Sắp xếp bộ máy hành chính ở TPHCM: Mâu thuẫn giữa thực tiễn và yêu cầu

12/06/2024 4:29 PM

(Chinhphu.vn) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, việc tinh giản biên chế và sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp công vẫn còn nhiều hạn chế bởi mâu thuẫn giữa thực tiễn và yêu cầu sắp xếp.

Sắp xếp bộ máy hành chính ở TPHCM: Mâu thuẫn giữa thực tiễn và yêu cầu- Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi giám sát - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sáng 12/6, HĐND TPHCM tổ chức buổi giám sát đối với UBND Thành phố việc thực hiện chương trình cải cách hành chính về cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ giai đoạn 2022-2025. Chủ trì buổi giám sát có Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan.

Theo báo cáo của UBND TPHCM, thời gian qua, Thành phố đã chủ động triển khai việc sắp xếp các cơ quan, đơn vị theo quy định; thành lập Sở An toàn thực phẩm để thống nhất đầu mối quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố; ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị theo quy định; tham mưu các quyết định phân cấp, ủy quyền để tạo sự chủ động, rút ngắn thời gian thực hiện cho các cơ quan, đơn vị phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn quản lý.

Về các mặt tồn tại, hạn chế, UBND Thành phố cho biết số lượng đơn vị sự nghiệp của Thành phố khá lớn nhưng Thành phố chưa thể phân cấp cho các cơ quan cấp dưới thực hiện phê duyệt đề án sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết, làm kéo dài thời gian phê duyệt đề án.

Trong thời gian chờ được phê duyệt đề án, các đơn vị không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết, dẫn đến giảm nguồn thu của đơn vị sự nghiệp và tạo thêm áp lực cho ngân sách địa phương để đảm bảo hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) và phục vụ nhu cầu của người dân, học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, việc xây dựng đề án vị trí việc làm theo Nghị định số 106/2020/NĐ-CP còn một số vướng mắc do bộ, ngành chưa ban hành hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong ĐVSNCL thuộc ngành, lĩnh vực được giao; chưa ban hành hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong ĐVSNCL thuộc ngành, lĩnh vực...

Bên cạnh đó, hiện nay, biên chế sử dụng cao hơn so với biên chế được giao. Việc sắp xếp, sáp nhập tinh gọn bộ máy ĐVSNCL đạt tỉ lệ chưa cao, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế vì thực tế số lượng học sinh, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc y tế của người dân ở Thành phố và khu vực lân cận hằng năm tăng rất nhiều.

Đại diện đoàn giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân đề nghị UBND Thành phố thông tin rõ hơn về kết quả thực hiện các nghị quyết mà HĐND Thành phố đã ban hành như Nghị quyết 25 về tuyển dụng sinh viên xuất sắc, Nghị quyết 27 về thu hút chuyên gia, nhà khoa học, những người có tài năng đặc biệt.

Liên quan đến đề án về giảm ĐVSNCL và xử lý tài sản công, ông Huỳnh Thanh Nhân nêu Thành phố có 1.781 ĐVSNCL, theo báo cáo thì có 734 đề án được trình lên và mới phê duyệt 5 đề án trong số này. Từ đó, ông Nhân đặt câu hỏi còn 729 đề án bao giờ mới phê duyệt xong và vướng mắc ở đâu.

Đối với đề án vị trí, việc làm, hiện có 39/76 đơn vị phê duyệt đề án, theo đó Phó Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố có chỉ đạo để khẩn trương thực hiện.

Sắp xếp bộ máy hành chính ở TPHCM: Mâu thuẫn giữa thực tiễn và yêu cầu- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi giám sát - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sẽ thi tuyển chức danh phó giám đốc 3 sở

Phát biểu trả lời đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, việc tinh giản biên chế và sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp công vẫn còn nhiều hạn chế bởi mâu thuẫn giữa thực tiễn và yêu cầu sắp xếp.

"Thành phố có rất nhiều bệnh viện, hàng trăm trường học, nhiều viện nghiên cứu, lĩnh vực nào cũng có các viện nghiên cứu, cơ quan sự nghiệp nên yêu cầu cứ phải giảm 10% đơn vị sự nghiệp, 10% biên chế so với năm 2021 là rất khó khăn", ông Hoan nói.

Ông Hoan dẫn chứng, Thành phố có 13 triệu dân, với 13.000 cán bộ nhà nước thì như vậy, mỗi cán bộ phục vụ gần 10.000 người dân, nhu cầu rất cao. Vì vậy, tính hiệu quả trong sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập là làm sao giảm chi ngân sách nhưng mà vẫn phục vụ tốt cho người dân. Thành phố từng kiến nghị với Trung ương xem xét được thực hiện mục tiêu kép, tức là vừa cố gắng giảm đầu mối những đơn vị nhỏ lẻ, nhưng đồng thời phải tăng tính tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về việc quản lý, sử dụng tài sản công vào các mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh liên kết, ông Hoan cho biết Thành phố sẽ vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội để xem xét thực hiện phân cấp ủy quyền theo quy định.

Về thi tuyển chức danh lãnh đạo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết dù Thành phố làm chậm so với cả nước nhưng có hiệu quả, điển hình là đã thi tuyển cấp trưởng-phó phòng của các cơ quan quận, huyện. Sắp tới, TPHCM sẽ triển khai thi tuyển phó giám đốc 3 sở là: KH&CN; VH&TT; KH&ĐT.

Còn đối với việc tuyển dụng sinh viên giỏi, sở dĩ đến nay Thành phố chỉ tuyển được 3 em là vì tiêu chuẩn cao, trong khi nhu cầu tuyển dụng thấp. Ở đây vấn đề đặt ra là khi tuyển dụng vào cơ quan nhà nước thì có cần những điều kiện cao thế không? Nhiều em rất giỏi nhưng vì yêu cầu quá cao nên nhiều em "rớt" vòng hồ sơ.

Sắp xếp bộ máy hành chính ở TPHCM: Mâu thuẫn giữa thực tiễn và yêu cầu- Ảnh 3.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ kết luận buổi giám sát - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Kết luận buổi giám sát, đối với công tác cải cách bộ máy hành chính nhà nước, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND Thành phố khẩn trương hoàn thành và triển khai đề án Xây dựng nền công vụ Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND Thành phố (hiện còn 31 đơn vị, sở, ngành chưa ban hành chức năng, nhiệm vụ và tổ chức).

Chủ tịch HĐND Thành phố cũng đề nghị UBND Thành phố sớm có hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn trực thuộc cấp huyện. "Hiện còn 3 cơ quan chưa có quy định hướng dẫn, gây ách tắc và gây cản trở cho người dân rất nhiều", bà Lệ nói.

Cùng với đó, phải tập trung quan tâm thực hiện sắp xếp tổ chức lại ĐVSNCL theo từng ngành, từng lĩnh vực theo Nghị quyết 19 của Trung ương, trong đó phải tổ chức các hoạt động đạt hiệu quả, đảm bảo chỉ tiêu chung của Thành phố.

Về phân cấp, ủy quyền, bà Lệ đề nghị UBND Thành phố rà soát nội dung này, có đề xuất điều chỉnh các nội dung không còn phù hợp với thực tiễn.

Anh Thơ

Top