Phương án sắp xếp cán bộ, công chức của TPHCM khi sáp nhập
(Chinhphu.vn) - Khi sáp nhập với 2 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương, TPHCM mới tạm thời vẫn giữ ổn định số lượng biên chế, nhân sự đang có mặt tại các cơ quan, đơn vị để rà soát, sắp xếp, bố trí thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Trên cơ sở định hướng của Trung ương, TPHCM sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về lộ trình tinh giảm biên chế đúng tỉ lệ quy định.

TPHCM mới sau khi sáp nhập, rộng 6.772 km2, dân số hơn 13,7 triệu người, có 168 đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: VGP/Linh Anh
UBND TPHCM vừa báo cáo Chính phủ đề án sắp xếp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM. Theo đó, TPHCM mới, rộng 6.772 km2, dân số hơn 13,7 triệu người, có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo.
Sau sáp nhập, TPHCM có 6 tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, gồm: Đảng bộ UBND, Đảng bộ cơ quan Đảng, Đảng bộ Công an, Đảng bộ Quân sự, Đảng bộ Bộ đội biên phòng, Đảng bộ Đại học Quốc gia TPHCM và 168 Đảng bộ cấp xã.
Với khối chính quyền, các đại biểu HĐND cấp tỉnh của Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và TPHCM hợp thành HĐND của TPHCM mới, tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, trưởng đoàn, Phó đoàn đại biểu Quốc hội, trưởng các ban HĐND và ủy viên UBND sẽ được chỉ định. Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND TPHCM mới.
HĐND TPHCM có 4 ban: Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Đô thị. Tương tự với cấp xã, các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, trưởng các ban HĐND và ủy viên UBND cũng sẽ được chỉ định.
Sắp xếp nguyên trạng các sở và cơ quan hành chính của 3 địa phương
Đối với cấp sở, TPHCM mới sắp xếp nguyên trạng các sở và cơ quan hành chính của 3 địa phương, gồm có 15 sở và cơ quan tương đương, Sở An toàn thực phẩm thí điểm theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, giữ nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập.
Dự kiến, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất ngày 15/8 (đối với cấp xã) và chậm nhất ngày 15/9 (đối với cấp tỉnh).
Đề án cũng đưa ra phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo lộ trình. Đối với số lượng cán bộ (gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND và 2 ban chuyên môn của HĐND cấp xã), căn cứ theo các tiêu chuẩn, lựa chọn những người đảm bảo đủ tiêu chuẩn để bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo. Riêng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị hành chính cấp xã mới.
Toàn bộ công chức tại UBND cấp huyện được bố trí công tác tại các cấp xã mới thành lập
Toàn bộ công chức tại UBND cấp huyện được bố trí công tác tại các cấp xã mới thành lập. Tiêu chuẩn bố trí công chức chuyên môn, nghiệp vụ tại cấp xã phải đáp ứng tiêu chuẩn trình độ đào tạo theo yêu cầu vị trí việc làm đối với công chức cấp huyện trở lên. Toàn bộ biên chế cán bộ, công chức của cấp xã hiện có bố trí vào làm cán bộ, công chức của xã, phường mới. Công chức cấp huyện được điều động, bố trí giữ vị trí chủ chốt tại các phòng thuộc cấp xã mới. Trong trường hợp cần thiết, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban, ngành sẽ được tăng cường về cấp xã. TPHCM sẽ kết thúc nhiệm vụ và việc sử dụng hơn 9.700 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay.
Đối với viên chức, UBND phường, xã mới quản lý số lượng viên chức tại các đơn vị trường THCS, tiểu học, mầm non và trạm y tế trú đóng trên địa bàn. Số lượng viên chức tại trạm y tế các phường, xã được giữ nguyên; viên chức tại trung tâm y tế cấp huyện chuyển giao về trực thuộc Sở Y tế. Viên chức thuộc các lĩnh vực khác thực hiện theo quy định về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập.
Khi sáp nhập với 2 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương, TPHCM mới tạm thời vẫn giữ ổn định số lượng biên chế, nhân sự đang có mặt tại các cơ quan, đơn vị để rà soát, sắp xếp, bố trí thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Trên cơ sở định hướng của Trung ương, TPHCM sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về lộ trình tinh giảm biên chế đúng tỷ lệ quy định.
Chủ tịch TPHCM lập tổ giúp việc về sáp nhập tỉnh, xã
Ngày 6/5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được ký quyết định thành lập Tổ giúp việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (gọi tắt là sáp nhập) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tổ giúp việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp do Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan làm tổ trưởng.
3 tổ phó gồm: Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Quốc Thuận; Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Thái Thị Bích Liên và Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thành Trung.
Tổ giúp việc có nhiệm vụ giúp ban chỉ đạo cụ thể hóa triển khai nhiệm vụ xây dựng phương án tổng thể, đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính các cấp; tổ chức lấy ý kiến nhân dân, họp HĐND các cấp thông qua đề án, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Linh Anh