Thành phố đầu tư mở rộng 4 dự án hạ tầng theo hợp đồng BOT

20/02/2025 3:05 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 20/2, tại kỳ họp kỳ thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TPHCM khóa X, UBND TPHCM đã có các tờ trình quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng 4 dự án BOT theo Nghị quyết 98/2023/QH15.

Thành phố đầu tư mở rộng 4 dự án hạ tầng theo hợp đồng BOT- Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 21 HĐND TPHCM khóa X - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Bốn dự án bao gồm:

Dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành). Mục tiêu của dự án là nhằm tạo tuyến đường giao thông nhanh, ít gián đoạn kết nối Khu trung tâm hiện hữu với khu đô thị mới Nam Sài gòn, khu đô thị - cảng Hiệp Phước; hình thành trục giao thông hướng tâm kết nối tuyến đường Vành đai 2 với cao tốc Bến Lức - Long Thành (vành đai 3) và sau này là Vành đai 4.

Dự án nằm trên địa phận Quận 7 và huyện Nhà Bè. Chiều dài tuyến khoảng 8,6 km. Đầu tư hoàn chỉnh mặt cắt ngang rộng 60 m, quy mô 10 làn xe, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp quy định. Dự án được chia làm 2 thành phần để thực hiện. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.894 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Thành phố khoảng 4.680 tỷ đồng (chiếm 47% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay). Đối với phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.214 tỷ đồng (bao gồm lãi vay khoảng 531 tỷ đồng), trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư tối thiểu 703 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức thức đối tác công-tư. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025-2028.

Thứ hai là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An). Dự án nằm trên địa phận quận Bình Tân, huyện Bình Chánh với chiều dài khoảng 9,62 km, được chia làm 3 thành phần. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 16.285 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay 802 tỷ đồng trong thời gian xây dựng), trong đó ngân sách Thành phố khoảng 9.611 tỷ đồng (chiếm 59% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay). Phần vốn của doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 6.674 tỷ đồng (bao gồm lãi vay khoảng 802 tỷ đồng), trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư tối thiểu 1.001 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước. Thành phố dự kiến sẽ thực hiện dự án này từ năm 2025-2028.

Thứ ba là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3). Dự án có chiều dài khoảng 8,03 km, nằm trên địa phận Quận 12, Huyện Hóc Môn, được chia làm 3 thành phần. Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 10.424 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay 436 tỷ đồng trong thời gian xây dựng). Trong đó, nguồn vốn ngân sách Thành phố khoảng 6.234 tỷ đồng (chiếm 59,8% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay); phần vốn Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 4.190 tỷ đồng; trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư khoảng 628,5 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án. Thành phố dự kiến thực hiện dự án từ năm 2025-2028.

Thứ tư là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương). Dự án nằm trên địa phận TP. Thủ Đức, với diện tích sử dụng đất khoảng 39,54 ha. Dự án được chia làm 2 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.900 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Thành phố khoảng 14.619,33 tỷ đồng (chiếm 69,95% tổng mức đầu tư); nhà đầu tư tham gia dự án chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 6.281 tỷ đồng; trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu 942,23 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án. Thành phố dự kiến thực hiện dự án từ năm 2025-2028.

Vũ Phong

Top