Sài Gòn nhân vật

20/06/2011 1:30 AM

Giới thiệu sơ lược một số nhân vật của Sài Gòn - Gia Định trong 300 năm qua. Có người sinh trưởng ở Sài Gòn - Gia Định, có người quê quán ở nơi khác nhưng cuộc đời và hoạt động lại gắn bó với quá trình phát triển của thành phố.

Tên nhân vật xếp theo thứ tự A, B, C...

Sương Nguyệt Anh (1864 - 1921)

Tên thật là Nguyễn Xuân Khuê, con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
Bà học giỏi, thường làm thơ bằng chữ Hán hay quốc ngữ, bày tỏ tâm sự trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than đau khổ.
Năm 1918 bà làm chủ bút tuần báo Nữ Giới Chung (xuất bản ở Sài Gòn), trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên là chủ bút tờ báo của giới phụ nữ nước ta.

Nguyễn Thái Bình

Sinh 14-1-1948 tại Cần Giuộc, Long An. Mười giờ sáng ngày 2-7-1972 khi chiếc Boeing 747 mang số hiệu 841 của hãng hàng không Liên Mỹ PAN AM vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Nguyễn Thái Bình đã bị William H. Mills, nhân viên cơ quan tình báo Mỹ CIA, cùng đi trên máy bay bắn 4 phát đạn vào ngực rồi ném xác anh xuống đường băng.

Hai tháng trước đó, Nguyễn Thái Bình tốt nghiệp kỹ sư công nghiệp thực phẩm và ngư nghiệp với hạng danh dự tại Viện đại học Washington. Được cấp học bổng Leadership đi du học tại Mỹ từ năm 1968, anh luôn nghĩ về đất nước mình, dân tộc mình. Anh tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, viết nhiều bài báo (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) tố cáo những tội ác mà quân viễn chinh Mỹ gây ra cho đồng bào mình, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác nhạc bày tỏ khát vọng độc lập và hòa bình của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt trong lễ phát bằng tốt nghiệp đại học (5-1972) anh công bố tài liệu Nợ máu (Blood Debt), lên án Chính phủ Mỹ đã gây ra bao đau thương, chết chóc và tàn phá trên quê hương anh. Trong thư ngỏ gửi Tổng thống Mỹ Richard M. Nixon đề ngày 1-7-1972 tức một ngày trước khi hy sinh, Nguyễn Thái Bình viết: "[Tôi] trở về Việt Nam để đứng trong hàng ngũ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc... Không một vũ khí nào, không một đe dọa nào có thể khiến tôi chùn bước... Nếu tôi có bị giết thì cả triệu người Việt Nam sẽ thay thế tôi chiến đấu cho tới ngày nào chúng tôi chấm dứt được cuộc chiến vô luân, vô nhân đạo này".

Trương Tấn Bửu (1752 - 1827)

Danh tướng đời Gia Long, quê làng Hưng Lễ, Bảo Phước, tỉnh Vĩnh Long (nay là Giồng Trôm, Bến Tre). Theo giúp Nguyễn Phúc Ánh Gia Long, làm Trung quân kiêm Tả quân Phó tướng, quyền lãnh chức Tổng trấn Bắc Thành. Đến năm Nhâm Thân 1812, thực thụ Phó Tổng trấn Gia Định. Ông mất ngày 2-8-1827 tại Phú Nhuận. Thành phố Hồ Chí Minh còn miếu mộ ông.

Nguyễn Hữu Cảnh (tức Nguyễn Hữu Kính, 1650 - 1700)

Quê gốc ở Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1692 ông làm Tổng binh, lập trấn Thuận Thành (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay), sau làm Trấn thủ dinh Bình Khang (Khánh Hòa ngày nay).

Năm 1698, ông được cử làm Thống suất vào Nam Kinh lược thành lập các đơn vị hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền các phủ, dinh, huyện, chiêu tập dân khai khẩn đất hoang, lập làng, xóm. Ông được phong tước Lễ Thành Hầu và Vĩnh An Hầu. Sau khi qua đời, ông được nhiều địa phương ở Nam Bộ thờ làm Thành hoàng.

Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888)

Quê làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Đỗ tú tài trường thi Gia Định lúc 21 tuổi. Ra Huế học thêm để chờ khoa thi Kỷ Dậu 1849. Bỗng được tin mẹ mất, ông trở về chịu tang, dọc đường bị bệnh rồi mù cả đôi mắt. Ông về Gia Định dạy học.

Pháp chiếm Gia Định ông lui về Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tiếp tục dạy học và làm thuốc. Liên hệ mật thiết với nghĩa binh Trương Định. Tích cực dùng văn chương khơi dậy lòng yêu nước của sĩ phu và nhân dân.

Nguyễn Văn Cừ

Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, sinh ngày 9-7-1912. Quê Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1930, ông làm Bí thư đầu tiên đặc khu Hòn Gai - Uông Bí, năm 1937 dự Hội nghị Trung ương tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

Năm 1938, ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.

Mùa thu năm 1939, ông vào Sài Gòn cùng các ông Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu... mở Hội nghị Trung ương lần thứ 6. Tháng 6-1940, ông bị bắt tại đường Nguyễn Tấn Nghiệm, Sài Gòn.

Ngày 28-8-1941, ông bị thực dân Pháp xử bắn tại Bà Điểm - Hóc Môn.

Lê Văn Duyệt (1763 - 1832)

Quê Quảng Ngãi. Từ 1780 theo Nguyễn Ánh chống Tây Sơn. Tổng trấn Gia Định năm 1813, năm 1816 triều đình triệu về kinh, năm 1820 trở lại làm Tổng trấn Gia Định, năm 1832 mất tại chức. Là người có công lớn trong việc khai hoang lập ấp ở đất Gia Định. Tại xã Bình Hòa nay là quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh còn phần mộ ông - Lăng đức Tả quân, Lăng Thượng Công hay Lăng Ông Bà Chiểu.

Nguyễn Cửu Đàm

Giữ chức Điều khiển. Năm 1772, ông cầm quân đánh đuổi đạo quân Xiêm (do chính Vua Xiêm Trịnh Quốc Anh chỉ huy) ra khỏi lãnh thổ Cao Miên, giải phóng các thành Nam Vang, La Bích.

Về lại Gia Định, ông cho xây lũy Bán Bích dài 15 dặm để bảo vệ Sài Gòn.

Lê Quang Định (1759 - 1813)

Hiệu Cấn Trai, quê huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Học với Võ Trường Toản, kết bạn với Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, được người đương thời xưng tặng là Gia Định Tam gia, lập Thi xã Bình Dương, được sĩ phu đường thời khen ngợi.

Năm 1788, Nguyễn Ánh chiếm Gia Định, mở khoa thi, ông và Trịnh Hoài Đức trúng tuyển, được cử làm Hàn Lâm viện chế cáo, rồi thăng đến Thượng thư bộ Binh, Thượng thư bộ Hộ. Biên soạn Hoàng Việt nhất thống địa dư chí. Ông mất năm Quý Dậu 1813.

Nguyễn Huỳnh Đức (? - 1819)

Danh tướng đời Gia Long, tên thật Huỳnh Tường Đức, vì lập công lớn nên được mang họ vua. Quê Thủ Thừa, Long An, làm Hiệp Tổng trấn Gia Định cùng với Trịnh Hoài Đức.

Thích Quảng Đức (1897 - 1963)

Tên thật là Lâm Văn Tuất còn có tên là Nguyễn Văn Khiết, quê Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Sinh năm 1897. Ngôi chùa cuối cùng ông trụ trì là chùa Quan Thế Âm (nay ở 90 đường Thích Quảng Đức, thành phố Hồ Chí Minh).

11-6-1963, trong cuộc tuần hành của trên 1.000 vị tăng sĩ và giới lãnh đạo Giáo hội Phật giáo miền Nam chống đế chế độc tài Ngô Đình Diệm, tại ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám), ông tự thiêu đòi bình đẳng tôn giáo, chống đàn áp Phật giáo và đòi dân sinh dân chủ.

Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825)

Vốn gốc người tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, đến đời ông nội là Trịnh Hội sang nước ta ngụ ở Phú Xuân (Huế), sau vào Biên Hòa lập nghiệp. Làm quan với chúa Nguyễn Ánh, làm đến Thượng thư bộ Lại kiêm bộ Hình và Phó tổng tài Quốc sử quán.

Ông nổi tiếng văn chương một thời, cùng Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh được người đời xưng tặng là Gia Định Tam gia trong nhóm Bình Dương Thi xã. Ông là tác giả tác phẩm Gia Định thành thông chí.

Phạm Thế Hiển (1803 - 1861)

Quê Đông Quan, Nam Định. Năm 1829, đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ. Khi giặc Pháp xâm lược miền Nam, ông cùng vào Nam với Tổng đốc quân vụ Nguyễn Tri Phương, chống giữ đại đồn Chí Hòa.

Năm 1861, giặc Pháp tấn công ác liệt, đánh chiếm được Gia Định. Nguyễn Tri Phương lui binh về giữ Biên Hòa. Ông bị thương và mất sau đó.

Hồ Hảo Hớn (1926 - 1967)

Bí danh Hai Nghị, sinh tại Bến Tre. Năm 1962 là Bí thư Ban cán sự sinh viên học sinh Sài Gòn, 1965 là Phó Bí thư Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định, rồi Bí thư Thành đoàn Thanh niên Lao động (1967). Tháng 10-1967, bị giặc bắt ở gần bót Bà Hòa và hy sinh tại đây.

Phan Văn Hớn

Quê ở Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

Đêm 8 rạng ngày 9-2-1885, ông cùng Nguyễn Văn Quá lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở vùng 18 Thôn Vườn Trầu, đánh chiếm quận Hóc Môn, giết tay sai đầu sỏ Đốc phủ Trần Tử Ca, sau đó kéo xuống đánh Sài Gòn, nhưng giữa đường bị quân Pháp chặn lại. Cuộc khởi nghĩa tan vỡ. Ông bị bắt và xử tử hình cùng với Nguyễn Văn Quá và một số người khác vào sáng ngày 30-3-1886.

Nguyễn Văn Hưởng

Ông Nguyễn Văn Hưởng (tức Nguyễn Thành Tâm), sinh ngày 24-12-1906, quê xã Mỹ Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang), ông tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại Pháp năm 1932, ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1945, vào Đảng CS ngày 3-7-1953. Năm 1945, Thành viên Hội đồng Cố vấn ủy ban Nhân dân Nam Bộ; tháng 9-1945, là Trưởng ban Y tế và bào chế của sở Y tế Nam Bộ. Tháng 3-1946, làm công tác vận động trí thức, tiếp tế thuốc cho khu 7 để săn sóc cán bộ hoạt động nội thành và ở khu về. Tháng 6-1947, là ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ; kiêm Giám đốc Sở Y tế quân dân Nam Bộ. Tháng 3-1955, là Trưởng đoàn đại biểu nhân dân Nam Bộ đi dự Hội nghị châu Á tại Niu Đê-li (Ấn Độ). Tháng 7-1955, là Giám đốc Bệnh viện 303. Tháng 1956, là Giám đốc Viện Vi trùng học. Năm 1958, được phân công kiêm Giám đốc Viện nghiên cứu Đông y. Năm 1959, là Giám đốc Viện nghiên cứu Đông y. Tháng 4-1969, được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Y tế. Tháng 5-1970, ông được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định là Bí thư Đảng Đoàn Bộ Y tế. Năm 1956, ông là ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Năm 1960, ông là Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Năm 1964- 1971, ông là Phó Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội, là Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III.

Ông là ủy viên Chủ tịch Đoàn UBT.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Do công lao và thành tích đối với cách mạng, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Anh hùng Lao động, Huân chương Độc Lập hạng nhất và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác.

(Theo báo Tuổi Trẻ số 92/98 ngày 8/8/1998)

Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941)

Quê Vĩnh Yên, Nghệ An. Năm 1927, gia nhập Đảng Tân Việt. Năm 1930, sang Trung Quốc làm việc ở Văn Phòng Đông Dương Bộ Quốc tế Cộng sản.

Năm 1936, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ, làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

30-7-1940 bà bị địch bắt. Ngày 28-8-1941, bà bị xử bắn cùng các đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Cừ tại Hóc Môn.

Trần Tuấn Khải (1895 - 1983)

Nhà thơ, bút hiệu Đông Minh Đông Á Thị, Á Nam, quê làng Quán Xán, huyện Mi Lộc, tỉnh Nam Định.

Sau năm 1954, ông sống ở Sài Gòn và làm việc tại Thư viện quốc gia, Viện khảo cổ, chuyên viên Hán học tại Nhà văn hóa. Ông góp mặt trong các phong trào chống văn hóa đồi trụy, tranh đấu đòi hòa bình, dân sinh, dân chủ.

Năm 1966, ông cùng một số trí thức tiến bộ ký tên yêu cầu chính quyền Sài Gòn hiệp thương với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, nên bị buộc nghỉ việc. Sau đó ông làm Chủ tịch danh dự Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc.

Lê Văn Khôi (? - 1835)

Dũng tướng đời Minh Mạng, con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn thành Phiên An; làm Phó Vệ úy. Lê Văn Duyệt mất (năm 1832), Nguyễn Văn Quế thay làm Tổng đốc cùng Bố chánh Bạch Xuân Nguyên vu nhiều tội cho Tả quân, ông cũng bị ngồi tù. Ông phá ngục dấy binh chiếm thành Gia Định, bắt giết Nguyễn Văn Quế và Bạch Xuân Nguyên, tự xưng là Bình Nam Đại nguyên soái. Tháng 7-1935, cuộc nổi loạn bị dẹp tan. Hơn 1.830 người bị giết gom chung vào một huyệt, gọi là mả ngụy (nay còn dấu vết ở phía Tây thành phố Hồ Chí Minh).

Trương Minh Ký (1855 - 1900)

Quê làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc quận 5, thành phố Hồ Chí Minh). Một trong những người Việt Nam đầu tiên được đi du học ở Lycée de Anger thuộc Pháp. Dạy tại các trường Chasseloup Laubat, trường Thông ngôn tại Sài Gòn. Là cộng tác viên thường trực của Trương Vĩnh Ký cho tờ Gia Định báo. Sau đó, ông làm chủ bút tờ này. Trương Minh Ký là một trong những người Việt Nam sử dụng chữ quốc ngữ sớm nhất trong việc trước tác, nghiên cứu.

Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898)

Tự là Sĩ Tải, tên thánh Petrus Jean-Baptiste, quê ở Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tỉnh Vĩnh Long. Thông thạo 15 sinh ngữ. Là Hội viên Hội nhân chủng học và khoa học miền Tây nước Pháp, Hội chuyên học nói tiếng phương Đông, Hội chuyên khảo văn hóa Á châu... Chủ bút tờ Gia Định báo (1868). Ông trước tác nhiều thể loại và có nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ về học thuật. Năm 1898, ông mất, để lại cho đời hơn 100 bộ sách giá trị. Đặc biệt là bộ Từ điển danh nhân An Nam, bộ Thông loại khóa trình do ông chủ biên xuất bản được 18 tập có giá trị về văn học cổ Việt Nam.

Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984)

Quê Quảng Oai, Sơn Tây. Sau Cách mạng Tháng Tám dạy học ở Long Xuyên, năm 1952 lên Sài Gòn mở nhà xuất bản, sống bằng ngòi bút.

Trong đời cầm bút của mình, ông đã xuất bản được đúng 100 bộ sách về nhiều lĩnh vực văn học, ngôn ngữ học, triết học, giáo dục. Những năm 1960, chính quyền Sài Gòn đã tặng ông "Giải thưởng văn chương toàn quốc" với một ngân phiếu lớn (tương đương mấy chục lượng vàng), ông đã công khai từ chối với lý do "dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh" và bản thân tác giả không hề tranh giải.

Châu Văn Liêm

Sinh ngày 29-6-1902, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Tốt nghiệp Sư phạm Sài Gòn. Tham gia cải tổ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội để thành lập Đảng Cộng sản.

Ngày 4-5-1930, ông lãnh đạo cuộc biểu tình hàng nghìn quần chúng từ Đức Hòa lên Chợ Lớn, hô hào đòi giải phóng dân tộc, giảm sưu thuế..., bị Pháp bắn chết lúc 28 tuổi.

Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 - 27.4.1998)

Ông Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1 tháng 7 năm 1915 trong một gia đình công chức tại xã Gia Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia hoạt động Cách mạng từ năm 14 tuổi trong phong trào học sinh và công nhân, được kết nạp vào Đảng CS Đông Dương năm 1936.

Ông đã hai lần bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo (lần I: 1930-1936, lần II: 1941-1945).

Gần 70 năm liên tục hoạt động Cách mạng, ông đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có những chức vụ Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Thành ủy TP. HCM. Từ tháng 12-1986 đến tháng 6-1991, ông được bầu làm Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng CS Việt Nam. Sau đó được cử làm Cố vấn BCH T.Ư Đảng.

Ông từ trần vào hồi 8 giờ 12 phút ngày 27 tháng 4 năm 1998 tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 83 tuổi.

Tên tuổi và sự nghiệp Cách mạng của ông đã gắn liền với sự nghiệp Cách mạng Giải phóng Dân tộc, sự nghiệp xây dựng XHCN, sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta.

Phan Xích Long (1898 - 1916)

Tên thật là Phan Phát Sanh, sinh tại Chợ Lớn. Từ 1911, cùng Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Văn Hiệp, tổ chức một hội kín. Tự tôn là Phan Xích Long Hoàng đế, lập căn cứ ở núi Thất Sơn.

Đêm 23 rạng ngày 24-3-1913, họ ném bom và tạc đạn ở Sài Gòn và Chợ Lớn, nhưng bom không nổ và kế hoạch đã bị lộ trước đó. Phan Xích Long trước đó 2 ngày đã bị bắt ở Phan Thiết. Ông bị giam ở Khám lớn Sài Gòn. Đêm 16-2-1916, khoảng 300 hội viên kín ở Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một tay cầm gươm mác xông vào phá ngục. Pháp thẳng tay khủng bố giết chết tại trận nhiều chiến sĩ. Sau đó đưa 38 người, trong đó đứng đầu là ông, xử bắn tại đồng Tập Trận.

Thái Văn Lung (1916 - 1946)

Sinh tại huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh) trong một gia đình trí thức theo đạo Thiên Chúa. Tốt nghiệp cử nhân luật khoa tại Đại học Paris (Pháp), ông về nước làm luật sư tại Tòa thượng thẩm Sài Gòn. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, ông tham gia thành lập Thanh niên Tiền phong, phụ trách trưởng ban huấn luyện quân sự của tổ chức này. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I.

Pháp trở lại xâm lược nước ta, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Thủ Đức, chỉ huy Lực lượng vũ trang của huyện (mà nhân dân quen gọi là bộ đội Thái Văn Lung).

Trong một trận đánh, ông bị giặc bắt. Chúng tìm mọi cách dụ dỗ mua chuộc nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của nhà trí thức yêu nước. Ông bị tra tấn đến chết khi mới tròn 30 tuổi.

Hồ Chí Minh (1890 - 1969)

Tức Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ cách mạng Việt Nam, người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc còn nhỏ có tên là Nguyễn Sinh Cung. Trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều tên khác (Lý Thụy, Anh Ba, Vương Sơn Nhi, Chàng Vương, Tống Văn Sơ, Hồ Quang, Thầu Chín). Con cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc) và bà Hoàng Thị Loan, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ông xuất thân trong một gia đình Nho học yêu nước, thuở nhỏ thông minh, hiếu học. Đến tuổi thiếu niên theo thân phụ vào Huế học tại Trường tiểu học Đông Ba, Trường Trung học Quốc học. Đầu năm 1911 ông bỏ học với ý định ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Trên đường vào Sài Gòn ông ghé Phan Thiết (thủ phủ tỉnh Bình Thuận, nay thuộc tỉnh Bình Thuận), dạy học một thời gian ngắn tại Trường Dục Thanh do các nhà yêu nước lập ra. Sau ông vào Sài Gòn lấy tên là anh Ba làm phụ bếp cho tàu buôn Amiral Latouche Tréville, rồi sang Pháp tìm hiểu tình hình thế giới. Tại đây ông liên hệ mật thiết với nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường... và đến các nước Anh, Đức, Mỹ một thời gian.

Năm 1917, ông tham gia Đảng Xã hội Pháp, lập Hội những người Việt Nam yêu nước để tuyên truyền và giác ngộ Việt kiều Pháp. Năm 1918 ông cùng các nhà yêu nước khác gửi đến Hội nghị Versailles một yêu sách gồm 8 điểm đòi tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của người Việt Nam với tên là Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1921, ông tham gia Đảng Cộng sản Pháp. Tại Đại hội lần thứ 2 của Đảng Cộng sản Pháp (1923) ông được cử tham gia Chủ tịch đoàn Đại hội. Ở đây ông và các đồng chí khác xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Cuối năm 1923 ông sang Liên Xô với tư cách là đại biểu của nông dân các nước thuộc địa. Tại hội nghị Quốc tế nông dân ông được bầu vào Ban chấp hành Quốc tế nông dân. Trong thời gian này ông làm việc ở Quốc tế Cộng sản và viết bài cho các báo Sự Thật, Thư tín Quốc tế.

Cuối năm 1924, ông về Quảng Châu (Trung Quốc) với tên là Lý Thụy công tác trong phái đoàn Brodine (cố vấn Liên Xô bên cạnh chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc). Tại đây ông sáng lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tập hợp các nhà yêu nước ở nước ngoài và tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Năm 1927 sau vụ khởi nghĩa Quảng Châu ông đi Liên Xô, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ... Giữa năm 1928 về hoạt động ở Thái Lan và xuất bản báo Thân ái. Các năm 1930 - 1931, tuy ở nước ngoài ông vẫn chỉ đạo thực hiện phong trào Xô Viết ở Nghệ Tĩnh và các tỉnh khác. Tháng 6 - 1932 ông bị mật thám Anh bắt tại Hương Cảng, đến đầu năm 1933 mới được trả tự do, sau đó ông trở lại Liên Xô học tại Trường Đại học Lénine. Năm 1938 ông về hoạt động ở Quảng Tây (Trung Quốc) trong đơn vị Bát lộ quân Trung Quốc, đầu năm 1939 ông liên lạc được với Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương qua xứ ủy Bắc Kỳ.

Cuối năm 1940 ông về nước, lập căn cứ ở Pác Bó (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) đào tạo cán bộ và trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các hội Cứu quốc ở các địa phương để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Tháng 8 năm 1942 ông lấy tên là Hồ Chí Minh rồi trở sang Trung Quốc liên lạc với các tổ chức cách mạng của người Việt Nam ở đó. Vừa đến biên giới thì bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam một năm. Trong thời gian ngồi tù ông viết tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù). Tháng 9 năm 1943, sau khi được trả tự do, ông tiếp xúc với các tổ chức chống Pháp - Nhật của người Việt Nam ở Liễu Châu, bắt liên lạc được với Đảng rồi trở về nước lãnh đạo cách mạng. Cuối năm 1944 ông thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và lập Khu giải phóng Việt Bắc chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945. Ông chủ tọa Hội nghị Quốc dân toàn quốc (Quốc dân đại hội). Tại Đại hội ông được bầu làm Chủ tịch. Ngày 25-8-1945 ông về Hà Nội chủ tọa phiên họp của Tổng bộ Việt Minh thành lập chính phủ lâm thời.

Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ đọc bản Tuyên ngôn độc lập do ông viết, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấm dứt chính quyền phong kiến, thực dân ngự trị lâu dài trên đất nước Việt Nam. Đến ngày 19-12-1946 do sự khiêu khích của thực dân Pháp, Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Cuộc kháng chiến kéo dài đến năm 1954 - với chiến thắng ở Điện Biên Phủ - quân Pháp bị bắt buộc ký hiệp định Genève rút quân ra khỏi Việt Nam. Đầu năm 1955 Chủ tịch từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội trước sự đón tiếp tưng bừng của nhân dân Thủ đô. Các năm 1957 - 1960 Chủ tịch đi thăm các nước Xã hội Chủ nghĩa nhằm thắt chặt tình hữu nghị và tổng kết vấn đề chiến lược của cách mạng thế giới.

Sau khi Mỹ can thiệp vào miền Nam và chiến tranh xảy ra ác liệt, ở cả hai miền, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt (27-3-1964) nhằm tăng cường khối đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi cho cách mạng.

Trong những năm cuối đời, sức khỏe sút giảm, Chủ tịch vẫn sáng suốt lãnh đạo nhân dân xây dựng và kháng chiến.

Ngày 2-9-1969 (lúc 9 giờ 47 phút) Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần tại Hà Nội hưởng thọ 79 tuổi để lại sự thương tiếc khôn nguôi trong lòng nhân dân Việt Nam. Trước khi về thế giới bên kia Chủ tịch có lời "Di chúc" về việc riêng "Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là "hỏa táng"(...) Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào cái hộp sành. Một cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.

Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá, tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để cho những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi".

Trong lễ Quốc tang Chủ tịch, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc bài "Điếu văn" trong đó có đoạn:

"Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta".

Một tác giả khuyết danh - trước đây ở Sài Gòn - trân trọng điếu Chủ tịch:

"Thế giới đạo tiền trình, âu á kim vô hậu bối;
Vĩ nhân tân xã hội, Mã liệt chi hận hữu tiên sinh".

Nghĩa :
Vạch ra con đường lên thế giới mới, xưa nay âu á chưa từng có như người;
Vĩ nhân của xã hội mới, sau Các Mác, Lê Nin chỉ có người mà thôi
.
Ngoài một nhà cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà văn, một nhà lý luận sáng giá. Ông còn để lại đời các tác phẩm nổi tiếng:
  • Đường Kách mệnh
  • Bản án chế độ thực dân Pháp
  • Con rồng tre
  • Nhật ký trong tù
  • Tuyên ngôn độc lập
  • Sửa đổi lề lối làm việc
  • ....
Và một số lớn tác phẩm thơ văn khác...

Chủ tịch Hồ Chí Minh: một lãnh tụ vĩ đại, một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới - Người mãi mãi là Bác Hồ kính yêu của nhân dân Việt Nam.

(Từ điển nhân vật lịch sử VN - NXB Văn hóa)

Hồ Huấn Nghiệp (1828 - 1864)

Tự Thiệu Tiên, người làng An Định, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

Ông học giỏi, nhưng vì cha mất, phải nuôi mẹ già, ông không đi thi, mở trường dạy học. Nhưng khi Pháp chiếm Gia Định, ông tham gia cuộc kháng chiến do Trương Định lãnh đạo, được cử làm Tri phủ Tân Bình (chính quyền bí mật trong vùng địch chiếm), thường điều động binh sĩ và lương thực tiếp tế cho Trương Định.

Nguyễn Văn Nguyễn (1910 - 1953)

Sinh tại xã Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), học Trường Sư phạm Sài Gòn.

Sớm giác ngộ cách mạng, ông được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng. Ông tham gia nhiều hoạt động do Đảng lãnh đạo như phong trào Đông Dương đại hội, làm thư ký báo L'Avant-garde (Tiền Phong) của Đảng, tham gia lãnh đạo cuộc giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25-8-1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đắc cử làm đại biểu Quốc hội khóa I.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông là ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Giám đốc Đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ, chủ bút tờ báo Cứu quốc Nam Bộ.

Trên đường ra miền Bắc nhận công tác, ông qua đời vì bệnh ngày 25-3-1953.

Nguyễn An Ninh (1900 - 1943)

Quê quán Hóc Môn, Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1920, ông đỗ cử nhân luật tại Pháp. Về nước, ông diễn thuyết, viết sách, ra báo Cloche Fêlée (Chuông Rè). Ông được dân chúng ở Nam Bộ mến mộ, tôn làm thần tượng một thời. Thực dân Pháp rất sợ, nhiều lần bắt giam ông. Trong những năm 1930, ông sát cánh với các chiến sĩ cộng sản (Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Dương Bạch Mai...) đấu tranh chống chế độ thuộc địa phản động, đòi các quyền tự do, dân chủ.

4-10-1939, ông bị Pháp bắt, lần này là lần thứ 5, kết án 5 năm tù lưu đày Côn Đảo. Trên đảo ông bị kiệt sức vì bị hành hạ, mất trong tù ngày 14-8-1943.

Huỳnh Khương Ninh (1890 - 1950)

Quê ở xã Thắng Tam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tốt nghiệp bằng Thành Chung nhưng không hợp tác với thực dân Pháp, mở trường tư.

Trường Huỳnh Khương Ninh là một trường trung học tư thục nổi tiếng ở Sài Gòn, là nơi đào tạo nhiều thanh niên ưu tú, là một trung tâm của giáo chức yêu nước Sài Gòn trước đây.

Ông mất ngày 20-4-1950.

Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989)

Sinh tại xã Tân Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký (nay là trường trung học Lê Hồng Phong). Sau khi tốt nghiệp kiến trúc sư tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (1938), ông về Sài Gòn mở văn phòng kiến trúc sư tại số 68-70 đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu). Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 5-3-1945.

Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, ông là chủ nhiệm báo Thanh Niên, hoạt động trong phong trào Thanh Niên, hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền Phong, truyền bá quốc ngữ, cứu tế nạn đói ở Nam Bộ. Tháng 8-1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn. Ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông cộng tác bí mật ở Sài Gòn, bị địch bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn. Năm 1949, ông ra chiến khu, giữ chức ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, trực tiếp phụ trách Đài phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Tháng 6-1969, ông được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông đảm trách các chức vụ: Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Lê Hồng Phong

Tên thật là Lê Duy Doãn, sinh năm 1902, quê thôn Đông Thông, Hưng Nguyên, Nghệ An, một chiến sĩ xuất sắc trung kiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến cuối năm 1937 hoạt động ở Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia lãnh đạo phong trào trong toàn quốc. Giữa năm 1938, ông bị Pháp bắt ở Chợ Lớn, kết án 10 tháng tù. Ngày 29-9, ông bị bắt lần thứ hai đưa vào giam ở Khám lớn Sài Gòn, rồi kết án 5 năm tù đày đi Côn Đảo. Ông mất ngày 6-9-1942, ở Côn Đảo vì bị tra tấn dã man, bệnh nặng và sức yếu.

Trần Phú

Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, sinh 1-5-1903, Đức Phổ, Quảng Ngãi. Năm 1925, tham gia lập Hội Phục Việt, rồi gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Năm 1927 học Đại học Phương Đông Mátxcơva.

1930 vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Tổng Bí thư trong Hội nghị lần thứ nhất của Đảng. Sau Hội nghị ông từ Hồng Kông về Sài Gòn hoạt động ở tại 66 đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng). Ông đã soạn thảo Luận cương chính trị của Đảng. Giữa lúc đang hoạt động tích cực, ông bị địch bắt 18-4-1931. Biết ông là người lãnh đạo Đảng, địch đã tra tấn ông rất dã man cho tới khi ông kiệt sức, chúng đưa ông vào Bệnh viện Chợ Quán, một trại giam trá hình. Và ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6-9-1931. Trước khi chết, ông còn dặn lại các đồng chí: "Hãy giữ vững ý chí chiến đấu".

Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873)

Quê Phong Điền - Thừa Thiên. Năm 1935, ông nhận lệnh vua Minh Mạng vào Gia Định cùng Trương Minh Giảng bình định các vùng mới khai hoang. Năm 1860, được sung chức Gia Định quân thứ, Thống đốc quân vụ cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển trông coi việc quân sự ở miền Nam. Là người cho xây dựng đại đồn Chí Hòa chống giặc Pháp. Năm Nhâm Thân 1872, ông giữ chức Tuyên sát đồng sức đại thần thay mặt triều đình xem xét việc quân sự ở Bắc Kỳ. Ngày 19-11-1873, Garnier đánh úp thành Hà Nội, ông bị trọng thương, tuyệt thực đúng 1 tháng sau thì mất vào ngày 20-12-1873.

Nguyễn Thị Rành (1900 - 1979)

Quê ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, má đào hầm bí mật ngay trong vườn nhà mình để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, cứu chữa thương binh. Má còn tham gia dân quân du kích xã, bám đất giữ làng. Tám người con và hai cháu của má đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Má được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân, được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Sau ngày má qua đời, tượng của má được dựng trước Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (đường Võ Thị Sáu, thành phố Hồ Chí Minh).

Lê Thị Riêng (1925 - 1968)

Quê Bạc Liêu, nguyên ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam. Bị địch bắt vào tháng 5-1967, giam tại nhà lao Biên Hòa. Dù địch tra tấn vô cùng dã man, chị vẫn không khuất phục.

Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, chị bị địch giết chết trên đường Hồng Bàng - Sài Gòn (nay thuộc đường Hùng Vương).

Lê Văn Sĩ (1910 - 1948)

Tên thật là Võ Sĩ, quê ở thôn Minh Tân, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội năm 1927. Nguyên trong Xứ ủy Nam Bộ, Chính ủy Quân khu 8, rồi năm 1947 được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Tháng 10-1948, ông hy sinh trong một cuộc càn quét lớn của địch vào vùng Láng Le, Vườn Thơm - Long An.

Nguyễn Văn Tạo (1908 - 1970)

Sinh tại làng Phước Lợi, tỉnh Chợ Lớn. Sau khi tốt nghiệp trường trung học Chasseloup Laubat (Sài Gòn), ông sang Pháp du học. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp, trở thành ủy viên Ban Chấp hành Trung ương của Đảng. Năm 1930, ông bị Pháp trục xuất về nước. Tại Sài Gòn, ông viết báo chống thực dân. Trong những năm 1933 và 1935, ông đắc cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn. Năm 1936, ông là một trong những người tổ chức phong trào Đông Dương Đại hội. Thực dân nhiều lần bắt giam ông, đày ra Côn Đảo, quản thúc ở Mỹ Tho và Rạch Giá. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I, ủy viên Ủy ban Nhân dân lâm thời Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ Lao động. Sau Hiệp định Genève, ông làm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hà Huy Tập

Sinh 1902, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Năm 1927 vào dạy học tại Trường Phan Xích Hồng, Sài Gòn. Và tham gia phát triển tổ chức đảng Tân Việt. Từ 1934 cùng Lê Hồng Phong lãnh đạo công tác Hải ngoại của Đảng.

Về nước, ông hoạt động tại Sài Gòn. Hà Huy Tập là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1935 - 1938). Ông bị địch bắt 5-1938, đưa về quản thúc tại quê. Sau đó đưa về Sài Gòn với mức án tù 5 năm. Hoảng sợ trước khí thế cách mạng của Nam Kỳ khởi nghĩa, chúng lại tuyên án tử hình và đưa ông cùng một loạt các cán bộ ưu tú của Đảng là Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến xử bắn tại Bà Điểm, Hóc Môn.

Phạm Ngọc Thạch (1909 - 1968)

Sinh tại Phan Thiết (nay thuộc tỉnh Bình Thuận). Sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa (chuyên khoa lao) trường Đại học Paris năm 1935, ông về nước, mở phòng mạch tư ở số 202 đường Chasseloup Laubat (đường Nguyễn Thị Minh Khai), Sài Gòn. Tháng 5-1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, ông tham gia thành lập và lãnh đạo tổ chức Thanh niên Tiền phong. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ lâm thời. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau Hiệp định Genève, ông làm Bộ trưởng Bộ Y tế, Viện trưởng Viện chống lao, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Ông còn là Chủ tịch ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông được tuyên dương là Anh hùng Lao động. Ngày 7-11-1968, ông hy sinh trong lúc đang công tác trên chiến trường miền Nam.

Phạm Ngọc Thảo (1922 - 1965)

Sinh tại xã Mỹ Phước, tỉnh Long Xuyên (nay là An Giang).

Lên Sài Gòn học trường trung học Taberd, rồi ra Hà Nội học đại học, tốt nghiệp kỹ sư công chánh.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông được cử làm Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ (1947), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410 (Quân khu 9).

Sau Hiệp định Genève 1954, ông được phân công hoạt động tình báo trong lòng địch (được phong đại tá ngụy quân, làm việc trong cơ quan mật vụ và Phủ Tổng thống ngụy quyền...), được cử sang học tại Mỹ. Nhờ vậy, ông chuyển ra vùng giải phóng nhiều tin tức và tài liệu quan trọng của địch.

Ông bị địch bắt và tra tấn dã man đến chết.

Ông được Nhà nước truy phong quân hàm đại tá.

Tôn Đức Thắng (20.8.1888 - 30.3.1980)

Ông sinh ngày 20.8.1888 tại quê Cù Lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên nay là tỉnh An Giang, trong một gia đình nông dân.

Học xong tiểu học, ông lên Sài Gòn học trường Kỹ thuật Khoa Cơ điện - Tốt nghiệp, vào làm việc ở xưởng sửa chữa tàu biển Ba Son, rồi bị điều sang làm việc ở xưởng Toulon bên Pháp - Cuối năm 1917, Cách mạng Tháng 10 Nga thành công, các cường quốc đế quốc bao vây và tấn công Cách mạng Nga. Ngày 1/4/1919, ông cùng các sĩ quan và binh lính trên chiến hạm France nổi dậy làm binh biến, ông là người kéo cờ đỏ Cách mạng trên chiến hạm và cùng những người nổi dậy kéo lên bờ cùng nhân dân Nga làm mít-tinh chào mừng Cách mạng Nga.

Năm 1920, ông bị trả về Sài Gòn. Năm 1925 ông gia nhập Thanh niên Cách mạng Đồng Chí hội, năm 1927 được bầu vào Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn và Kỳ bộ Nam Kỳ.

Ông bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo (1930 - 1945).

Cách mạng Tháng 8 thành công, ông tham gia Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ - Năm 1946, Trung ương điều ra Bắc phụ trách công tác mặt trận, Chủ tịch Hội liên Việt - Từ 1951 là ủy viên Trung ương Đảng cho tới lúc qua đời.

Năm 1954, ông là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước. Sau khi Hồ Chủ tịch qua đời, Quốc hội cử ông làm Chủ tịch nước.

Ông từ trần ngày 30.3.1980, hưởng thọ 92 tuổi.

Trần Quốc Thảo (1914 - 1957)

Tên thật là Hồ Xuân Lưu. Quê làng Cổ Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1950, làm Thường vụ Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, kiêm Phó Tổng thư ký Công đoàn Việt Nam. Đến năm 1957, làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ông bị địch bắt tại Phú Nhuận và bị đánh tới chết ngày 16-10-1957.

Trịnh Đình Thảo (1901 - 1986)

Quê Từ Liêm, Hà Nội. Du học ở Pháp, tốt nghiệp cử nhân văn chương, cao học kinh tế và thương mại, tiến sĩ luật khoa. Làm luật sư tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn nhiều năm. Sau Nhật đảo chính Pháp ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong nội các Trần Trọng Kim, đã ra lệnh thả hàng ngàn tù chính trị bị Pháp giam giữ. Năm 1968, ông ra chiến khu tham gia thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam. Từng giữ các chức vụ: Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông là ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 31-3-1986, ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh.

Phạm Thiều (1904 - 1986)

Quê xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau Cách mạng Tháng Tám, từng giữ các chức vụ: Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban hành chánh Sài Gòn - Chợ Lớn, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh liên khu miền Đông, Vụ trưởng Vụ Sư phạm Bộ Giáo dục, Đại sứ tại Tiệp Khắc và Hungary, Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh.

Ngô Nhân Tịnh (? - 1816)

Gốc người Quảng Đông sang ngụ ở đất Gia Định. Học trò Võ Trường Toản, cùng Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định được đương thời xưng tụng là nhà thơ lớn đất Gia Định xưa (Gia Định tam gia). Năm 1802, từng được làm Giáp phó xứ sang nhà Thanh rồi Chánh xứ sang Chân Lạp đem ấn sắc phong Nặc Ông Chân làm vua Chân Lạp. Năm 1812 làm Hiệp tổng trấn Gia Định phụ tá Tổng trấn Lê Văn Duyệt.

Nguyễn Hữu Thọ (1910 - 1996)

Sinh tại xã Long Phú, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An). 11 tuổi, ông được sang Pháp du học. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật khoa (tháng 9-1932), ông về nước, mở văn phòng luật sư tại Mỹ Tho, Cần Thơ, làm Chánh Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long. Từ 1947, ông lên Sài Gòn tham gia các hoạt động cách mạng. Ngày 16-10-1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1950, ông được cử làm Trưởng Phái đoàn đại biểu các giới Sài Gòn - Chợ Lớn, tổ chức các phong trào đấu tranh chống xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ của nhân dân thành phố. Hiệp định Genève 1954 ký kết, ông cùng một số tri thức Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập Phong trào bảo vệ hòa bình và giữ chức Phó Chủ tịch của tổ chức này. Ông được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1962 - 1976) và Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 - 1976). Đất nước thống nhất, ông giữ nhiều trọng trách như Phó Chủ tịch nước, quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Võ Trường Toản (? - 1792)

Quê huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Ở ẩn dạy học, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh... Nguyễn Phúc Ánh mời ông đến giảng sách, bàn luận chính trị, muốn trọng dụng ông, nhưng ông một mực từ chối. Ngày 9-9 năm Nhâm Tý (27-7-1792) ông mất. Nguyễn Ánh ban hiệu cho ông là Gia Định xủ sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh.

Trần Văn Trà (1919 - 1996)

Quê xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Hai mươi tuổi, ông vào Sài Gòn hoạt động cách mạng. Mùa Thu năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng: Khu trưởng khu 8, Xứ ủy viên Nam Bộ, Phó Tư lệnh Nam Bộ, Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Tư lệnh Phân liên khu miền Đông Nam Bộ. Tập kết ra Bắc, ông làm Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Giám đốc Học viện quân chính, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương. Năm 1963, ông về Nam, đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh quân giải phóng miền Nam, ủy viên Trung ương cục miền Nam, Phó Bí thư Quân ủy miền. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ông là Phó tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Miền Nam được giải phóng, ông làm Chủ tịch ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu 7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1959, Thượng tướng năm 1974 và được tặng thưởng hai Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương khác.

Nguyễn Văn Trỗi (1940 - 1964)

Quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Theo gia đình vào Sài Gòn, làm nghề thợ điện ở nhà máy đèn Chợ Quán, tham gia biệt động vũ trang thuộc Đại đội Quyết tử 65, cánh Tây Nam Sài Gòn. Anh bị bắt lúc 22 giờ đêm ngày 9-5-1964, giữa lúc đang gài mìn tại cầu Công Lý nhằm tiêu diệt phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Robert Mac Namara dẫn đầu, sang Sài Gòn vạch kế hoạch tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược ở cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Anh bị xử bắn tại vườn rau nhà lao Chí Hòa - Sài Gòn lúc 9 giờ 45 phút ngày 15-10-1964. Anh được tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân.

Lý Tự Trọng (1915 - 1931)

Tên thật là Lê Hữu Trọng quê xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, sinh tại bản May, tỉnh Na Khôn, Thái Lan. Năm 1926, anh sang Quảng Châu học trung học, rồi làm việc tại cơ quan Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Ba năm sau, anh được phái về Sài Gòn công tác ở cơ quan Trung ương An Nam Cộng sản Đảng.

Ngày 9-2-1931, trong cuộc mít-tinh tổ chức tại cổng sân banh Mayer để kỷ niệm khởi nghĩa Yên Bái, anh bắn chết viên thanh tra cảnh sát Legrand, bảo vệ diễn giả Phan Bôi. Anh bị bắt, bị tra tấn chết đi sống lại, nhưng luôn luôn giữ khí tiết cách mạng khiến những cai ngục cũng phải kính nể, gọi anh là "Ông Nhỏ". Trước khi bị thực dân xử bắn, anh còn hát vang bài Quốc tế ca.

Phan Văn Trường (1878 - 1993)

Quê làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, những năm hoạt động của ông chủ yếu diễn ra ở Paris và Sài Gòn. Đỗ tiến sĩ luật khoa ở Pháp (là một trong những tiến sĩ luật khoa đầu tiên của nước ta), làm luật sư tại Tòa thượng thẩm Paris. Hoạt động trong phong trào yêu nước của Việt kiều tại Pháp, cùng với Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội đồng bào thân ái và Nhóm những người Việt Nam yêu nước. Viết nhiều bài cho tờ Le Paria (do Nguyễn Ái Quốc chủ trương). Cuối năm 1923, ông về nước, làm chủ bút hai tờ báo La Cloche Fêlée (Chuông Rè) và L'Annam (Nước Nam), đả kích mạnh mẽ chế độ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương và góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác vào Việt Nam.

Hai lần ông bị thực dân Pháp bắt giam: lần đầu ở Paris (cùng một lúc với Phan Châu Trinh), lần sau ở Sài Gòn (nhưng bị tạm giam ở Paris).

Mai Thọ Truyền (1905 - 1973)

Là một Đốc phủ xứ ngoại hạng, một trong những người sáng lập chùa Xá Lợi (Sài Gòn) và Hội Phật học Nam Việt, Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa (Sài Gòn). Ông mất ngày 17-4-1973 tại Sài Gòn.

Ngô Gia Tự

Sinh ngày 3-12-1908, ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 1926, gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Cuối năm 1928 vào Sài Gòn hoạt động cách mạng.

Cuối năm 1930, bị địch bắt tại Sài Gòn. Tháng 5-1933, thì bị đày ra Côn Đảo.

Cuối tháng 1-1935, chi bộ nhà tù tổ chức cho ông và một nhóm anh em vượt ngục, nhưng ông và các đồng chí đã mất tích giữa biển.

Hoàng Việt (1928 - 1967)

Sinh tại Chợ Lớn, tên thật là Lê Chí Trực. Từ 16 tuổi, ông đã bắt đầu sáng tác, được nhiều người biết đến với những bài Chí cả, Biệt đô thành, Tiếng còi trong sương đêm (Ký tên Lê Trực). Ông tham gia cách mạng, công tác trong Tổ quân nhạc của Quân khu 8. Ông nổi tiếng với những ca khúc phục vụ kháng chiến như Lá xanh (1950), Lên ngàn (1952), Nhạc rừng (1953), Mùa lúa chín (1953-1954)...

Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc, tiếp tục sáng tác. Bản Tình ca (1957) được những người yêu nhạc đánh giá là một trong những tình khúc hay nhất của nền âm nhạc nước ta. Sau đó, ông xin về Nam phục vụ kháng chiến. Ông tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc, bản giao hưởng Cửu Long, nhạc kịch Bông Sen...

Ngày 31-12-1967, ông hy sinh khi chưa tròn 40 tuổi.

Trương Phước Vĩnh

Ông là người đầu tiên giữ chức Điều khiển, Thống suất toàn bộ quan binh các dinh, các trấn ở miền Nam.

Ông có công dẹp tan giặc Sà Tốt (làng Prea Sot) năm 1731 và cho đắp lũy Hoa Phong (dấu vết còn ở gần chùa Cây Mai) để ngăn giặc.

(Sài Gòn 300 năm - NXB CTQG)

Top