Sinh động lễ cúng Trăng của người Khmer Nam Bộ

09/11/2022 4:26 PM

(Chinhphu.vn) - Tối 8/11 (dịp Rằm tháng 10), chùa Candaransi (Quận 3, TPHCM) tổ chức Lễ hội Ok Om Bok - lễ cúng Trăng với sự tham gia của đông đảo Phật tử, bà con cộng đồng người Khmer Nam Bộ đang sinh sống, làm việc trên địa bàn Thành phố.

Sinh động lễ cúng Trăng của người Khmer Nam Bộ - Ảnh 1.

Hòa thượng Danh Lung, Trụ trì chùa Candaransi chia sẻ ý nghĩa lễ hội Ok Om Bok - Ảnh: VGP/Bình An

Đây là buổi lễ chính trong khuôn khổ lễ hội diễn ra trong 3 ngày (7, 8, 9/11) tại chùa Candarasi với các hoạt động như: Lễ bái Tam bảo - Thọ trì quy giới; lễ cúng Trăng, đút cốm dẹp; cầu siêu hồi hướng phước báu; thuyết pháp, văn nghệ...

Chia sẻ tại buổi lễ, Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Phó Ban Trị sự GHPGVN TPHCM, Trụ trì chùa Candaransi cho biết, lễ hội Ok Om Bok được hình thành từ nền văn hóa dân gian và văn hóa Phật giáo. Đây là dịp để người dân tạ ơn, tưởng nhớ đến các vị thần (đặc biệt là thần Mặt trăng) đã giúp họ có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đồng thời cũng để mỗi người ghi nhớ công ơn của các bậc sinh thành, dưỡng dục.

Sinh động lễ cúng Trăng của người Khmer Nam Bộ - Ảnh 2.

Người dân lễ tạ Tam bảo và tham gia cầu nguyện trong lễ hội - Ảnh: VGP/Bình An

Hòa thượng Danh Lung cho biết thêm, các lễ vật cúng dường trong lễ hội là những món ăn gần gũi trong cuộc sống đời thường, thể hiện nền văn minh lúa nước trong cộng đồng người Việt như cốm dẹp, chuối, khoai...

Ngay sau các nghi thức tâm linh, người dân tham gia phần hội với việc thưởng thức món cốm dẹp, trái cây do nhà chùa chuẩn bị; đón xem chương trình văn nghệ.

Sinh động lễ cúng Trăng của người Khmer Nam Bộ - Ảnh 3.

Thực hiện nghi thức thắp hoa đăng tưởng nhớ công ơn thần Mặt trăng - Ảnh: VGP/Bình An

Lễ hội Ok Om Bok không chỉ được tổ chức trong cộng đồng người Khmer Nam Bộ, người Khmer Campuchia, mà kể cả người Thái Lan, Lào cũng tổ chức lễ hội này với những tên gọi khác nhau.

Dịp này, các tỉnh có đông người Khmer sinh sống như Trà Vinh, Sóc Trăng còn tổ chức đua ghe ngo cùng các nghi thức đặc sắc khác, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo bà con.

Bình An

Top