Quỹ đất hai bên tuyến vành đai 3 có thể đảm bảo chi phí đầu tư
(Chinhphu.vn) - Nếu khai thác tốt quỹ đất đã khảo sát hai bên tuyến dự án đường vành đai 3 TPHCM, khoản tiền thu được gấp nhiều lần, hoàn toàn có thể bù đắp chi phí đầu tư dự án vành đai 3.
Chiều ngày 11/3, UBND TPHCM tổ chức hội thảo Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 TPHCM nhằm lắng nghe góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện hồ sơ dự án trước khi trình Quốc hội ở kỳ họp sắp tới vào tháng 5/2022.
Để đảm bảo tiến độ triển khai, các địa phương trên tuyến dự án đã tham khảo những cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua.
Theo đó, UBND TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù về nguồn vốn đầu tư trình Quốc hội xem xét, áp dụng cho đến khi dự án hoàn thành; cơ chế tổ chức thực hiện; cơ chế chỉ định thầu và cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Trong đó cơ chế nguồn vốn đầu tư được đề xuất linh hoạt phù hợp với điều kiện nguồn lực Trung ương và các địa phương trên tuyến dự án.
Cụ thể, bố trí nguồn vốn Ngân sách Trung ương theo tỉ lệ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và 75% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An.
Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương. Cụ thể là từ các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện dự án.
Cho phép sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư dự án cho Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương.
Như vậy, trong các phương án tăng thu ngân sách địa phương để thực hiện dự án vành đai 3, TPHCM và các địa phương đề xuất khai thác quỹ đất dọc tuyến đường để đấu giá, ngân sách thu được có thể bù vào vốn đầu tư dự án, nhất là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo tính toán, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của toàn dự án vành đai 3 là 41.589 tỷ đồng.
Trong khi đó, quỹ đất vùng phụ cận dọc tuyến vành đai 3 tính riêng địa bàn TPHCM có trên 2.400 ha, với khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý.
Theo tính toán của Thành phố, riêng với phạm vi đất nông nghiệp, có thể khai thác bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỷ đồng, tức là chiếm 64% tổng chí phí bồi thường dự kiến cho toàn dự án.
Ngoài 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý, theo phương án đề xuất của TPHCM thì các quỹ đất còn lại, tiếp tục rà soát, đề xuất các phương án đảm bảo tính khả thi để tạo nguồn vốn.
Như vậy, nếu khai thác tốt quỹ đất đã khảo sát hai bên tuyến, khoản tiền thu được còn gấp nhiều lần, hoàn toàn có thể bù đắp chi phí đầu tư dự án đường vành đai 3 TPHCM.
Thậm chí, nếu Quốc hội thông qua, cơ chế này sẽ tạo ra nguồn ngân sách rất lớn cho địa phương, có thể đảm bảo vốn triển khai các dự án hạ tầng khác, kể cả vốn cho tuyến đường vành đai 4.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, báo cáo tiền khả thi dự án vành đai 3 TPHCM đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV vào tháng 5/2022.
Theo ông Mãi, dự án xây dựng đường vành đai 3 TPHCM được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội không chỉ các tỉnh có dự án đi qua mà còn cho cả khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước.
Băng Tâm