Thêm cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

25/08/2023 1:16 PM

(Chinhphu.vn) - Với việc chọn đối tượng khách hành tiềm năng và chiến lược là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), Ngân hàng KASIKORNBANK (Thái Lan) đặt mục tiêu tăng nguồn vốn đầu tư từ 285 triệu USD năm 2023 lên 735 triệu USD vào năm 2027, tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận vốn cho các SME ở Việt Nam.

Thêm cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 1.

Phòng giao dịch của KBank tại TPHCM - Ảnh: VGP/Minh Thi

Đẩy mạnh thị trường Việt Nam 

Việt Nam và Thái Lan đã trở thành đối tác thân thiết với kim ngạch thương mại hai nước ngày càng phát triển. Các doanh nghiệp (DN) Thái Lan đã và đang phát triển ngày càng nhiều về số lượng và quy mô tại Việt Nam. Ngược lại, đã có nhiều các DN Việt Nam đầu tư, giao thương tại Thái Lan.

Đánh giá về thị trường tài chính ở Việt Nam, ông Pipit Aneaknithi, Chủ tịch Ngân hàng KASIKORNBANK (KBank) cho rằng, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu và sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động đang định hình đáng kể xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam trong dài hạn. Tuy nhiên, trong khi các khu vực đô thị ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, nhiều khu vực nông thôn vẫn còn bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính thiết yếu. Sự chênh lệch này tạo ra chỗ trống để KBank có thể mở rộng dịch vụ tài chính toàn diện phục vụ cho nhóm cộng đồng chưa đươc tiếp cận dịch vụ, góp phần vào sự tăng trưởng đồng đều.

Do đó, KBank chọn Việt Nam là thị trường quan trọng để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển ra nước ngoài. Theo đó, KBank tập trung vào phát triển kết nối kỹ thuật số cho khách hàng cá nhân để cung cấp giải pháp tài chính toàn diện vào phân khúc khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc những đối tượng chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính phổ thông. Thông qua đó, KBank không chỉ giúp phát triển kinh tế của nhóm khách hàng này mà còn thúc đẩy đồng đều nền kinh tế quốc gia.  

Cụ thể, ứng dụng KPLUS mới chỉ chào "sân" Việt Nam được 1 năm nhưng đã ghi nhận 760.000 người dùng. Con số này vẫn tiếp tục tăng, thúc đẩy khát vọng của ngân hàng hướng đến mục tiêu 1,3 triệu người dùng vào cuối năm nay và 8,4 triệu người dùng vào năm 2027.

Đồng thời, KBank đặt mục tiêu tới năm 2027, tổng nguồn vốn đầu tư tại Việt Nam là hơn 1 tỷ USD với ngân sách 7 triệu USD dành cho KBTG (công ty công nghệ), 735 triệu USD cho ngành ngân hàng, và 336 triệu USD cho KVision (công ty đầu tư) nhằm hỗ trợ đắc lực cho các SME và đối tượng khách hàng tiềm năng.

Trong hai năm đầu hoạt động tại Việt Nam, KPLUS đã cho ra mắt nhiều sản phẩm khác nhau: KPLUS Việt Nam, ngân hàng di động với tiêu chuẩn bảo mật toàn cầu dành cho khách hàng cá nhân; KBank Biz Loan, khoản vay kinh doanh kỹ thuật số, dành cho hộ kinh doanh siêu và siêu nhỏ; hay giải pháp cho vay và thương mại dành cho SME.

Thêm cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 2.

Ông Chat Luangarpa, Phó Chủ tịch Điều hành KBank cho biết, hệ sinh thái của KBank phát triển dựa trên mối quan hệ cộng sinh giữa tinh thần khởi nghiệp, sức mạnh công nghệ và mảng kỹ thuật số - Ảnh: VGP/Minh Thi

Hướng vào phân khúc SME

KBank đã mở rộng nhiều phân khúc thị trường và mở rộng nhiều đối tượng khách hàng trong đó hướng tới SME là đối tượng khách hàng chính.

Ông Chat Luangarpa, Phó Chủ tịch Điều hành KBank cho biết, ngân hàng đã tạo ra kết nối liền mạch cho các SME bằng việc hiểu rõ vai trò then chốt của SME trong hệ sinh thái kinh tế từ đó đề cao việc trao quyền cho nhóm khách hàng này. Bởi vì, hơn 97% các DN ở Việt Nam là SME (đóng góp 45% GDP), nhưng trên thực tế, họ chỉ chiếm 20% thị phần trong cơ cấu thị trường vốn tín dụng.

Tại Thái Lan, KBank đang là ngân hàng đứng đầu về cho vay khối SME. Vì vậy, để giúp các SME dễ dàng tiếp cận vốn hơn, các hộ kinh doanh trực tuyến cũng có thể dễ dàng tiếp cận vay thông qua nền tảng số mà không cần phải tới trực tiếp chi nhánh ngân hàng, KBank dự kiến mở rộng danh mục này lên mức khoảng 40 triệu USD vào cuối năm 2023. Đồng thời tạo ra các giải pháp tài chính phù hợp với từng hoạt động kinh doanh như SME có thể tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chóng, thuận tiện theo các gói thời vụ, linh hoạt. Ví dụ, gần Tết sẽ triển khai các gói vay trong vòng 3-5 tháng qua hồ sơ online. Thời gian thẩm định, phê duyệt chỉ từ 3-5 ngày…

Bên cạnh đó, hệ sinh thái của KBank phát triển dựa trên mối quan hệ cộng sinh giữa tinh thần khởi nghiệp, sức mạnh công nghệ và mảng kỹ thuật số.

"Tinh thần khởi nghiệp đóng vai trò là động lực, khơi dậy những ý tưởng và những dự án đổi mới. Khi các dự án này phát triển, công nghệ sẽ bước vào để cung cấp các công cụ và giải pháp cần thiết giúp hoạt động hiệu quả. Mảng kỹ thuật số đóng vai trò là cầu nối, cung cấp các nền tảng và kênh để các cải tiến công nghệ tiếp cận rộng rãi đến nhiều đối tượng hơn. Trong tổng quan phát triển, mảng kỹ thuật số cũng phụ thuộc vào các  tiến bộ công nghệ được sáng tạo bởi các công ty khởi nghiệp. Sự tương tác này tạo ra một chu kỳ tăng trưởng, trong đó, mỗi yếu tố tác động tích cực lên những yếu tố khác, thúc đẩy một môi trường nơi ý tưởng mới được nuôi dưỡng, hiện thực hóa và đưa đến thị trường một cách liền mạch", ông Chat Luangarpa phân tích.

Minh Thi

Top