Thảo Cầm Viên Sài Gòn được khen do nhân giống thành công hổ Bengal

19/08/2015 9:11 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 18/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã có văn bản ghi nhận và biểu dương nỗ lực của cán bộ, lãnh đạo, nhân viên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, do chăm sóc, nuôi dưỡng và nhân giống thành công hổ Bengal, là động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Một hổ con Bengal được nhân giống tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ảnh Internet

Theo đó, Thảo Cầm Viên Sài Gòn vừa nhân giống thành công cặp hổ Bengal trắng sinh được 3 hổ con. Đây là làn đầu tiên tại Việt Nam, loài hổ trắng Bengal được sinh sản thành công trong điều kiện nuôi nhốt. Đặc biệt, Việt Nam không phải là khu vực mà hổ trắng phân bố tự nhiên nên việc phối giống thành công càng mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn loài hổ quý hiếm này.

Từ việc phối giống thành công giống hổ trắng Bengal, hổ Đông Dương, trĩ sao, vượn má vàng, vọc xám, hươu vàng,… Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm đã chỉ đạo Thảo Cầm Viên Sài Gòn tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, tăng cường học hỏi, hợp tác quốc tế, để tạo bước đột phá trong khoa học kỹ thuật về nhân giống và bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm.

Ông Liêm cũng đề nghị Sở Văn hóa – Thể Thao và Sở Du lịch TPHCM chuẩn bị chu đáo các hoạt động kỷ niệm 150 năm thành lập Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào tháng 12/2015. Theo ông Liêm, đây là sự kiện ý nghĩa, đánh dấu sự phát triển của một trong số ít thảo cầm viên có lịch sử lâu đời ở khu vực châu Á và thế giới.

Trước đó, ngày 12/8, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã đến thăm và khen thưởng Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn về thành tích lai tạo giống thành công loài hổ trắng Bengal.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho rằng, đây là thành công lớn, đồng thời cũng là thông điệp của Thành phố gửi đến thế giới và các tỉnh thành khác rằng chúng ta luôn bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là động thực vật quý hiếm. Ông Quân yêu cầu đơn vị quản lý Thảo Cầm Viên sớm lập hồ sơ liên quan đến việc nhân giống hổ trắng để trình lên Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn nhằm bảo vệ công trình nghiên cứu.

* Hổ trắng là loài quý hiếm, phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, Mayanmar, Bangladesh và đang có nguy cơ tiệt chủng cao. Hiện trên thế giới còn khoảng 3.200 hổ trắng, chủ yếu được nuôi trong các vườn thú.

Năm 2009, cặp hổ bố và hổ mẹ khoảng 2 tuổi có nguồn gốc từ vườn thú Elmvale (Canada) được Thảo Cầm Viên đưa về thuần dưỡng và được đặt tên là Lem (cọp đực) và Luốc (cọp cái). Sau một thời gian phối giống, đến nay đã đạt kết quả.

Được biết, Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng đã nhân giống thành công cùng lúc 5 hổ Đông Dương (có lông màu vàng, vằn đen). Hiện, số hổ này đã được đưa về nuôi dưỡng tại công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi).

Phương Dy

Top