Sở Y tế khuyến cáo về việc lây lan bệnh hô hấp

10/02/2025 8:11 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 9/2, Sở Y tế TPHCM tiếp tục có khuyến cáo người dân và các cơ sở y tế tăng cường phòng, chống dịch cúm mùa trong bối cảnh thời tiết thuận lợi cho sự lây lan của các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp.

Sở Y tế khuyến cáo về việc lây lan bệnh hô hấp- Ảnh 1.

Tiêm vắc xin cúm hàng năm là cách an toàn, hiệu quả để phòng ngừa cúm

Sở Y tế TPHCM cho biết, trước tình hình dịch cúm mùa đang bùng phát tại một số quốc gia trên thế giới và số ca mắc có xu hướng gia tăng tại các tỉnh phía bắc, ngành y tế TPHCM đang giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế nguy cơ lây lan.

Theo Sở Y tế, năm 2024, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tại TPHCM ghi nhận khoảng 2.900 ca được chẩn đoán cúm trên lâm sàng, trong đó có 11 ca bệnh nặng, không có trường hợp tử vong. Hiện tại, có 20 bệnh nhân cúm đang điều trị nội trú tại các bệnh viện trên địa bàn. Đến nay, công tác tiếp nhận và điều trị bệnh nhân cúm vẫn diễn ra ổn định, chưa ghi nhận diễn biến bất thường.

Nhằm tăng cường phòng, chống dịch cúm mùa trong bối cảnh thời tiết thuận lợi cho sự lây lan của các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt.

Cụ thể, khuyến cáo người dân đến khám, điều trị hoặc liên hệ công tác tại các cơ sở y tế thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên bệnh viện; thực hiện nghiêm quy trình báo cáo các tình huống dịch bệnh khẩn cấp tại các cơ sở y tế; tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Sở cũng đã quán triệt Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh, Trung tâm Y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức giám sát chặt chẽ các trường hợp cúm và nghi ngờ viêm phổi nặng do virus theo hướng dẫn của Bộ Y. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị Phòng Y tế các quận, huyện triển khai đến các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn yêu cầu báo cáo các ca bệnh hoặc nghi ngờ viêm phổi do virus cúm về trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức nhằm kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Dấu hiệu của bệnh cúm mùa

- Sốt (trên 38 độ) kéo dài 2-3 ngày.

- Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi.

- Hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi.

- Ho (ho khan hoặc ho có đờm)

- Đau họng và sổ mũi: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt xì, đau tai, ngứa và khô cổ họng, ho.

- Ăn không ngon, mệt mỏi.

- Khả năng vị giác và khứu giác có thể bị giảm, khan giọng, nói như nghẹt mũi.

- Trường hợp nặng: Bệnh có thể diễn biến gây viêm phổi, suy hô hấp… và có thể dẫn đến tử vong.

Cơ chế lây bệnh

Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với virus từ người bệnh thông qua dịch tiết khi hắt hơi, sổ mũi trong thời gian từ 1 đến 7 ngày sau khi khởi phát bệnh.

Một số biện pháp phòng ngừa cúm

- Tiêm phòng vaccine là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm.

- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

- Nên tránh không gần người đang bị cảm cúm nhất là trong 3 ngày đầu vì lúc đó siêu virus dễ truyền nhiễm nhiều nhất.

- Phải uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh như: Kem, đá, nước lạnh.

- Thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi.

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

- Vứt bỏ khăn giấy đúng cách sau khi sử dụng.

- Cho trẻ ở nhà khi cảm thấy không khỏe.

- Tránh chạm vào mắt, mũi hay miệng.

- Uống nhiều sinh tố C được chứng minh là dùng để trị cảm cúm hay phòng ngừa cảm cúm.

- Tăng cường dinh dưỡng, ăn đầy đủ các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo, rau củ quả để bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất vừa giúp phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tăng cường hệ miễn dịch.

Ngọc Tấn

Top