Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn

06/03/2025 5:16 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 6/3, Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đã công bố báo cáo nghiên cứu: "Tăng cường phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn" là thành quả trực tiếp của sáng kiến do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ nhằm củng cố Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn- Ảnh 1.

Báo cáo được xây dựng dựa trên một loạt hoạt động với sự tham gia của các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp bán dẫn từ nhiều nơi trên thế giới.

Những thực tiễn tốt nhất được nhấn mạnh trong nghiên cứu này phản ánh cam kết của Hoa Kỳ trong việc củng cố chuỗi cung ứng an toàn, đa dạng và có sức chống chịu, đồng thời cũng phù hợp với mối quan tâm của Việt Nam về phát triển nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trong ngành bán dẫn, như một phần của các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội rộng hơn.

Báo cáo nhấn mạnh vai trò then chốt mà Việt Nam có thể đóng góp trong việc hỗ trợ chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Mỹ và toàn cầu, với điều kiện tiếp tục đầu tư chiến lược vào đào tạo nhân lực và hợp tác trong ngành.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, báo cáo đưa ra khuyến nghị cho ba bên liên quan chính là chính phủ, các tổ chức giáo dục và khu vực tư nhân.

Theo đó, phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu: Các trường đại học cần xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là trong các phân khúc như Lắp ráp, Kiểm thử và Đóng gói (ATP) và thiết kế Mạch tích hợp (IC), ở cả cấp đại học và sau đại học.

Thứ hai, Chính phủ và doanh nghiệp cần hợp tác để đầu tư vào các trung tâm đào tạo hiện đại, nơi sinh viên có thể tiếp cận công nghệ tiên tiến và trải nghiệm thực tế.

Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn- Ảnh 2.

Báo cáo thể hiện cam kết của Trường Đại học Fulbright Việt Nam trong vai trò tiên phong, đóng góp phần vào sự tiến bộ kinh tế- xã hội của Việt Nam thông qua nghiên cứu - giáo dục.

Thứ ba, thu hút các chuyên gia đầu ngành tham gia giảng dạy, đồng thời cải thiện các chính sách đãi ngộ để giữ chân nhân tài sẽ đảm bảo chất lượng đào tạo lâu dài.

Thứ tư, tăng cường hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa các trường và doanh nghiệp là yếu tố then chốt để giảm thiểu khoảng cách kỹ năng, rút ngắn thời gian đào tạo thực tế và tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành. Đặc biệt cần Chính phủ tài trợ các dự án thử nghiệm giữa trường và doanh nghiệp để hai bên có điều kiện thực hành và xây dựng hồ sơ kinh nghiệm.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp này sẽ giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách cung - cầu nhân lực và khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Nếu tận dụng tốt các cơ hội hiện tại, Việt Nam có tiềm năng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

MT

Top