Tháng 1, doanh thu từ du lịch Thành phố tăng 57% so với cùng kỳ
(Chinhphu.vn) - Thông tin này được Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM tháng 1 và triển khai nhiệm vụ tháng 2, diễn ra sáng 1/2.
Theo bà Hoa, trong tháng 1, ngành du lịch Thành phố ghi nhận sự phục hồi của các chỉ số. Trong đó, số lượng khách quốc tế, khách nội địa, doanh thu toàn ngành đều tăng.
Cụ thể, doanh thu toàn ngành đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 57% cùng kỳ và bằng 20% của cả nước. Số liệu này còn được tính toán dựa trên kết quả điều tra, khảo sát độ dài lưu trú và mức chi tiêu của du khách.
Qua khảo sát các cơ sở lưu trú, Sở Du lịch Thành phố nhận thấy các tín hiệu khả quan, doanh thu trong đợt cao điểm Tết vẫn tăng. Tuy nhiên, các chỉ số của ngành du lịch trong quý I/2024 và các tháng sau có thể không tăng cao như tháng 1 vừa qua.
Nguyên nhân của việc này, theo bà Hoa, là do doanh số đặt hàng tại các khách sạn chủ yếu đến từ hội nghị tổng kết, mức chi tiêu của các doanh nghiệp cũng có chiều hướng giảm so với mọi năm. Ảnh hưởng của kinh tế, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng ảnh hưởng phần nào đến việc chi tiêu cho dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn.
Qua điều tra chi tiêu của du khách, độ dài thời gian lưu trú, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, các số liệu đã tăng so với thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019). Trong đó, khách quốc tế lưu trú tại TPHCM bình quân 4,8 ngày (năm 2019 là 4,3 ngày).
Trong tổng số du khách đến TPHCM, có 55% là khách tới lần đầu, 25% du khách sẽ quay lại lần 2 và khoảng 19% du khách sẽ quay lại TPHCM lần thứ 3.
Về mức độ chi tiêu, khách quốc tế tại TPHCM sẽ chi khoảng 4,7 triệu đồng/ngày (năm 2019 là 3,89 triệu đồng); khách nội địa chi khoảng 2,08 triệu đồng/ngày (năm 2019 là khoảng 1,7 triệu đồng).
Giám đốc Sở Du lịch Thành phố nhận định, dù ngành du lịch vẫn có tín hiệu tăng trưởng tốt nhưng thời gian tới, cần các giải pháp linh hoạt, phù hợp để kích cầu, ngăn ngừa chiều hướng đi ngang.
Về vấn đề an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố cho biết, Sở đã lập 11 đoàn kiểm tra chuyên ngành và phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện tập trung vào những mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, cũng như chuẩn bị ứng phó với những vấn đề có thể xảy ra ở các lễ hội để người dân được an toàn khi sử dụng thực phẩm.
Bà Lan nhìn nhận, có một thực trạng hết sức lo ngại hiện nay, đó là việc buôn bán thực phẩm bất hợp pháp trên vỉa hè, lòng lề đường có thể dẫn đến những nguy cơ lớn. Vì vậy, đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ, tận gốc. Bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, cần có ý thức và đồng thuận của người dân để ủng hộ cho những sản phẩm hợp pháp, bảo đảm an toàn thực phẩm và giữ sức khỏe.
Cũng theo bà Lan, do Thành phố tập trung nhiều lễ hội nên Sở cũng sẽ tăng cường để bảo đảm tất cả lễ hội đều có kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, tư cách pháp nhân, nguồn gốc thực phẩm để các lễ hội diễn ra an toàn.
"Đến giờ phút này, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm chưa xảy ra sự việc gì nhưng chúng tôi vẫn sẽ đề cao cảnh giác", Giám đốc Sở An toàn thực phẩm nói.
Anh Thơ