Số hóa kênh phân phối, hướng đi nào cho doanh nghiệp

13/06/2024 9:41 AM

(Chinhphu.vn) - Vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam là làm sao để số hóa kênh phân phối và sử dụng các nền tảng (platform).

Số hóa kênh phân phối, hướng đi nào cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Ông Shashi J, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Công nghệ Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, chia sẻ tại diễn đàn IIBF 2024. Ảnh: VGP/Đức Quỳnh

Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo với chủ đề: "Ứng dụng công nghệ thực chiến để tăng cường nội lực và tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt Nam" diễn ra ngày 12/6 tại TPHCM

Chọn giải pháp công nghệ phù hợp

Ông Shashi J, Phó Tổng Giám đốc dịch vụ tư vấn công nghệ Công ty Cổ phần tư vấn EY Việt Nam, cho rằng, hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới ngập tràn công nghệ, với hàng loạt công nghệ mới đưa ra hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Tuy nhiên, việc lựa chọn chính xác những giải pháp công nghệ phù hợp với từng doanh nghiệp (DN) rất quan trọng, và sẽ là chìa khóa quyết định thành công trong tương lai.

Ông Shashi J chia sẻ các yếu tố nền tảng mà các DN cần xác định rõ ràng trước khi quyết định việc đầu tư vào công nghệ. Theo đó, các DN cần phải xem xét liệu công nghệ mới có hỗ trợ DN nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường và khuyến khích văn hóa đổi mới không, bởi điều này quyết định đến việc giúp DN tăng doanh thu và thị phần.

Cùng với đó, DN cân nhắc liệu công nghệ có thể đơn giản hóa quy trình vận hành, giảm chi phí bằng cách tự động hóa các tác vụ và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực.

Điều hết sức quan trọng được ông Shashi J lưu ý đó là DN hướng tới xây dựng tương lai bền vững thông qua việc hợp nhất công nghệ với những chiến lược trọng tâm, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (ESG).

Ông Shashi J cho rằng, "ngày nay, sự đổi mới phải luôn đi kèm với cam kết về sự bền vững", đó là điều các DN Việt Nam phải lưu ý, bởi các DN Việt Nam vẫn còn một khoảng cách so với các quốc gia phát triển trong khu vực, đặc biệt là về các tiêu chuẩn phát triển bền vững (ESG), nhưng lại sở hữu một tiềm năng tăng trưởng đầy ấn tượng so với các nền kinh tế đang phát triển khác.

Số hóa kênh phân phối, hướng đi nào cho doanh nghiệp- Ảnh 2.

Ông Phạm Hồng Sơn, chuyên gia về thương mại điện tử và chuyển đổi số hệ thống phân phối (Unilever). Ảnh: VGP/Đức Quỳnh

Giúp tăng doanh thu, tiết giảm chi phí

Ông Phạm Hồng Sơn, chuyên gia về thương mại điện tử và chuyển đổi số hệ thống phân phối (Unilever), cho rằng, câu chuyện chuyển đổi số cuối cùng vẫn là câu chuyện gia tăng doanh số và tiết giảm chi phí.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, vấn đề của DN Việt Nam là làm sao để số hóa kênh phân phối và sử dụng các nền tảng (platform). Xu hướng thứ nhất bắt đầu khoảng 8 năm trước, các công ty tiên phong bắt đầu giới thiệu app cho salesman (nhân viên bán hàng), những app này đã bắt đầu số hóa kênh bán hàng sau 8 năm áp dụng. Hiện có khoảng 10-15% công ty sử dụng app này trong đó công ty thành công nhất 100% doanh số của salesman đã đi qua app này. Xu hướng thứ hai là app dùng cho người mua hàng, hiện khoảng 56% cửa hàng của Việt Nam đã biết dùng các app này.

Theo ông Sơn, DN có thể tự tạo ra app (platform – nền tảng) hoặc là tham gia vào các app đã có sẵn và thứ ba là kết hợp với các đối tác (partner) để xây dựng app cho mình.

Tuy nhiên, để phù hợp và mang lại hiệu quả tối ưu trong kinh doanh, theo ông Sơn, các DN Việt cần phải xác định rõ mục tiêu bán hàng ở kênh nào với chiến lược 4D: Define – Design – Develop – Deploy (xác định - thiết kế - phát triển - triển khai). DN phải quản lý được tất cả các kênh bán hàng, tránh xung đột giữa các kênh; xây dựng đề án kinh doanh, thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số và hiện thực hóa lợi ích kinh doanh. Cuối cùng DN cần lựa chọn thông minh trong việc tự tạo, tham gia hay kết hợp với đối tác để xây dựng app cho mình.

Theo nghiên cứu của Deloitte, thông qua việc ứng dụng phân tích dữ liệu vào chiến lược thương mại kỹ thuật số, các công ty tiêu dùng tại Đông Nam Á đang tìm cách tận dụng những cơ hội để đáp ứng tốt hơn những mong đợi của khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần tăng cường các công cụ phân tích thương mại, chẳng hạn như phân tích tiếp thị kỹ thuật số và định giá linh hoạt.

Cùng với đó, các công ty tiêu dùng cũng cần để tâm vào việc phát triển và áp dụng cách tiếp cận đa kênh (omnichannel) mà theo đó có thể tích hợp trải nghiệm khách hàng một cách liền mạch trên cả kênh trực tuyến và trực tiếp.

Anh Lê

Top