Tập trung liên thông dữ liệu, làm sạch dữ liệu để thực hiện Đề án 06

26/06/2023 7:57 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 26/6, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị sợ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06). Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 Thành phố chủ trì Hội nghị.

Tập trung liên thông dữ liệu, làm sạch dữ liệu để thực hiện Đề án 06 - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TPHCM phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, TPHCM đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ này. Trong triển khai Đề án 06, việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia là một trong những điều mà Thành phố hết sức kỳ vọng.

Ông Đức cũng hy vọng qua việc triển khai đề án này tại TPHCM sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ của Đề án xây dựng đô thị thông minh và Đề án chuyển đổi số Thành phố ngày một hiệu quả.

Từ đó, Phó Ban Chỉ đạo thực hiện đề án đề nghị các địa phương, sở, ngành liên quan tuân thủ 3 nguyên tắc.

Thứ nhất là cần chủ động trong thực hiện. Phải xác định rõ những nội dung, vấn đề thuộc trách nhiệm của địa phương, sở, ngành mình để giải quyết đến nơi đến chốn. Xác định rõ những vấn đề vượt thẩm quyền để đưa ra đề xuất, kiến nghị thật sát, kịp thời, cụ thể để Trung ương, cấp trên hỗ trợ giải quyết.

Nguyên tắc thứ 2, theo ông Đức, là phải biết phân chia từng công việc một, thu gọn lại các đầu mối công việc, nếu không thì sẽ mất sức vì một loạt công việc dở dang, không dứt điểm được.

Nguyên tắc thứ 3 là không ngừng hoàn thiện. Phải rà soát lại xem có thể làm tốt hơn được hay không, lấy mục đích phục vụ người dân là quan trọng.

Dựa trên 3 nguyên tắc này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các địa phương, sở, ngành tập trung vào vấn đề dữ liệu và liên thông dữ liệu – vấn đề quan trọng nhất trong thực hiện Đề án 06.

Ngoài ra, Thành phố cần sớm hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và chia sẻ dữ liệu ở cấp độ Thành phố. Phải đặt mục tiêu 6 tháng cuối năm 2023 hoàn thành tốt công việc này.

Tập trung liên thông dữ liệu, làm sạch dữ liệu để thực hiện Đề án 06 - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Bên cạnh đó, cần đảm bảo hạ tầng, trang thiết bị cho triển khai Đề án 06. Các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, đặc biệt là cấp cơ sở phải chủ động đề xuất về trang thiết bị. Sở TT&TT phải bám sát, nắm vững tình hình và kịp thời có những đề xuất, có những hướng giải quyết kịp thời, tránh cứng nhắc khiến cho việc điều kiện để thực hiện các nội dung của Đề án bị vướng do thiếu trang thiết bị.

Ông Đức cũng yêu cầu Công an TPHCM và Sở TT&TT phải sớm xây dựng kế hoạch tập huấn, củng cố năng lực đội ngũ cho việc thực hiện Đề án 06 ở cấp cơ sở. Việc này rất quan trọng vì nếu nguồn lực không đảm bảo thì chất lượng thực hiện nội dung Đề án 06 sẽ khó đạt được như yêu cầu.

Cuối cùng, theo ông Đức, vai trò của người đứng đầu của các địa phương, các sở, ngành rất quan trọng. Người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải trực tiếp vào cuộc để giải quyết các vấn đề vướng mắc.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án nhấn mạnh lại một lần nữa,đây là công việc không phải chỉ của ngành công an, của ngành TT&TT mà một việc rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Vì vậy, ông Mãi đề nghị các giám đốc sở, ngành phải trực tiếp chỉ đạo công việc này. Các chủ tịch UBND quận, huyện, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải sát sao và kịp thời báo cáo cấp ủy để lãnh đạo công tác này, triển khai đồng bộ, khẩn trương.

Ông Mãi nhìn nhận, nếu trong giai đoạn này triển khai Đề án mà không có sự tập trung, không có kết quả cụ thể thì sẽ không tạo được lòng tin trong cán bộ, trong nhân dân, từ đó việc triển khai đề án này về sau sẽ rất khó.

Từ đó, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục đa dạng hình thức truyền thông, truyền thông trong nội bộ để từ lãnh đạo đến cán bộ công chức quán triệt, thống nhất, thực hiện; truyền thông để người dân biết và tham gia làm.

Ngoài nhiệm vụ về liên thông dữ liệu, làm sạch dữ liệu như ông Dương Anh Đức đã đề cập, ông Phan Văn Mãi đề nghị triển khai các điều kiện về cơ sở vật chất, về hạ tầng để đảm bảo kỹ thuật cũng như tiến độ.

Bên cạnh đó, đề nghị Sở Tư pháp hoàn thiện 2 dịch vụ về khai sinh và khai tử trong 6 tháng cuối năm. Phải lấy sự tiện lợi, tự nguyện tham gia, hài lòng khi sử dụng của người dân làm thước đó để phục vụ.

Tập trung liên thông dữ liệu, làm sạch dữ liệu để thực hiện Đề án 06 - Ảnh 3.

Thượng tá Nguyễn Minh Thơ, Phó Trưởng phòng PC06, Công an TPHCM báo cái tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

TPHCM triển khai 1.542 dịch vụ công trực tuyến

Báo cáo tại hội nghị, Thượng tá Nguyễn Minh Thơ, Phó Trưởng phòng PC06, Công an TPHCM cho biết, về kết quả thực hiện nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến, sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố đã hoạt động ổn định; số lượng công dân lập hồ sơ trên cổng DVC ngày càng tăng về số lượng, nhận được sự ủng hộ của đông đảo cá nhân và tổ chức.

Tính đến ngày 1/6/2023, Thành phố đã triển khai 1.542 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, DVC trực tuyến mức độ 3, 4 là 433 DVC. Số lượng hồ sơ đã xử lý tính đến nay là 181.177 hồ sơ được giải quyết trên Cổng DVC TP.

Về rà soát, chuẩn hóa quy trình TTHC, công bố, công khai TTHC trên Cổng DVC, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên cơ sở dự thảo của các sở, ban, ngành xây dựng, Văn phòng UBND TPHCM đã thẩm định 326 TTHC các lĩnh vực và 476 quy trình nội bộ TTHC; phối hợp với đơn vị hoàn chỉnh trình Chủ tịch UBND Thành phố ban hành 26 quyết định công bố 238 TTHC và 16 quyết định phê duyệt 131 quy trình nội bộ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Các quy trình nội bộ được phê duyệt đều đã thực hiện việc tái cấu trúc quy trình, theo đó giảm được 200 giờ làm việc do bỏ bớt bước trung gian; 100% TTHC đã được cập nhật cơ sở dữ liệu và công khai trên Cổng DVC quốc gia.

Tính đến nay, tổng số TTHC của Thành phố là 1.809, trong đó 1.475 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, 224 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, 128 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã; số quy trình nội bộ đã được phê duyệt là 1.591 quy trình.

Bên cạnh đó, Văn phòng UBND Thành phố đã cung cấp 714 tài khoản giám sát thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia cho các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn thực hiện việc giám sát thanh toán trực tuyến trên Hệ thống; đang thực hiện việc cung cấp tài khoản thực hiện dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVC quốc gia cho các đơn vị để thực hiện thủ tục chứng thực điện tử.

Anh Thơ

Top