Phát triển du lịch TPHCM: 'Nhiều sông nhưng thiếu đò'

07/10/2022 8:15 AM

(Chinhphu.vn) - Đại diện doanh nghiệp du lịch TPHCM chia sẻ như vậy tại Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn do HĐND Thành phố tổ chức chiều 6/10.

'TPHCM có nhiều sông nhưng lại chưa có đò' - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Trao đổi tại Hội nghị, ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du ngoạn Việt cho rằng, TPHCM có nhiều sông, kênh rạch nhưng lại không hề có đò. Đây là điều đáng tiếc.

Vị này cho rằng, từ lợi thế của mình, Thành phố nên quan tâm đẩy mạnh phát triển loại hình "trên bến dưới thuyền", đồng thời tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp thực hiện.

"Thành phố có cảng Sài Gòn với bề dày lịch sử và cảnh quan xung quanh, tôi rất muốn thấy nó phát huy được lợi thế vẻ đẹp và lịch sử lâu đời nhằm phục vụ phát triển du lịch", ông Xuân Anh nói.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ về tình hình hoạt động qua 2 năm đại dịch. Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài TPHCM, trải qua đại dịch vừa qua, các bảo tàng công lập gặp phải nhiều thử thách lớn. Ngoài nguồn thu bị giảm sút nghiêm trọng, các cơ sở này còn bị chảy máu chất xám bởi nhiều cán bộ, công chức đã gắn bó với ngành phải rời khỏi ngành để kiếm sống bằng những công việc khác. Để tìm lại những người có tâm huyết, trình độ làm bảo tàng như vậy không hề dễ dàng. 

Do đó, bà Vân cho rằng cần có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với những người còn trụ lại được bởi họ đã trải qua 2 năm rất khó khăn không chỉ về vật chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Thành phố đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan một số nội dung về thuế, lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch...

Về phương hướng thời gian tới, bà Lệ cho biết TPHCM xác định đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế xanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng, phát triển đô thị; đồng thời sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống.

Theo đó, ngành du lịch Thành phố cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy; du lịch lễ hội sự kiện; sản phẩm du lịch ban đêm gắn với kinh tế đêm; sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử gắn với đặc trưng của TP. Thủ Đức và 21 quận huyện; du lịch hội nghị - hội thảo (MICE) và du lịch ẩm thực.

Vũ Phong

Top