Sài Gòn - TPHCM: Từ “thần tốc, táo bạo” đến bứt phá phát triển
(Chinhphu.vn) - Bức điện khẩn lúc 9 giờ 30 sáng 7-4-1975 mang mật danh 157-HĐKTK từ Tổng hành dinh (nhà D67) truyền đi mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

11h30 ngày 30-4-1975, xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập.
Ngay sau đó, Quân đoàn 4 tiến công địch ở "cánh cửa thép" phòng tuyến Xuân Lộc (ngày 9-4); Quân đoàn 2 tiến công tuyến phòng thủ Phan Rang (ngày 14-4); các quân đoàn khác dồn dập tiến công tiêu diệt các sư đoàn chủ lực địch phòng thủ vòng ngoài, áp sát lực lượng vào ven đô. Chiều ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bước vào trận tổng công kích giải phóng Sài Gòn.
Hơn 25 vạn quân chủ lực với đầy đủ các quân binh chủng hiện có của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã vào vị trí và cài thế chiến lược, tiếp tục tiến công, áp sát hơn nữa các mục tiêu, trong đó có các mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát đô thành, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô… Trên bốn hướng Đông, Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, đồng loạt tiến công vào Sài Gòn, tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ.
Trận đánh của đoàn xe tăng Quân đoàn 2 vựợt qua cầu Sài Gòn vào Tân Cảng kéo dài đến ngã tư Hàng Xanh chưa đầy một cây số đã có 3 xe tăng Quân giải phóng bị cháy và Thượng úy Ngô Văn Nhỡ - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 xe tăng hy sinh trên tháp pháo. Kẻ thù còn kháng cự quyết liệt, nhưng các mũi tiến công vẫn vượt qua mọi cản trở đề nhằm tới mục tiêu chung lớn nhất: Dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn.
Lúc 11:30 ngày 30-4-1975 những xe tăng đầu tiên (số hiệu 390 và 843) đã ập vào Dinh Độc lập; lá cờ giải phóng do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận tung bay trên sân thượng dinh Tổng thống; Đại úy Phạm Xuân Thệ cùng các đơn vị bộ binh Quân giải phóng đầu tiên đã đứng trước mặt toàn bộ Nội các chính quyền và quân đội Sài Gòn ngay tại nơi họ có thể đưa ra những quyết định cuối cùng của cuộc chiến tranh thực dân mới. Hơn một phần tư triệu quân còn lại với đầy đủ quân binh chủng của Quân lực Việt Nam Cộng hoà đang chốt giữ trên một nửa số tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam, trong đó có Đô thành Sài Gòn, đã buộc phải buông súng đầu hàng.
Lúc 13:20 ngày 30-4-1975, buổi phát sóng đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Đài phát thanh Sài Gòn phát đi bản tin về Tuyên bố của Tổng thống - Đại tướng Duơng Văn Minh "Đầu hàng không điều kiện trước Quân giải phóng".
Ngay sau đó bản "Thông cáo số 1" của Quân giải phóng được phát đi liên tục với nội dung thông báo với toàn thể đồng bào cả nước về Quân giải phóng đã làm chủ hoàn toàn Thành phố Sài Gòn - Gia Định, Chính quyền Sài Gòn đã đầu hàng vô điều kiện và nêu sáu quy định để mọi người thực hiện giữ trật tự ổn định, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân.
Lúc 20:00 cùng ngày, buổi phát sóng đầu tiên của Đài phát thanh Giải phóng phát tại Đài phát thanh Sài Gòn truyền đi bản "Thông báo số 1 của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định" với nội dung Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ Thành phố Sài Gòn và toàn miền Nam, kêu gọi đồng bào yên tâm ổn định cuộc sống, thực hiện các chính sách của Chính phủ cách mạng đối với vùng mới giải phóng.
Lúc 19 giờ ngày 1/5/1975 bản tin đầu tiên của Đài truyền hình Giải phóng phát sóng với hình ảnh cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng bay phấp phới trên nền nhạc bài Giải phóng miền Nam; lời xướng ngôn viên Mỹ Hạnh đọc thông báo của Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định: Đất nước đã chấm dứt chiến tranh, tất cả tầng lớp nhân dân mau chóng ổn định cuộc sống. Nhân dân ta bắt đầu ngày mới - Ngày thống nhất, hòa bình của đất nước, cùng xây dựng Việt Nam độc lập, tự do và giàu mạnh.

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định chào đón Ủy ban Quân quản thành phố sau ngày giải phóng
Sức mạnh thần tốc của ngày 30-4 ngay sau đó chuyển thành sức mạnh toàn thắng cho công cuộc hoà bình, hoà vui và phát triển. Ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định bắt đầu nhiệm vụ lịch sử đưa thành phố từ chiến tranh chuyển sang hòa bình. Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định (do Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch ra mắt nhân dân ngày 7/5/1975), tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, bước đầu khắc phục hậu quả chiến tranh. Thành phố đầu não của chiến tranh thực dân mới, trở thành đầu tàu, động lực kéo các tỉnh phía Nam trong xây dựng và phát triển sau giải phóng.
Trong những năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới (1978-1979) TPHCM trở thành hậu phương trực tiếp của quân dân cả nước chiến đấu vì độc lập tự do giữ vững biên cương.
Trong thời kỳ khó khăn, khủng hoảng kinh tế-xã hội (đầu thập niên 1980), Thành phố tìm cách tháo gỡ khó khăn, "phá rào" cơ chế, tìm giải pháp mới, mở tiền lệ mới, dám làm dám chịu… góp phần trực tiếp vào việc hình thành đường lối đổi mới. Cùng với các tỉnh, thành khác (Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Long An, An giang…), TPHCM "vì cả nước, cùng cả nước" không cam chịu khó khăn, không chờ đợi hoàn cảnh, tự cứu trước khi trời cứu…
Bài học "thần tốc, táo bạo" trong kết thúc chiến tranh, chuyển thành dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám vượt qua chính mình, đi trước thể nghiệm, tạo tiền đề và kinh nghiệm trong chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế và xây dựng, phát triển.
Trong những chặng đường dài đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, TPHCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn, đô thị đặc biệt, hạt nhân phát triển và đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố không chỉ có tỷ lệ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và cả nước, mà còn là nơi hình thành và phát triển nhiều sáng tạo trong tổ chức đời sống xã hội, nhất là về an sinh xã hội, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, sáng tạo khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức… TPHCM cũng đi đầu trong liên kết vùng cả trong nước và quốc tế.
Còn nhớ thời chiến tranh, từ chiến khu ở "nẻo xa nhìn về thành phố, cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ, cứ đêm đêm nức nở gọi ta về"; khi "nước nhà còn chờ trận cuối là trận này", Sài Gòn-Gia Định cùng cả nước đã "Tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô".
Thời hậu đại dịch, cả nước lại quan tâm đến đầu tàu kinh tế TPHCM đang bị chậm lại, Chính phủ đang tập trung khẩn trương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo đột phá, động lực mới để TPHCM phát triển; và Thành phố thấy cần có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển trở lại.
Nhưng mỗi người dân Thành phố khi nghe người lãnh đạo cao nhất của Đảng động viên, ai cũng thấy tự tin và muốn tự nói ra điều muốn hành động để xứng đáng là người dân thành phố mang tên Bác Hồ "có quyền tự hào và có trách nhiệm đóng góp xây dựng TPHCM thành một thành phố "giàu có"; giàu có không phải chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn giàu có về lịch sử, văn hóa, giàu tình người, giàu cơ hội, giàu khát vọng vươn lên".
Minh Minh Đức