Sẽ có Trung tâm Thạch học nhân sinh đầu tiên tại Việt Nam

27/09/2019 2:28 PM

(Chinhphu.vn) - Từ những nghiên cứu khoa học chuyên sâu được trình bày tại hội thảo, các nhà khoa học đầu ngành về địa chất, khoáng học, thạch học, ngọc học, triết học,… đã thống nhất hình thành một phân ngành nghiên cứu tổng hợp chuyên sâu mới, đó là “Thạch học nhân sinh”. Lần đầu tiên tổ chức hội thảo về thạch lý học

Đoàn Chủ tịch của Hội thảo gồm: TS Thang Văn Phúc - Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, nguyên Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ (ngoài cùng, bên phải); Viện trưởng Viện Vũ trụ học thế giới Dr. Dolf De Roos (thứ hai, từ bên phải); TS Nguyễn Huỳnh Thanh - Viện trưởng Viện Triết học Phát triển (thứ ba, từ bên phải) và TS Phạm Quốc Kiệt - Viện trưởng Viện Mật mã vũ trụ, thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam. Ảnh: VGP/Anh Tuấn

Câu chuyện học thuật liên ngành…

Như đã đưa tin, ngày 21/9/2019, tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, đã diễn ra Hội thảo Quốc tế thường niên về Triết học trị liệu và Thạch lý học với chủ đề “Lắng nghe tiếng nói của đá” cùng các triển lãm chuyên đề về đá liên quan. Một trong những thông điệp quan trọng được chuyển tải đến xã hội của hội thảo là: “Đá có sự sống đặc thù và hệ sinh thái khoáng - đá cần được bảo vệ như bảo vệ sự sống của con người”.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Tổng Thư ký Liên hiệp Unesco Thế giới, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam đã phát biểu chúc mừng hội thảo về chủ đề đặc biệt thu hút sự quan tâm của xã hội và cộng đồng này. Với góc nhìn của tổ chức Unesco Thế giới và Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao sự nỗ lực và tâm huyết của các nhà khoa học và cho rằng đây là bước đi tích cực, phù hợp với tôn chỉ và mục tiêu của Unesco Thế giới, Việt Nam nói riêng và với tâm thức nhân sinh và nhân loại nói chung và bày tỏ khả năng hợp tác phát triển nhiều hơn đối với chủ đề này.

Hội thảo được bắt đầu với phần phân tích đi sâu vào các hiệu ứng trong ngọc học, đặc biệt là hiệu ứng đặc biệt quý hiếm về đổi màu trong ngọc học, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu của ThS Lê Ngọc Năng, Giám đốc Trung tâm Giám định Ngọc học LIULAP - TPHCM, một trong những chuyện gia uy tín đầu ngành về giám định đá quý tại Việt nam và là một trong ba người đề xướng chương trình hội thảo chuyên sâu này.

Tiếp đó, GS.TS Tạ Hòa Phương - Chủ tịch Hội Cổ sinh Địa tầng Việt Nam đã trình bày những nguyên lý mang tính khoa học cơ bản về thạch học, đó là dòng xoáy thành tạo đá thuận chiều và ngược chiều trong tự nhiên được rút ra từ việc nghiên cứu cổ sinh vật hóa thạch. Đây có thể coi là nền tảng lý luận và phương pháp luận cho các nghiên cứu thạch học, ngọc học sau này.

Trong bài phát biểu của mình, GS Tạ Hòa Phương đã nhắc đến khái niệm “nền văn minh đá nhân loại” và ngay sau đó TS Nguyễn Huỳnh Thanh - Viện trưởng Viện Triết học Phát triển đã đề xuất hình thành một tổ hợp công viên bảo tàng về nền văn minh đá nhân loại tại Việt Nam.

Tham dự hội thảo với tư cách thành viên Chủ tọa đoàn, ngài Dr. Dolf De Roos - Viện trưởng Viện Vũ trụ học thế giới (trực thuộc Liên minh Kỷ lục thế giới), đồng thời cũng là một chuyên gia bất động sản hàng đầu của Hoa Kỳ đã nhấn mạnh và phân tích rất sâu về các khái niệm lý tính của đá và quyền năng của đá. Những khái niệm độc đáo này đã làm phong phú và nâng nội hàm của hội thảo lên một tầm cao mới, được các đại biểu trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.

TS Hồ Bá Thâm, nguyên Vụ trưởng - Giám đốc Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia Sự thật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có bài tham luận: “Đã đến lúc cần nhìn nhận đá như một tài nguyên và một phần tất yếu của sự sống”. Đáng chú ý, TS Thâm đã đưa ra một đề xuất làm “nóng” hội trường, đó là từ tính chất liên xuyên rất nhiều ngành khoa học của chủ đề hội thảo, cần hình thành một phân ngành khoa học tổng hợp mới với tên gọi Thạch học nhân sinh.

TS Nguyễn Huỳnh Thanh - Viện trưởng Viện Triết học Phát triển phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Anh Tuấn

Bằng sự phân tích một mệnh đề gây bất ngờ và thích thú cho rất nhiều đại biểu, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Viện trưởng Viện Ngọc học và trang sức DOIJ (thuộc Công ty Vàng bạc Đá quý DOJI) đã nêu lên mối liên hệ biện chứng giữa khoáng vật và nhân sinh từ khi sự sống xuất hiện trên trái đất, đã làm tăng số lượng và chất lượng khoáng vật, trong đó có các chủng loại và chất lượng của đá.

Đến từ Cần Thơ, TS Ngô Hồ Anh Khôi, với chuyên môn về AI, được đào tạo tại Pháp và cũng là một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về hệ thống hóa đa dạng thạch học đã trình bày về công trình nghiên cứu hệ thống hóa toàn thư về thạch học phục vụ nhân sinh, bao gồm cả sức khỏe và tinh thần, với bộ sưu tập hơn hai ngàn loại khoáng, đá và mẫu vật. Câu chuyện thạch học nhân sinh đã được miêu tả thêm bằng chất liệu vật lý.

Với tư cách chủ nhà, nơi diễn ra hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM đã đưa ra một sơ đồ đầy cảm xúc mang tính công thức về mối quan hệ tương tác qua lại hai chiều giữa các yếu tố: đá - tác phẩm - con người - thiên nhiên. PGS Nguyễn Văn Minh đã nhấn mạnh đến vai trò của cảm xúc và nhận thức. Cảm xúc và nhận thức trong con người và tác phẩm sẽ tác động đến đá và thiên nhiên như cách mà cảm xúc và nhận thức từ đá và thiên nhiên đã đi vào con người và tác phẩm.

Còn GS.TS.NGND Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM đã đưa hội thảo và cộng đồng đến một nhận thức hoàn toàn mới mẻ, mang tính thực tiễn rất cao đó là: “Khoáng vật sau khi thành tạo vốn được mọi người xem là điểm kết thúc của quá trình sinh trưởng và dường như chúng chỉ có thể thoái hóa hoặc biến đổi mà không thể phát triển. Tuy nhiên, trong thực tế và khoa học cũng đã chứng minh, trong những điều kiện phù hợp với những loại khoáng nhất định, chúng hoàn toàn có khả năng tiếp tục phát triển. Quá trình này tạm gọi là quá trình “tiếp phát” của khoáng vật sau thành tạo”.

Trong đúc kết phương pháp luận thực tiễn cho chủ đề Thạch học nhân sinh, GS Nguyễn Thanh Tuyền đã xem các khái niệm “đá sự sống” và “đá tiến hóa” như là một hình thái và phân khúc cần được nghiên cứu và ứng dụng sâu rộng trong khoa học và đời sống.

Các đại biểu tham dự hội thảo Triết học trị liệu và Thạch lý học tham quan Triển lãm chuyên đề về đá. Ảnh: VGP/Anh Tuấn

Theo TS Nguyễn Huỳnh Thanh - Viện trưởng Viện Triết học Phát triển, các câu chuyện học thuật được trình bày trong hội thảo đã trải rộng và mở ra trên rất nhiều lĩnh vực đa ngành và liên ngành. Từ góc nhìn hành động, để tìm ra một manh mối có thể tác động được vào câu chuyện tổng thể và cần có một hành động ngay, trong điều kiện phương tiện hiện có, nên bắt đầu từ vấn đề Thạch học nhân sinh.

Giải thích về khái niệm Thạch học nhân sinh, TS Nguyễn Huỳnh Thanh cho biết, trước hết đó là chiếc cầu cảm xúc “lắng nghe” hai chiều từ nhân sinh đến hệ sinh thái khoáng - đá - ngọc và ngược lại. Ngoài ra, Thạch học nhân sinh còn là chiếc cầu nhận thức và hành động nhân bản về một hệ sinh thái tổng hòa khoáng - đá - ngọc trên hành trình tiến hóa và phát triển hài hòa, bền vững cùng nhau với nhân sinh.

Đến những hành động thiết thực và cụ thể…

Tổng kết hội thảo, thay mặt Chủ tọa đoàn, TS Thang Văn Phúc - Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã đánh giá cao tính lý luận và phương pháp luận về một chủ đề rất mới, nhưng mang tính thực tiễn rất cao của hội thảo.

TS. Thang Văn Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh và đề nghị các đại biểu, nhất là hai đơn vị đồng tổ chức chính của hội thảo là Viện Triết học Phát triển và Viện Kỷ lục Việt Nam cần nhanh chóng chuyển tải các nội dung của hội thảo thành các hành động cụ thể và thiết thực trong khoa học và đời sống.

Ngay sau hội thảo, ngày 24/9/2019, TS Nguyễn Huỳnh Thanh - Viện trưởng Viện Triết học Phát triển đã chủ trì một buổi họp Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo và Ứng dụng Thạch học nhân sinh, thuộc Viện Triết học Phát triển, với 15 nhà khoa học, do GS.TS.NGND Nguyễn Thanh Tuyền làm Chủ tịch Hội đồng sáng lập.

Và ngày 25/9/2019, Viện Triết học Phát triển, Viện Kỷ lục Việt Nam và Viện Mật mã Vũ trụ đã ký kết Thỏa thuận liên tịch hợp tác phát triển phân ngành Thạch học nhân sinh trong nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, ứng dụng, tác nghiệp.

Như vậy, từ những luận cứ quan trọng cùng những nghiên cứu đặc sắc, đa dạng và tâm huyết của nhiều nhà khoa học, Trung tâm Thạch học nhân sinh đầu tiên của Việt Nam sẽ được hình thành trong thời gian tới.

Trong kỷ nguyên phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, của cách mạng 4.0, cùng những tâm huyết, nhiệt thành của các nhà khoa học với tinh thần hành động nhanh chóng và mạnh mẽ của những nhà hoạt động xã hội, hy vọng rằng Trung tâm Thạch học nhân sinh sẽ sớm có những kết quả nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng thiết thực, bổ ích phục vụ cho đời sống và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Anh Tuấn

Top