Sinh viên TPHCM tranh tài “livestream” bán hàng nhằm hỗ trợ các tiểu thương chợ Bến Thành
(Chinhphu.vn) - Thương mại điện tử trên mạng xã hội, trong đó có livestream bán hàng, đã chứng minh tiềm năng lớn, là một trong những xu hướng mới giúp tiếp cận và tương tác với khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Ngày 14/12, tại sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TPHCM 2023 - Chợ di sản Bến Thành", các bạn sinh viên đã có cơ hội tranh tài khả năng livestream bán hàng với các "streamers ảo" đầu tiên tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các tiểu thương bán hàng tại chợ Bến Thành.
Sự kiện này do Viện nghiên cứu và phát triển TPHCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố cùng UBND Quận 1 tổ chức nhằm quảng bá sản phẩm, đặc sản, ẩm thực và du lịch tại TPHCM tới người tiêu dùng.
Hàng trăm "KOLs - Người có sức ảnh hưởng" đã có mặt để hỗ trợ các tiểu thương tại chợ Bến Thành livestream bán hàng. Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, hàng trăm bạn sinh viên trẻ tại TPHCM cũng tham gia chiến dịch hỗ trợ tiểu thương bán hàng. Công ty Aeyes Global - đơn vị tiên phong đưa nền tảng AI livestream với streamers ảo - đã tổ chức hướng dẫn 6 đội sinh viên cách livestream bán hàng.
Các đội sinh viên có dịp thử sức tranh tài với nhau để tìm ra phương án livestream bán hàng hiệu quả nhất. Song song với đó, các AI streamers của Công ty Aeyes Global cũng được ra mắt tại sự kiện và livestream bán hàng trên nền tảng Tik Tok shop nhằm giới thiệu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thời trang, đồ gia dụng... tới tay người tiêu dùng. Hoạt động này được kỳ vọng thu về doanh số hàng trăm triệu đồng sau các phiên livestream, hỗ trợ các nhà bán hàng Việt quảng bá sản phẩm và gia tăng thu nhập.
Tiên phong trong lĩnh vực công nghệ AI streaming, Aeyes cung cấp giải pháp công nghệ người nhân tạo (Digital Human) có khả năng livestream chuyên nghiệp hay còn gọi là "Streamer ảo" với nhiều tính năng ưu việt như: Tự động hóa, dễ dàng vận hành, có thể hoạt động liên tục 24/7, học tập thông minh và tương tác cá nhân hóa với khách hàng, giảm thiểu chi phí và công sức tổ chức các phiên livestream. Đây là lần đầu tiên các tiểu thương được giới thiệu công nghệ bán hàng với hỗ trợ từ công nghệ AI, góp phần thúc đẩy quá trình số hóa các hoạt động kinh doanh truyền thống.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, đây là lần đầu tiên Thành phố tổ chức hoạt động kết nối, quảng bá sản phẩm thương mại, du lịch trên nền tảng mạng xã hội, giúp các tiểu thương tiếp cận mô hình kinh doanh.
Qua sự kiện, ban tổ chức mong muốn mở ra cánh cửa mới cho chợ truyền thống trong việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên nền tảng xã hội, đặc biệt là mua bán hàng qua các buổi livestream.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, thương mại điện tử trên mạng xã hội, trong đó có livestream bán hàng, đã chứng minh tiềm năng lớn, là một trong những xu hướng mới giúp tiếp cận và tương tác với khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện trong thời đại công nghệ số hiện nay.
TPHCM hiện chiếm khoảng 47,7% tổng doanh thu từ thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến so với cả nước, với một số lượng rất lớn các website và ứng dụng di động đã đăng ký với Bộ Công Thương. Điều này không chỉ thể hiện sức mạnh kinh tế số của Thành phố mà còn mở ra cánh cửa mới cho phát triển thương mại nền tảng xã hội, đặc biệt là mua bán hàng qua các buổi livestream.
Thương mại điện tử trên mạng xã hội (social commerce), đặc biệt là hình thức thương mại điện tử mới (livestream bán hàng) ngày càng chứng minh tiềm năng, hiệu quả cao. Hình thức thương mại này cũng đã giúp chuyển đổi nhiều mô hình kinh doanh của doanh nghiệp và thu được nhiều kết quả tích cực. Vừa qua, tại huyện Cần Giờ, TPHCM, chương trình livestream sản phẩm OCOP đã đạt doanh thu tăng gấp 10 lần so với dự kiến chỉ sau 5 giờ phát sóng.
Đây là cơ hội và xu hướng mới cho thương mại, và nếu được khai thác hiệu quả, sẽ mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội cho Thành phố và các tổ chức, mô hình kinh doanh trên địa bàn.
Anh Lê