Sản xuất công nghiệp TPHCM: Nhiều tín hiệu tích cực

23/12/2022 4:53 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, ngành công nghiệp TPHCM đang bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn đã ổn định, các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất chuyển biến tích cực, đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.

Sản xuất công nghiêp TPHCM: nhiều tín hiệu tích cực  - Ảnh 1.

DN trong ngành hóa dược - cao su - nhựa của Thành phố có sự hồi phục và phát triển tốt, chỉ số công nghiêp (IIP) của ngành trong năm 2022 ước tăng 26,5% - Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo Sở Công Thương TPHCM, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 19,92% so cùng kỳ, cao hơn 2,6 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trở lại cho thấy xu hướng phục hồi ngày càng trở nên rõ nét hơn của nền kinh tế.

Hiện nay, ngành công nghiệp Thành phố đang bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển. Nhờ lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… song song với chiến lược đa dạng hóa thị trường tiêu thụ đang giúp nhiều công ty tăng tốc trong sản xuất.

Ông Nguyễn Phương Đông, Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), chia sẻ, hiện các công ty thành viên của CNS đang đàm phán lại các đơn hàng cung ứng cho năm 2023. Nhìn chung các công ty khá lạc quan với nhu cầu đặt hàng từ thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và các nước khu vực châu Á cũng như các đối tác FDI lớn từ nước ngoài.

Tiêu biểu như Công ty Cơ khí chính xác CNS Amura, công ty thành viên của CNS đã đàm phán xong đơn hàng cung ứng cho Tập đoàn TTI có trị giá lớn. Được biết, hiện CNS Amura cũng đang là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung cũng như nhiều DN FDI khác.

Trong khi đó, các sản phẩm cao su kỹ thuật phục vụ trong ngành ô tô, kiếng, tấm lót sàn… của Công ty CP Cao su Bến Thành ( đơn vị thành viên của CNS) đang rất được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Ai Cập... Gần đây nhất, ban giám đốc công ty đã trực tiếp sang Hoa Kỳ để đàm phán đơn hàng xuất khẩu vào thị trường này. Dự kiến, đây sẽ là đơn hàng lớn của công ty trong năm 2023.

Hiện nay, nhiều DN trong ngành hóa dược - cao su - nhựa của Thành phố có sự hồi phục và phát triển tốt, chỉ số công nghiêp (IIP) của ngành trong năm 2022 ước tăng 26,5% (cùng kỳ giảm 4,3%). Theo đánh giá của Hội Cao su – nhựa TPHCM, sản lượng công nghiệp ngành hóa dược tăng khá do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân sau dịch và chăm sóc xã hội tăng lên.

 Bên cạnh đó, ngành sản xuất và chế biến nhựa có triển vọng thuận lợi hơn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với những cơ hội mở ra cho cả xuất khẩu, nhập khẩu và thu hút đầu tư. Hiện nay, các sản phẩm nhựa của Việt Nam đang có mặt tại gần 160 thị trường trên thế giới (năm 2021, dù bị tác động tiêu cực của COVID-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chất dẻo của Thành phố đạt 448 triệu USD, tăng 6,1% so cùng kỳ; 10 tháng năm 2022 ước đạt 463,2 triệu USD, tăng 30,6% so cùng kỳ).

Đối với ngành lương thực, thực phẩm, cuối năm là dịp các DN trong ngành đẩy mạnh sản xuất. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết, TPHCM là nơi tập trung số lượng các DN chế biến lương thực thực phẩm lớn nhất nước. Các DN không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho Thành phố mà còn phục vụ thị trường cả nước, cũng như xuất khẩu. Từ tháng 3 đến nay, lũy kế chỉ số sản xuất ngành lương thực thực phẩm và đồ uống đã lấy lại đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, nếu 3 tháng đầu năm nay, mức tăng chỉ đạt 3,2%, thì đến 6 tháng, mức tăng trưởng đã đạt 7%; 9 tháng, mức tăng đã chạm 28,2% và dự kiến đến cuối năm mức tăng có thể đạt trên 30%, do nhu cầu về hàng hóa Tết tăng cao.

Anh Lê

Top