Tập trung quyết liệt các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công
(Chinhphu.vn) - Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố chậm so với bình quân của nước, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành liên quan tập trung quyết liệt các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời chuẩn bị kỹ kế hoạch đầu tư công cho năm 2023.
Sáng 4/8, tại Phiên họp của UBND TPHCM về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7, 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 8 năm 2022, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM cho biết, đến cuối tháng 7, tổng số vốn đầu tư công mà Thành phố đã giải ngân là 8.467,788 tỷ đồng, đạt 26% tổng kế hoạch vốn giao (31.943,65 tỷ đồng).
Theo bà Mai, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa đạt kỳ vọng do nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và xung đột quân sự, chính trị trên thế giới dẫn đến các yếu tố đến từ bên ngoài như giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao; việc huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, lao động chất lượng cao, máy móc thiết bị phục vụ thi công bị gián đoạn trong những tháng đầu năm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố cho biết, giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố chậm so với bình quân cả nước (31%), rơi vào các dự án có bố trí vốn lớn, trên 200 tỷ đồng nhưng giải ngân đạt thấp, chỉ 10%, chủ yếu là do Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố quản lý.
Ông Hải lấy ví dụ: Việc xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, được bố trí mới 1.000 tỷ đồng nhưng do trục trặc hồ sơ nên đến nay công trình vẫn chưa giải ngân được. Thậm chí, công trình đã được nghiệm thu, hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 3 năm nay.
Hay như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên-Bình Chánh trị giá 277; công trình xây dựng trung tâm triển lãm quy hoạch Thành phố trị giá 350 tỷ cũng chưa giải ngân được...
Ngoài ra, các công trình như hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, được bố trí vốn 200 tỷ đồng, mới giải ngân được 9,3 tỷ đồng, chỉ đạt 5%...; dự án vệ sinh môi trường Thành phố giai đoạn 2 được bố trí 1.990 tỷ đồng, mới giải ngân được 43 tỷ đồng, đạt 4%...
Người đứng đầu Kho bạc Thành phố cho hay, hằng tháng và hằng quý, đơn vị đều có văn bản gửi các chủ đầu tư đôn đốc việc gửi hồ sơ pháp lý ban đầu, gửi hồ sơ nghiệm thu thanh toán từng lần nhưng đến nay các văn bản gửi đi thì nhiều nhưng hồ sơ gửi đến Kho bạc Thành phố thì rất ít.
Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cho rằng, trong các báo cáo trước đây, khi nói về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công thì Thành phố đều cho rằng do chậm trễ trong công tác thẩm định giá bồi thường. Thấy được trách nhiệm này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết thẩm định giá và có thể khẳng định đến nay, Sở đã giải quyết dứt điểm tất cả các hồ sơ thẩm định giá mà quận, huyện chuyển về. Bảy tháng đầu năm, Thành phố thông qua được 52 dự án thẩm định giá bồi thường và không còn hồ sơ tồn đọng.
"Vậy chậm trễ ở khâu nào? Qua rà soát, Sở nhận thấy nổi lên ách tắc ở cấp quận, huyện. Thậm chí, Sở phải tự rà soát các dự án đầu tư công ở quận, huyện để lập danh mục, chuyển về quận, huyện và nhắc nhở khẩn trương chuyển hồ sơ thẩm định giá để Sở trình HĐND Thành phố", ông Bảy cho biết.
Theo ông, việc chậm trễ này có nhiều lý do, đó là việc hoàn thiện pháp lý dự án chậm; quận, huyện thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá nhưng chất lượng thẩm định giá không đồng đều và việc thuê rất khó do các đơn vị này rất ngại tham gia thẩm định giá các dự án bồi thường do thù lao không nhiều mà trách nhiệm rất lớn...
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính tham mưu và cùng với các sở, ngành chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công 2023, kế hoạch ngân sách cho năm 2023; tập trung quyết liệt mọi giải pháp để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.
"Thành phố đã thành lập tổ giải phóng mặt bằng để gỡ vướng cho việc giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công. Sau buổi làm việc này, UBND Thành phố tiếp tục họp để rà soát các dự án. Cách đây 3 tháng, mỗi tháng chúng ta đều có giao ban về các dự án đầu tư công nhưng chưa có kết quả rõ rệt", người đứng đầu chính quyền Thành phố bày tỏ.
Ông Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh 5 nhiệm vụ chủ yếu trong tháng 8 và những tháng còn lại của năm 2022, đó là: Tập trung kiểm soát dịch bệnh; Cụ thể hóa việc triển khai các nghị quyết của Trung ương và các nghị quyết mà HĐND Thành phố vừa ban hành; chuẩn bị kế hoạch kinh tế-xã hội cho năm 2023 để báo cáo Trung ương; hoàn thiện công tác tham mưu tổng kết Nghị quết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; và tập trung hơn nữa cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương.
Anh Thơ