Tháo gỡ vướng mắc cho TPHCM với phương châm 'tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó'

05/10/2024 6:43 PM

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại buổi làm việc giữa đoàn công tác Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, ngày 5/10, tại TPHCM.

Tháo gỡ vướng mắc cho TPHCM với phương châm 'tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó'- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận cuộc làm việc - Ảnh: SGGP

Dự buổi làm việc, về phía TPHCM có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao cách làm mới, quyết tâm mới của TPHCM, đồng thời ghi nhận sự phát triển của Thành phố theo hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, dù trong 9 tháng qua, kinh tế-xã hội thành phố vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, song chưa đột phá. Tăng trưởng 9 tháng chỉ đạt 6,8%; nếu muốn năm 2024 đạt được 7,5% thì trong quý 4, thành phố phải tăng trưởng trên 9%.

Đề cập đến vấn đề thu ngân sách, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ nếu thu ngân sách của Thành phố đạt chỉ tiêu năm 2024 sẽ góp phần bảo đảm cân đối chi của cả nước. Điều này đòi hỏi quyết tâm lớn của Thành phố.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách cho Thành phố theo phương châm "tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó," thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 là "tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, hoàn thiện đồng bộ và đột phá mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội".

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thành phố quan tâm đến năng lực cạnh tranh quốc tế; năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ TPHCM, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, bầu cử Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Liên quan đến tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Thành phố phải "mổ xẻ" nguyên nhân vì sao 9 tháng qua mới đạt 20,2%, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó tính toán để giải ngân, xem hệ thống có quyết liệt, quyết tâm, quyết làm hay không.

Đánh giá cao 3 đề xuất của thành phố về Trung tâm tài chính quốc tế, Đường sắt đô thị, Đường Vành đai 4, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đề xuất với Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tháo gỡ vướng mắc cho TPHCM với phương châm 'tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó'- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tóm tắt các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội và một số đề xuất, kiến nghị - Ảnh: SGGP

Kiến nghị Quốc hội các cơ chế đặc thù để thực hiện một số dự án lớn

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tóm tắt các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội và một số đề xuất, kiến nghị.

Theo đó, TPHCM chuẩn bị trình Quốc hội dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM; đề án Đường sắt đô thị TPHCM và đề án Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM.

Về dự án đường Vành đai 4, ông Mãi cho biết dự án có quy mô khoảng 206,72 km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dài khoảng 18,23 km; qua tỉnh Đồng Nai khoảng 46,08 km; qua tỉnh Bình Dương khoảng 47,41 km; qua TPHCM khoảng 16,70 km; qua tỉnh Long An khoảng 78,3 km.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 136.593,45 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách Trung ương 42.000,96 tỷ đồng (30,86%); vốn ngân sách địa phương: 33.584,37 tỷ đồng (24,66%); vốn BOT: 60.571,12 tỷ đồng (44,48%);

Còn đề án đường sắt đô thị TPHCM xác định thực hiện khoảng 183 km đến năm 2035 và tiếp tục đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Để thực hiện dự án, giai đoạn đến năm 2035, cần số vốn khoảng 835.738 tỷ đồng (tương đương 34,84 tỷ USD); giai đoạn 2036 đến 2045, cần khoảng 627.620 tỷ đồng (khoảng 26,17 tỷ USD). Còn giai đoạn 2046 đến 2060 cần khoảng 973.714 tỷ đồng (khoảng 40,61 tỷ USD). Dự kiến, TPHCM và TP. Hà Nội cùng trình đề án để Quốc hội xem xét.

Tháo gỡ vướng mắc cho TPHCM với phương châm 'tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó'- Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: SGGP

Tại buổi làm việc, TPHCM kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho TPHCM (khoảng 25,6% trong giai đoạn đến 2035), còn lại sử dụng ngân sách Thành phố. Đồng thời, đề xuất Quốc hội thông qua đề án theo hướng thông qua khung chính sách cho hai thành phố (TPHCM, TP. Hà Nội) để triển khai đề án, không phải là thông qua chủ trương đầu tư cho một dự án cụ thể.

Các nội dung về tổng mức đầu tư, suất đầu tư… sẽ được hai thành phố nghiên cứu chi tiết trong quá trình lập chủ trương đầu tư của từng dự án. Trong đó, TPHCM kiến nghị Quốc hội giao thẩm quyền cho HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư, UBND TPHCM quyết định đầu tư nếu vốn huy động cho dự án hoàn toàn là vốn của thành phố, để có thể áp dụng ngay cho dự án Metro số 2 và các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng TOD trong năm 2025.

Báo cáo về đề án Trung tâm tài chính quốc tế, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Trung tâm tài chính quốc tế bao gồm 3 cấu phần, gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh. TPHCM đề xuất và kiến nghị Quốc hội chấp thuận 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công Trung tâm tài chính quốc tế.

Vũ Phong

Top