Tăng cường ứng dụng TMĐT trong vận hành chuỗi cung ứng bình ổn thị trường
(Chinhphu.vn) - Các doanh nghiệp (DN) cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường; tạo mối liên kết chặt chẽ, phát huy khai thác thế mạnh và tiềm năng của từng DN.
Sáng 29/12, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2002 – 2022, định hướng giai đoạn 2022 – 2032 trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, thành phố bắt đầu triển khai Chương trình bình ổn giá từ Tết Nhâm Ngọ 2002, với số vốn bình ổn 45 tỷ đồng với mục tiêu dự trữ các mặt hàng thiết yếu, cung ứng cho thị trường thành phố, hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa, biến động giá trong những ngày giáp Tết, cận Tết Nguyên đán.
Công cụ điều tiết giá hiệu quả
Từ giai đoạn 2005 – 2010, Chương trình xác định mặt hàng thiết yếu, xây dựng cơ chế thực hiện. Qua kinh nghiệm thực hiện Chương trình các năm trước và dựa trên nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết, Chương trình xác định nhóm mặt hàng thực phẩm thiết yếu, gồm 08 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu: gạo - nếp, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, đường và rau củ quả để thực hiện bình ổn thị trường.
Vào giai đoạn 2010-2020, Chương trình phát triển về quy mô, triển khai xuyên suốt cả năm, Chương trình huy động tất cả các thành phần kinh tế đồng hành tham gia thực hiện bình ổn thị trường, không phân biệt thành phần kinh tế. Nguồn vốn thực hiện Chương trình hoàn toàn xã hội hóa ( tùa năm 2013 trở đi) thông qua kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021, khi TPHCM đối diện với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, giai đoạn này, các DN bình ổn thị trường đã chủ động, sáng tạo, kịp thời ứng phó tình hình mới, phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất cao, khẳng định được vai trò dẫn dắt thị trường; góp phần cùng Thành phố giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, duy trì các chuỗi cung ứng trong giai đoạn này.
Từ giai đoạn từ năm 2021 đến nay, chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) trên địa bàn thành phố tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử, kết nối cung cầu hàng hóa; đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương TPHCM trong giai đoạn tới, bên cạnh các chính sách vĩ mô, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; CTBOTT sẽ xây dựng quy chế thực hiện như: hình thành cơ chế liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp phân phối hàng bình ổn thị trường theo hướng nâng cao trách nhiệm phân phối sản phẩm bình ổn thị trường, tăng hiệu quả bán hàng, giảm chi phí phân phối hàng bình ổn thị trường. Thay đổi cơ bản quy ước về giá bán bình ổn thị trường, đảm bảo giá bình ổn thị trường được hình thành hợp lý, trên cơ sở tổng hợp đầy đủ dữ liệu thị trường, có sự đồng thuận của doanh nghiệp và đảm bảo khả năng dẫn dắt thị trường.
Hình thành các chuỗi liên kết bền chặt hơn
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, CTBOTT là một cách tiếp cận đúng đắn, có tính hiệu quả của lãnh đạo Thành phố các thời kỳ. Quá trình triển khai Chương trình luôn được cập nhật một cách sáng tạo của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, mang đến sự nhận diện gần gũi đối với người tiêu dùng Thành phố.
Chương trình đã có những tác động xã hội quan trọng, góp phần tạo kênh mua sắm hàng hóa thiết yếu từ nhóm mặt hàng đầu tiên là lương thực thực phẩm đến mở rộng các nhóm mặt hàng phục vụ mùa tựu trường, sữa, y tế và linh hoạt điều chỉnh, cập nhật Chương trình trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phát sinh. Quá trình triển khai Chương trình từ cách tiếp cận ban đầu là "bình ổn giá" đến "bình ổn thị trường" là sự thay đổi trong tư duy tiếp cận đầy sáng tạo.
"Cuối cùng, chương trình đã hình thành được mạng lưới liên kết giữa TPHCM với các tỉnh, thành trên cả nước, tạo vùng nguyên liệu ổn định từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi thời điểm" ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Bên cạnh những mặt tích cực, theo đánh giá của UBND TPHCM, chương trình vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất của DN được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng chưa tạo được bước ngoặt về năng suất, chưa hình thành nhiều chuỗi cung ứng, chưa liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - lưu thông - phân phối - tiêu dùng. Hệ thống nhận diện thương hiệu của chương trình chưa thật sự gần gũi, quen thuộc đối với người tiêu dùng…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã biểu dương những thành công của TPHCM trong việc triển khai thực hiện CTBOTT. Từ sự nỗ lực, quyết tâm của thành phố, Chương trình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ổn định giá cả hàng hoá nhờ triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa. Qua đó góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát; chỉ số CPI của Thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị, trong ngắn hạn các DN cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường; hỗ trợ lẫn nhau nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ, phát huy khai thác thế mạnh và tiềm năng của từng doanh nghiệp.
Trong dài hạn, cần tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, giá cả, kịp thời kiến nghị biện pháp xử lý cụ thể. Tăng cường phát huy các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết dọc (liên kết thành một chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của một hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hóa) và liên kết ngang (giữa những doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh về một hoặc một nhóm hàng hóa) giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ…
Lê Anh