Tái hiện cuộc đời và sự nghiệp danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
(Chinhphu.vn) - Triển lãm trưng bày những hình ảnh về quê hương, gia đình, cuộc đời của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu - Người thầy giáo đặc biệt, người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, nhà thơ lớn tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước nửa cuối thế kỷ 19.
Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (01/7/1822 - 01/7/2022), người được UNESCO vinh danh là Danh nhân Văn hóa trong năm 2021, ngày 7/6, trong khuôn khổ chuyến "Hành trình theo bước chân cụ Đồ Chiểu" qua các tỉnh Bến Tre, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, UBND TPHCM phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Triển lãm "Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu: Cuộc đời và sự nghiệp".
Tham dự buổi lễ có đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể TPHCM; đặc biệt là sự tham dự của đại diện họ tộc, hậu duệ cụ Đồ Chiểu; đại biểu ngành văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, giáo dục các địa phương nơi có địa điểm ghi dấu chân cụ đồ như tỉnh Bến Tre, Long An, Thừa Thiên Huế…
Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TPHCM cho biết, Triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Thành phố từ ngày 7/6 đến ngày 17/6/2022 với 95 hình ảnh và tư liệu.
Triển lãm trưng bày những hình ảnh về quê hương, gia đình, cuộc đời của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu - Người thầy giáo đặc biệt, người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, nhà thơ lớn tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước nửa cuối thế kỷ 19 cùng một số tác phẩm: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều Y thuật vấn đáp, Thơ văn yêu nước, Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Từ biệt cố nhân…
Đồng thời, giới thiệu các tác phẩm văn học-nghệ thuật sáng tác trên nền các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu như: Diễn xướng các tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu: Nói thơ Vân Tiên, Đờn ca tài tử, Sân khấu cải lương vở tuồng "Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga", vở nhạc kịch Tiên Nga, Phim điện ảnh Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên; các công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu và hoạt động kỷ niệm Ngày sinh Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu; các ngôi trường, đường phố… gắn liền với tên ông.
Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu xuất thân trong gia đình nhà Nho, là điển hình của tấm gương ý chí, nghị lực và niềm tin vào cuộc sống.
Tuy bị mù đôi mắt nhưng ông vẫn không ngừng học tập và truyền dạy kiến thức. Ông lắng nghe, tự học qua người thân, học thuộc lòng kiến thức y học, các sách vở thánh hiền. Với một người bị mù lòa, đó là một sự nỗ lực phi thường suốt mấy chục năm. Mở trường dạy học, thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu dạy bằng trí nhớ thông qua truyền khẩu. Nhiều học trò của cụ Đồ đã đỗ đạt, trong đó, có con gái của ông là bà Nguyễn Thị Khuê (bút hiệu Sương Nguyệt Anh) - nhà thơ nữ, chủ bút đầu tiên của tờ báo Nữ giới chung Việt Nam xuất bản năm 1918. Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh và ông Nguyễn Đình Chiêm là những nhân vật có đóng góp sâu sắc cho sự đổi mới văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu là người thầy thuốc mẫu mực, đức độ. Với ông, "y dân" cũng là "y quốc", có nghĩa vừa chữa bệnh cứu người đồng thời thay đổi đời sống của dân, vận mệnh của đất nước mà tác phẩm "Ngư Tiều Y thuật vấn đáp" của ông là một minh chứng nói lên tâm sự của mình đối với nghề y, thổ lộ tình yêu quê hương, đất nước.
Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu luôn gắn liền với vận mệnh của đất nước và nhân dân trong giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc. Những năm đầu chống Pháp với các cuộc khởi nghĩa của người dân yêu nước, với quan niệm sáng tác: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm; Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà", Nguyễn Đình Chiểu là ngọn cờ đầu của dòng văn học yêu nước Việt Nam thời cận đại.
Từ khi ra đời, các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần làm nên diện mạo riêng của thơ ca miền Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19. Bên cạnh những bài văn tế đậm chất bi tráng như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, những bài thơ Đường luật sâu lắng, truyện thơ của ông, tiêu biểu là Lục Vân Tiên, Dương Từ-Hà Mậu đã đi vào tâm thức của người dân Nam Bộ. Mỗi người dân nơi đây tìm thấy sự đồng điệu giữa mình và thế giới nhân vật trong văn thơ Đồ Chiểu từ vẻ đẹp tâm hồn thuần hậu, thủy chung đến cách nói mộc mạc. Và như một lẽ tự nhiên, "lối văn" ấy đã thấm sâu vào đời sống nhân dân qua nhiều hình thức biểu hiện văn hóa đó đến nay, không những ở Việt Nam mà còn trên thế giới tìm hiểu, ngưỡng mộ.
Hơn 20 năm cuối đời, ông lui về ẩn dật sống dạy học, làm thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác văn thơ, truyền dạy nghề y tại làng An Đức thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông mất năm 1888 tại đây. Tài năng, tiết tháo của Nguyễn Đình Chiểu đã làm nên sự nghiệp vẻ vang, lưu danh muôn thuở. Với những cống hiến trên, trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 diễn ra tại thủ đô Paris, Pháp, Tổ chức UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân Văn hóa và tham gia kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022.
Anh Thơ