạn 2025-2030.

Tại hội thảo, các ý kiến đều thống nhất kiều hối đã và đang trở thành một nguồn lực quan trọng trong tổng thể các nguồn lực từ bên ngoài vào Việt Nam và thường xuyên đạt trên 10 tỷ USD năm. Ngay sau đại dịch COVID-19, dòng kiều hối đã nhanh chóng tăng trở lại, đạt khoảng 18 tỷ USD trong năm 2022.

Phát biểu tham luận, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản nhiều thứ 2 sau Mỹ, với gần 500.000 người. Có thể lượng kiều hối từ Nhật Bản gửi về nước chưa phải là lớn, nhưng với tốc độ tăng trưởng người Việt Nam tại Nhật thì thời gian tới đây là nguồn lực rất quan trọng để tăng kiều hối. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để sử dụng hiệu quả kiều hối.

Hiện thống kê lượng kiều hối hàng năm gửi về Việt Nam chưa thống nhất. Cụ thể, trong năm 2022, Ngân hàng thế giới thống kê kiều hối về Việt Nam là 18 tỷ USD, còn số liệu của Ngân hàng Nhà nước là 12-13 tỷ USD, các con số chênh nhau lên đến 5-6 tỷ USD. Và điều quan trọng hơn là hiện chưa có thống kê cụ thể nguồn tiền này được dùng vào việc gì. 

Theo ông Hiệu, các nhà đầu tư nước ngoài khi mang tiền vào đầu tư, tạo công ăn việc làm, tạo của cải cho xã hội thì phần lợi nhuận được mang ra nước ngoài. Các nước đều có khuôn khổ pháp lý về ngoại hối, kiều hối. Nếu đã xác định kiều hối đầu tư thì có chính sách thuận lợi như nhà đầu tư nước ngoài, cần có ưu đãi và tạo thuận lợi.

Cùng với đó, cần phải tính đến việc sửa đổi Luật Quốc tịch, Luật Đất đai theo hướng cho phép kiều bào được mua nhà, sở hữu nhà ở,… nhằm thu hút nguồn kiều hối chuyển về nước nhiều hơn.

Đánh giá về vai trò của kiều hối, TS. Nguyễn Trí Hiếu (kiều bào Mỹ) cho biết, hơn 5 triệu người Việt sinh sống và làm việc tại nước ngoài, trong đó khoảng một nửa sống và làm việc tại Mỹ. Nếu tính bình quân thu nhập của người Việt sinh sống tại nước ngoài là 20.000 USD thì tổng thu nhập của cộng đồng người Việt tại nước ngoài tương đương với 25% GDP của Việt Nam năm 2022, một nguồn lực tài chính rất lớn có thể đóng góp cho đất nước.

Năm 2022, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hơn 18 tỷ USD, gần bằng mức vốn FDI thực hiện (22,4 tỷ USD) nhưng cao hơn nhiều so với nguồn vốn ODA đã giải ngân. Kiều hối có tính ổn định hơn FDI và ODA và kiều hối không phải trả lãi và không tạo ra gánh nợ cho đất nước.

Đặc biệt, so với xuất khẩu, nguồn thu ngoại tệ lớn nhất, nhưng lại phải đầu tư và chi phí sản xuất; và do kiều hối đổ thẳng vào khu vực dân cư, qua đó nâng cao thu nhập, thúc đẩy tiêu dùng, trong giai đoạn này khi nhu cầu tiêu dùng giảm, nguồn lực này còn giúp phục hồi nền kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận, thời gian qua, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hỗ trợ rất ít cho sản xuất kinh doanh, mà chủ yếu dùng cho tiêu dùng và đầu tư bất động sản.

Kiều hối về TPHCM chiếm khoảng 60% tổng lượng kiều hối cả nước. Lượng kiều hối này chủ yếu từ kiều bào sinh sống và làm việc tại Mỹ, có sự ổn định, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, hiện tại Mỹ và châu Âu, lạm phát và lãi suất tăng cao, làm tăng chi phí sinh hoạt của người Việt. Chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nước này có thể sẽ tiếp tục trong năm nay và cả năm sau, do đó kiều hối có thể sẽ suy giảm.

Về giải pháp để tăng thu hút nguồn kiều hối, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng TPHCM cần những biện pháp để khuyến khích dòng tiền chuyển về. Cụ thể, cần cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thông tin về những cơ hội đầu tư; tiếp tục chính sách không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào, cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng; chính sách miễn thị thực và giấy tạm trú cần thông thoáng hơn; nên thành lập một đường dây nóng để giải đáp những câu hỏi và hướng dẫn kiều bào liên quan đến đầu tư…

Tham luận của bà Trần Tuệ Tri, người Việt Nam tại Singapore có rất nhiều kiến nghị thiết thực. Bà Tri cho rằng, lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt làm việc tại nước ngoài là những người có nhu nhập cao và được phép mang gia đình theo. Vì vậy nguồn kiều hối đổ về chủ yếu là tích lũy và đầu tư. Với kiến thức, kinh nghiệm quốc tế và am hiểu Việt Nam, họ mong muốn sẽ quay trở lại và quan tâm nhiều đến các cơ hội đầu tư tốt tại quê nhà.

Nhằm thu hút hơn nữa lượng kiều hối từ đối tượng này thì các kênh chuyển tiền chính thức cần nhanh chóng, thuận lợi hơn để thu hút kiều hối. Việc các ngân hàng đầu tư tốt hơn cho ngân hàng số, dễ sử dụng, nhanh chóng, lãi suất tốt, giảm chi phí chuyển tiền không những thu hút nguồn ngoại tệ mà còn gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng các ngân hàng trong nước.

Tại hội thảo, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, trong 5 năm gần đây, kiều hối về Thành phố luôn đạt mức tăng trưởng khá. Bình quân trong 5 năm qua, lượng kiều hối chuyển về tăng khoảng 7,6%/năm. Do vậy, mức tăng trưởng bình quân đặt ra trong giai đoạn tới khoảng 10% là khả thi.

Để kiều hối tăng trưởng theo kế hoạch, ông Lệnh cho rằng, phải tiếp tục triển khai tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt là chính sách về kiều hối cũng như chi trả kiều hối của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư. Đặc biệt, cần đổi mới quy trình, thủ tục chi trả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhận kiều hối, ứng dụng công nghệ, mở rộng các phương tiện thanh toán hiện đại…

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài Peter Hồng cho rằng để thu hút và phát huy hiệu quả nguồn kiều hối, trở thành "lực đẩy" quan trọng đóng góp kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng thì Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách tích cực để tạo niềm tin cho kiều bào; tạo ra những đột phá về chính sách đối với kiều bào và kiều hối.

Theo đó, những vấn đề cần sớm điều chỉnh như tạo điều kiện để kiều bào có thể mua nhà tại Việt Nam hay tăng cường thu hút nguồn lực kiều bào tham gia vào các chương trình, công trình, dự án trọng điểm của Nhà nước và Thành phố thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền thành phố với nhiều ưu đãi.

Tương tự ông Peter Hồng, trong giải pháp thu hút kiều hối, GS. Võ Hồng Đức, kiều bào tại Australia cũng đề xuất TPHCM phát hành trái phiếu đô thị để cung cấp nguồn vốn cho việc xây dựng các công trình, dự án lớn. Kiều bào sẽ được miễn thuế tiền lãi và được mang tiền đầu tư về lại nước ngoài sau thời gian đầu tư.

Với sáng kiến này, TPHCM trước tiên sẽ phát hành trái phiếu để kêu gọi nguồn vốn từ kiều bào, phần còn lại các nhà thầu huy động, qua đó giảm gánh nặng cho ngân sách. Theo GS. Võ Hồng Đức, các dự án phục vụ cộng đồng, đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội phù hợp kêu gọi kiều bào đầu tư với suất sinh lời thấp. Các kiều bào mong muốn và sẵn sàng đầu tư trong khả năng của mình để góp phần xây dựng TPHCM và đất nước giàu mạnh.

Mạnh Hùng

Top