Sắp xếp lại khu phố, ấp: Chú trọng đặc thù khu dân cư

31/05/2024 8:41 AM

(Chinhphu.vn) - Sau quá trình sắp xếp, TPHCM từ 25.377 tổ chức dưới phường, xã, thị trấn xuống còn 3.654 khu phố và 1.207 ấp. Theo dự tính, kinh phí hoạt động của bộ máy cơ sở sẽ giảm nhiều, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho ngân sách.

Sắp xếp lại khu phố, ấp: Chú trọng đặc thù khu dân cư- Ảnh 1.

Sau sắp xếp, bộ máy các tổ chức dưới phường, xã, thị trấn ở TPHCM tinh gọn từ 25.377 tổ chức xuống còn khoảng 4.861 khu phố, ấp (giảm 20.516 tổ chức), tinh giảm nhân sự từ khoảng 64.293 người xuống còn khoảng 43.749 người (giảm 20.544 người) - Ảnh: VGP

Mục đích cuối cùng là tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, mô hình khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân tồn tại ngay từ những ngày đầu thành lập chính quyền thành phố. Các tổ chức dưới phường, xã này đã hoạt động hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo quy định và để các tổ chức này hoạt động đạt hiệu quả cao hơn, thành phố phải sắp xếp lại.

Theo các nội dung mà UBND TPHCM trình thì hiện tại, 312 xã, phường, thị trấn thuộc 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức đã hoàn tất phương án, tổ chức lấy ý kiến của người dân về việc sắp xếp khu phố, ấp.

Như vậy, việc sắp xếp lại phải là tinh giản, giảm chi phí, giảm nhân sự, nhưng hiệu quả phải được tăng cường. Gần dân hơn và chuyên nghiệp hơn.

Chuẩn bị chu đáo trước khi triển khai sắp xếp

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cấp cán bộ tham gia cần nghiên cứu kỹ để không làm rối hơn hay làm phát sinh những vấn đế khác. Đồng thời, Chủ tịch Phan Văn Mãi chỉ đạo trong quá trình sắp xếp, các địa phương cần tránh gây phiền hà cho người dân.

Theo quy định, trước khi triển khai sắp xếp, các địa phương, cơ sở phải tổ chức lấy ý kiến người dân. Nếu trên 50% hộ gia đình đồng ý thì tiến hành các bước tiếp theo. Không đạt tỉ lệ này thì lấy ý kiến lần 2. Nếu lần 2 cũng không thành công thì báo cáo cấp quận, huyện xem xét quyết định. Đồng thời, cần tiến hành công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt và thực hiện đúng.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuyên truyền, lấy ý kiến ở một số nơi tiến hành quá sơ sài, hình thức, thậm chí không tổ chức. Người dân nhiều nơi còn mơ hồ, không hiểu về thực chất của việc sắp xếp lại.

Theo quy định, việc giới thiệu và bầu Trưởng khu phố, ấp được tổ chức tại hội nghị khu phố, ấp. Hội nghị bầu Trưởng khu phố, ấp được thực hiện khi có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trong khu phố, ấp tham dự. Nhưng có khu phố phường chỉ thông báo về nhân sự lâm thời mới. Còn thiếu hướng dẫn cụ thể và chưa chuẩn bị cho quá trình bầu cử, chọn ra người xứng đáng để điều hành khu phố.

Nhân sự điều hành khu phố mới cần chuyên nghiệp

Nhiều cán bộ tham gia quá trình sắp xếp nhận định: Việc giảm số lượng người tham gia hoạt động ở cơ sở sẽ gây khó hơn trong điều hành. Khu phố mới thành lập sẽ có khoảng 500 hộ dân hoặc hơn là tương đối đông. Sẽ áp lực trong bầu chọn được những người có tâm huyết, có khả năng thích ứng với cường độ công việc và sử dụng được công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Nhiệm vụ của Ban Điều hành khu phố mới sẽ nặng nề, khó khăn hơn.

Về nhân sự, một khu phố, ấp sau sắp xếp có 5 chức danh hưởng phụ cấp hàng tháng, gồm: Bí thư; Trưởng khu phố, ấp; Trưởng ban công tác mặt trận; Chi hội Trưởng phụ nữ và Bí thư chi Đoàn thanh niên.

Mức hỗ trợ kinh phí vẫn là 2,5 triệu đồng/khu phố, ấp. Do chức năng, nhiệm vụ của các thành viên điều hành khác nhau, vì thế cần tránh chồng chéo, hoặc một người thâu tóm nhiều vị trí dù không đủ khả năng. Nhất là ở những khu phố đông dân, từ 500 hộ trở lên. Cần có quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn người được đề cử. Ngoài nhiệt huyết, còn phải có kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp trong điều hành.

Trụ sở hoạt động cũng là vấn đề đáng quan tâm. Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết, việc sắp xếp không được làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã, không làm phát sinh việc xây dựng mới trụ sở làm việc của khu phố, ấp. Trong thời đại 4.0, việc điều hành cần tận dụng ứng dụng công nghệ thông tin; Sử dụng mạng xã hội mang tính cơ động để kết nối. Không cần trụ sở rườm rà, tốn kém mà không hiệu quả.

Chú trọng đặc thù khu dân cư, truyền thống văn hoá

Để việc điều hành hiệu quả hơn, tiêu chí bầu chọn Ban Điều hành cần căn cứ vào đặc thù của khu dân cư. Có tính tới tuổi tác, nghề nghiêp, thành phần xã hội, dân tộc…

Theo Sở Xây dựng, hiện TPHCM có tổng số 1.521 chung cư, chưa bao gồm các chung cư tại Quận 3 và Quận 8 (do UBND hai quận này chưa có báo cáo gửi về). Tỉ lệ căn hộ chung cư chiếm 8,4% tổng số nhà ở trên toàn Thành phố.

Vì thế, khi thành lập khu phố mới, nhất là các khu chung cư đông dân, cần chú ý tới các yếu tố khác biệt: Các khu phố - chung cư thường khá đông dân. Nhiều khu trải dài trên diện tích lớn. Ở nhiều khu, ngoài cư dân người Việt, người nước ngoài cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ. Việc điều hành chung cư đã được tổ chức khá chặt chẽ theo luật Chung cư.

Theo quy định, hiện tại các khu chung cư đều đã có Ban Quản trị do cư dân bầu và Ban Quản lý chuyên nghiệp phối hợp. Ban Quản lý… đã có các trụ sở. Các chung cư hầu như có đội Bảo vệ, an ninh riêng. Phối hợp chặt chẽ với Công an phường. Việc kết nối cộng đồng cư dân được tổ chức khá tốt bằng các nhóm, mạng xã hội… Về tài sản: phòng sinh hoạt cộng đồng, trụ sở, câu lạc bộ, tiện ích… là tài sản chỉ riêng của khu dân cư đó.

Vì thế, hoạt động khu phố hiệu quả nhất và tinh gọn nhất là gắn chặt với hoạt động của Ban Quản trị và Ban Quản lý các khu chung cư. Không nên lập thêm trụ sở rườm rà. Ban Điều hành tách biệt.

Trần Kim Dung

Top