Tăng cường quản lý PCCC&CNCH tại cơ sở theo mô hình hành chính mới
(Chinhphu.vn) - Ngày 11/7, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật mới về công tác PCCC&CNCH tại Đội Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ khu vực 31. Đây là bước đi kịp thời nhằm thích ứng với mô hình tổ chức chính quyền mới, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng PCCC & CNCH Công an TPHCM quán triệt tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hữu Chung
Điều chỉnh tổ chức lực lượng theo mô hình mới
Mục tiêu chính của hội nghị là phổ biến các quy định pháp luật mới trong lĩnh vực PCCC&CNCH, đồng thời tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ các cơ sở thuộc diện quản lý theo Nghị định số 105/2025/NĐ-CP của Chính phủ, qua đó giúp xác định rõ vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã trong quản lý nhà nước về PCCC, đặc biệt với các cơ sở ngoài phạm vi quản lý của lực lượng chuyên trách cấp khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, , Phó Trưởng phòng PCCC&CNCH Công an TPHCM, cho biết: Kể từ 1/7/2025, hệ thống chính quyền địa phương sẽ tổ chức theo 2 cấp, các đơn vị cấp huyện không còn tồn tại, vì thế thay đổi về tổ chức lực lượng PCCC&CNCH.
Trước đây, toàn tỉnh Bình Dương có 9 đội PCCC cấp huyện và 4 đội thuộc Phòng PC07. Hiện nay, toàn bộ địa bàn được quy hoạch lại thành 4 đội khu vực. Riêng TPHCM hiện có tổng cộng 33 Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực. Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Khu vực 31 sẽ phụ trách toàn bộ 13 xã, phường cũ của huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng và TP. Bến Cát (tỉnh Bình Dương cũ) – một khối lượng công việc lớn đòi hỏi phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng chuyên trách.

Hội nghị quán triệt việc phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TPHCM với Công an và UBND cấp xã, nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC&CNCH theo đúng mô hình tổ chức hành chính mới - Ảnh: VGP/Hữu Chung
Quy định mới, cách tiếp cận mới
Chia sẻ tại hội nghị, Đại úy Nguyễn Thanh Phong, Phó Trưởng Công an phường Tây Nam phản ánh khó khăn lớn hiện nay là thiếu nhân lực có chuyên môn PCCC ở cấp xã, phường. "Tại phường Tây Nam có 31 cán bộ, chia thành 5 tổ. Tuy nhiên, tổ cảnh sát trật tự chỉ có 4 đồng chí, đều không có nền tảng về PCCC, do vậy phải tự nghiên cứu từ đầu. Đây là thách thức lớn trong giai đoạn đầu thực hiện nhiệm vụ mới", ông Phong cho biết.
Chung nhận định, Thượng tá Nguyễn Minh Tấn, Trưởng Công an phường Thới Hòa, cũng bày tỏ mong muốn được Đội CC&CNCH Khu vực 31 hỗ trợ chặt chẽ hơn trong giai đoạn đầu, nhất là trong quá trình xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra thực tế tại địa phương.
Tại hội nghị, đại diện Đội CC&CNCH Khu vực 31 đã phổ biến các văn bản pháp luật quan trọng đến các đại biểu như: Luật PCCC&CNCH; Nghị định 105/2025/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 36/2025/TT-BCA và Thông tư số 88/2024/TT-BCA của Bộ Công an. Đồng thời, triển khai nhiệm vụ cụ thể về rà soát, kiểm tra, lập hồ sơ quản lý và hướng dẫn xử lý sự cố theo quy trình mới.
Kết luận hội nghị, Thượng tá Nguyễn Văn Tùng yêu cầu Đội Khu vực 31 tiếp tục duy trì phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Công an và UBND cấp xã, nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC&CNCH theo đúng mô hình tổ chức hành chính mới trên địa bàn khu vực được giao.
Lê Anh – Hữu Chung