Sẽ thành lập trung tâm điều phối khởi nghiệp của TPHCM
(Chinhphu.vn) - Để trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước, TPHCM sẽ sớm thành lập một trung tâm chuyên trách về khởi nghiệp để giúp UBND Thành phố ban hành các chính sách, khung pháp lý thúc đẩy khởi nghiệp; đồng thời điều phối các đơn vị khởi nghiệp trên địa bàn. Hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng cho một dự án khởi nghiệp
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc với các sở ngành chức năng vừa diễn ra ngày 24/10, bàn về giải pháp hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Theo đại diện Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, khởi nghiệp sáng tạo (start-up) là tập hợp các nguồn lực để tìm kiếm mô hình kinh doanh độc đáo, sáng tạo, có khả năng mở rộng, đột phá về khách hàng để đạt mức tăng trưởng thần tốc.
Tuy nhiên, dù có lợi thế đột phá nhưng lĩnh vực khởi nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thống kê cho thấy có đến 90% dự án khởi nghiệp bị thất bại do nhiều nguyên nhân. Nhưng chủ yếu vẫn là do doanh nghiệp start-up thiếu vốn vì không tìm được nhà đầu tư hỗ trợ ở giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Nêu thực tế các doanh nghiệp start-up thường có nhu cầu chuyển nhượng dự án để tiếp tục hoạt động xoay vòng, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đề xuất Thành phố có thêm chính sách hỗ trợ về thuế cho các Quỹ đầu tư mạo hiểm bởi đây là những đơn vị luôn sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp start-up.
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM cũng đề xuất Thành phố có cơ chế, chính sách liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng tới thành lập một sàn chứng khoán dành riêng cho khởi nghiệp để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực quan trọng này.
Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương lại cho rằng khó khăn nhất đối với doanh nghiệp start-up hiện nay chưa hẳn là vấn đề về vốn.
Có trường hợp khởi nghiệp thành công từ khi còn đang là sinh viên trên ghế nhà trường, với xuất phát điểm ban đầu là 30 đơn đặt hàng làm thiệp mừng trên trang web giao dịch trực tuyến Alibaba. Đến nay, nhờ biết tận dụng lợi thế từ các làng nghề truyền thống nên sản phẩm của doanh nghiệp start-up này đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhận định đây chỉ là một trong rất nhiều doanh nghiệp start-up thành công dù không được hỗ trợ về vốn, Sở Công Thương TPHCM cho rằng trong lĩnh vực khởi nghiệp có rất nhiều con đường có thể dẫn đến thành công. Trong đó, bên cạnh ý tưởng sáng tạo thì thương mại điện tử cũng có vai trò hết sức quan trọng.
Do đó, Sở Công Thương kiến nghị UBND Thành phố tập trung hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp thông qua việc nâng cấp các mô hình thương mại điện tử sẵn có. Song song với đó, cần có cơ chế chính sách, tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi chứ “không nhất thiết phải đưa tiền cho doanh nghiệp”.
Bên cạnh những ý kiến nêu trên, nhiều đơn vị cũng đề xuất đề xuất UBND Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua kênh các vườn ươm doanh nghiệp của Thành phố, bởi “có một thực tế là chính các doanh nghiệp start-up cũng không biết cách sử dụng đồng tiền”.
Tại TPHCM hiện có 5 vườn ươm dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp gồm: Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao, ĐHQG TPHCM, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Trường đại học Bách khoa Thành phố.
Đây là những nơi có kinh nghiệm, đầy đủ cơ sở vật chất cùng các yếu tố phù hợp để “chăm” doanh nghiệp ngay từ khi có ý tưởng cho đến giai đoạn trưởng thành…
Nhận định về việc thúc đẩy khởi nghiệp tại TPHCM, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng, trên địa bàn Thành phố hiện đang có tình trạng “Trăm hoa đua nở, đến đâu cũng thấy nói về khởi nghiệp” nhưng thực tế mỗi cơ quan, đơn vị lại có cách làm hết sức khác nhau.
“TPHCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước nhưng nơi nào cũng khởi nghiệp như vậy là rất khó”, ông Phong nói và cho biết, thời gian tới, TPHCM sẽ sớm thành lập một trung tâm chuyên trách về khởi nghiệp để giúp Thành phố ban hành các chính sách, khung pháp lý thúc đẩy khởi nghiệp; đồng thời điều phối các đơn vị khởi nghiệp trên địa bàn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc việc thúc đẩy khởi nghiệp sẽ góp phần thực hiện mục tiêu chung của Thành phố có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020, ông Phong cũng yêu cầu các sở ngành cần sớm bàn bạc, thống nhất cơ chế chính sách để sớm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.
Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý trong quá trình xây dựng chính sách, các sở ngành phải thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng khởi nghiệp để đưa ra quyết sách kịp thời, phù hợp với thực tiễn của TPHCM.
Phan Hoàng