Tạo kết nối, tăng giá trị cho cà phê Việt

04/03/2023 8:03 PM

(Chinhphu.vn) - Trong nhiều năm qua, cà phê luôn là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, hiện đứng thứ 2 cả nước về diện tích với 710.000 ha. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê.

Tạo kết nối, tăng giá trị cho cà phê Việt - Ảnh 1.

Chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" diễn ra trong 2 ngày 4-5/3 tại Trung tâm thương mại Gigamall (TP. Thủ Đức, TPHCM) - Ảnh: VGP/Lê Anh

Chiều ngày 4/3, chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" lần 1 do Báo Người Lao Động tổ chức đã chính thức khai mạc tại Trung tâm thương mại Gigamall (TP. Thủ Đức, TPHCM) nhằm kết nối những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê với nhau và chung tay nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cũng như kiến tạo vị thế quốc tế cho ngành cà phê Việt Nam.

Chương trình "Tôn vinh cà phê Việt", lần I - năm 2023 ngoài các gian hàng giới thiệu các thương hiệu cà phê còn có những hoạt động phong phú, thiết thực, với nhiều hợp phần, như: Hội thảo "tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?" với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đồng chủ trì, cùng đại diện lãnh đạo một số bộ - ngành hữu quan, Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, cùng một số hiệp hội nông sản, các địa phương có thế mạnh về cà phê, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến và xuất khẩu cà phê, chuyên gia thức uống…

Cũng trong khuôn khổ chương trình, với Coffee Talk diễn ra sáng ngày 5/3, các chuyên gia sẽ chia sẻ với các bạn trẻ những kinh nghiệm quý về khởi sự kinh doanh, về lý tưởng sống, quản trị tài chính, bí quyết phát triển chuỗi cà phê, về sự thú vị của cà phê và văn hóa cà phê...

Tại Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu, cà phê Arabica du nhập khoảng giữa thế kỷ XIX. Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp đưa cà phê Robusta sang Việt Nam trồng. Tính đến nay, người Việt đã biết đến và thưởng thức cà phê được hơn 160 năm.

Tạo kết nối, tăng giá trị cho cà phê Việt - Ảnh 2.

Một gian hàng tham gia Chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" - Ảnh: VGP/Lê Anh

Trải qua khoảng thời gian dài như thế, cây cà phê - hạt cà phê - ly cà phê đã khẳng định chỗ đứng vững chãi tại Việt Nam. Các quán cà phê, chuỗi cà phê mọc lên khắp nơi với nhiều phong cách khác nhau, từ thành thị tới nông thôn với cung cách phục vụ và thưởng thức đa dạng, mang đậm đặc trưng từng vùng miền và từng thương hiệu doanh nghiệp…

Trong nhiều năm qua, cà phê luôn là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, hiện đứng thứ 2 cả nước về diện tích với 710.000 ha, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, đạt hơn 4 tỉ USD, tăng 32% so với năm trước, chủ yếu đến từ lợi thế về giá trong bối cảnh thế giới thiếu hụt nguồn cung cà phê.

Lê Anh

Top