Rút BHXH một lần: Hiện tượng sau khi NLĐ trải qua cú sốc dịch bệnh và mất việc
(Chinhphu.vn) - Theo chuyên gia, việc người lao động rút BHXH một lần chỉ là một hiện tượng sau khi họ trải qua cú sốc dịch bệnh và mất việc. Còn vấn đề người lao động tham gia BHXH hạn chế là do bất cập giữa "cung và cầu", bởi hiện nay ở nước ta, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến tương lai người lao động.
Sáng 10/6, nhằm chia sẻ những giải pháp đảm bảo tài chính, an sinh cho người lao động trong tương lai, nhất là khi hết tuổi lao động và trong bối cảnh già hóa dân số tại Việt Nam đang gia tăng, Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo với chủ đề: "Tương lai nào cho người lao động - nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội?". Hội thảo diễn ra tại 2 điểm cầu Hà Nội và TPHCM.
11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt
Chia sẻ về thực trạng tình hình thu nhập, việc làm của công nhân, TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay tình hình lao động khá khởi sắc, số người có việc làm và tham gia bảo hiểm xã hội tăng so với năm ngoái. Lực lượng lao động trên cả nước có khoảng 50 triệu người, tăng nhẹ so với năm ngoái.
Hiện doanh nghiệp tham gia BHXH chiếm tỉ trọng rất cao, đến 95-97%. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là đối tượng cần đảm bảo an sinh xã hội nhất, cần tham gia BHXH nhất (người thu nhập thấp, người nghèo) thì lại không tham gia.
Bên cạnh đó, người lao động, công nhân lao động có việc làm cuộc sống bấp bênh, khó khăn. Dù các cơ quan nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động chưa được giải quyết (tiền lương thấp, nhà ở khó khăn, an sinh xã hội chưa được đảm bảo).
TS. Minh Tiến cũng nêu lên thực trạng đáng lo ngại là theo đánh giá chung, có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh… Mặt khác, công nhân lao động làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao. Thực tế, người công nhân lao động nếu không làm thêm giờ thì không đủ sống, tương lai bấp bênh.
Nói về việc người lao động quyết định rút BHXH, TS. Vũ Minh Tiến cho biết, hàng triệu người lao động dù biết là thiệt thòi về sau nhưng phải rút vì cuộc sống quá khó khăn trước mắt. Đồng thời, họ cũng vì lo sợ chính sách BHXH thay đổi và thiệt thòi hơn về sau.
PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, dịch bệnh COVID-19 hai năm qua đã gây rất nhiều khó khăn cho người lao động. Trong đó, rất nhiều người mất việc và sau khi dịch bệnh kết thúc vẫn chưa kiếm được việc làm gây khó khăn về kinh tế. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến người lao động rút BHXH một lần.
Qua khảo sát, độ tuổi rút BHXH một lần ở Việt Nam ngày càng trẻ hoá, trung bình dưới 40 tuổi và hầu hết ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Theo một nghiên cứu từ năm 2016 đến nay, đặc biệt là 2 năm trở lại đây, có 4,8 triệu người rút BHXH một lần.
Theo PGS.TS Thanh Long, đây chỉ là một hiện tượng sau khi trải qua cú sốc dịch bệnh và mất việc. Còn vấn đề người lao động tham gia BHXH còn hạn chế là do bất cập giữa "cung và cầu", bởi hiện nay ở nước ta, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến tương lai người lao động.
Bên cạnh đó, vấn đề mức lương đóng BHXH cũng cần quan tâm và thanh tra, giám sát chặt chẽ bởi hiện nay, mức đóng BHXH đang là do thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Đa số doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động không đúng với mức lương thấp hơn rất nhiều. Do đó, cần tuyên truyền, phân tích để người lao động hiểu rõ về mức đóng và thụ hưởng bảo hiểm sau này, không nên vì lợi ích trước mắt mà đánh mất lợi ích trong tương lai.
Liên quan giải pháp thu hút người lao động tham gia BHXH và hạn chế rút BHXH một lần, PGS.TS Thanh Long cho rằng, cần phải có chính sách hỗ trợ trẻ em, con em của người lao động. Ông dẫn chứng một số nước châu Phi cho thấy, việc hỗ trợ trẻ em giúp cho các gia đình bớt đi gánh nặng, bố mẹ trẻ sẽ có nguồn lực để tham gia BHXH. Hay như Thái Lan hiện cũng đang thúc đẩy phát triển quỹ an sinh xã hội, hỗ trợ cho trẻ em mới sinh ra trong mỗi gia đình và mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 2 trẻ em, đảm bảo vấn đề nuôi con cái trong thời gian đầu, để bố mẹ trẻ có thu nhập thấp có thể tham gia BHXH.
Tuyên truyền để người lao động hiểu về lợi ích của BHXH
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tây, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐTB&XH tại TPHCM cho biết, thực trạng một bộ phận người lao động khó khăn do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đã lựa chọn hưởng BHXH một lần, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người lao động và sự ổn định, phát triển lâu dài của thị trường lao động.
Ngày 12/4, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội.
Một trong những nội dung chính là phối hợp tuyên truyền để người lao động hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH; đây là trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần.
Nội dung này cũng đã được chỉ đạo trong Công điện số 431/CĐ-TTg ngày 19/5, đến nay tình trạng nhận BHXH một lần đã được hạn chế. Hiện Bộ LĐTB&XH đang tập trung triển khai thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; phối hợp với Bộ Công an để nắm chắc các đối tượng cần trợ giúp về an sinh xã hội; bổ sung nội dung hỗ trợ an sinh xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.
Ông Tây cho biết thêm, để chia sẻ những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch và căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội chung, ngày 18/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có báo cáo số 04/BC-HĐTLQG khuyến nghị với Chính phủ về phương án tăng mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2022, bình quân 6% so với mức lương tối thiểu vùng hiện hành.
Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan về dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, dự kiến áp dụng thực hiện trong 18 tháng, từ 1/7 đến tháng 12/2023.
Về lĩnh vực lao động, việc làm, ông Tây cho biết, Bộ LĐTB&XH tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Bộ cũng đang tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động; phát triển các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng. Phát triển thị trường lao động ngoài nước, hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng đưa lao động sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) ngay trong đầu tháng 6 này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia, Bộ đã rất nỗ lực, khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương triển khai xây dựng phương án phân bổ vốn ngân sách tiền lương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Tây, để kịp thời tổ chức giải ngân hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình này, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; trình HĐND phê duyệt phương án phân bổ vốn thực hiện, phê duyệt các danh mục dự án đầu tư công trung hạn; hướng dẫn các địa phương triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.
Anh Thơ