Tăng cường hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

22/07/2023 7:33 AM

(Chinhphu.vn) - Trong năm 2023, TPHCM sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TPHCM có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL

Tăng cường hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL - Ảnh 1.

Hội nghị công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL - Ảnh: VGP/Nguyễn Như

Chiều 21/7, tại TP. Cần Thơ diễn ra Hội nghị công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 và giai đoạn 2024-2025. Hội nghị do UBND TPHCM phối hợp cùng UBND TP. Cần Thơ và UBND các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức.

Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường; cùng lãnh đạo các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, các tỉnh, thành phố sẽ thống nhất phối hợp trên bình diện TPHCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với cấp độ chính và bao trùm trên cơ sở dựa vào Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Song song với đó là Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nơi được xem là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là hai cơ sở chính trị, định hướng quan trọng để các tỉnh thành thiết kế chương trình phối hợp và triển khai.

Ngoài ra, TPHCM cũng có các nội dung phối hợp trực tiếp và song phương với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như là một phần cụ thể chi tiết hơn. Các nội dung trong Kế hoạch thỏa thuận hợp tác chỉ là khung mở để các địa phương có thể trao đổi, thảo luận và mở rộng cho phù hợp.

"Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các sở, ngành của TPHCM được giao chủ trì các nội dung sẽ phối hợp sát sao và nhận được sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Tăng cường hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi mong muốn các sở, ngành của TPHCM được giao chủ trì các nội dung sẽ phối hợp sát sao và nhận được sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL - Ảnh: VGP/Nguyễn Như

Theo kế hoạch, trong năm 2023, TPHCM sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TPHCM có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong các năm 2024-2025, các địa phương sẽ tập trung thực hiện 5 lĩnh vực gồm phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động. TPHCM đã phân công Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực theo dõi, thành lập các đầu mối cụ thể đối với 5 lĩnh vực nêu trên nhằm xây dựng, theo dõi kế hoạch sao cho hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, Cần Thơ xác định việc hợp tác phát triển với TPHCM là hướng đi cơ bản, đúng đắn, tạo động lực thúc đẩy phát triển phát triển, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và giữa các địa phương. Lãnh đạo TP. Cần Thơ sẽ chỉ đạo các đơn vị tích cực chủ động kết nối cùng các đơn vị của TPHCM cụ thể hóa các nội dung làm cơ sở để ký kết bổ sung các nội dung cần hợp tác trong thời gian tới.

Tăng cường hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường kỳ vọng, qua việc hợp tác, người dân vùng ĐBSCL sẽ tiếp cận được những kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại mà TPHCM đang có - Ảnh: VGP/Nguyễn Như

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường kỳ vọng, qua việc hợp tác, người dân vùng ĐBSCL sẽ tiếp cận được những kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại mà TPHCM đang có. Đẩy mạnh kết nối và phát triển các doanh nghiệp của các vùng, hỗ trợ tạo điều kiện các sản phẩm OCOP của vùng tiếp cận với các hệ thống, kênh phân phối hiện đại của TPHCM.

Đồng thời phối hợp nghiên cứu, đề xuất dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ, sớm đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình quan trọng này trong thời gian sớm nhất.

Anh Lê

Top