Thêm nhiều bất thường ở dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

15/12/2018 10:21 AM

Kiểm toán Nhà nước xác định dự án chống ngập tại TPHCM không được báo cáo HĐND TP; quá trình thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án chống ngập tại TPHCM để xảy ra nhiều hạn chế

Công trình cống Mương Chuối ở huyện Nhà Bè đang được thi công gấp rút. Ảnh: VGP/Bích Ngọc

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1; gọi tắt là dự án chống ngập), do Công ty TNHH Trung Nam BT1547 (Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam) làm chủ đầu tư.

Qua mặt HĐND TPHCM

Kết luận kiểm toán của KTNN chỉ rõ nhiều hạn chế, thiếu sót ở dự án có tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng này.

Theo đó, về vốn đầu tư, chi phí đầu tư thực hiện theo báo cáo tính đến thời điểm ngày 31/12/2017 là 3.196 tỉ đồng (làm tròn số). Kết quả kiểm toán phát hiện 151,8 tỉ đồng chênh lệch do tính sai, trong đó tính sai khối lượng 46,9 tỉ đồng; tính sai đơn giá 79,8 tỉ đồng; chưa đủ điều kiện thanh toán 16,9 tỉ đồng; sai khác 8 tỉ đồng. Trong 4.332 tỉ đồng giá trị hợp đồng theo báo cáo còn lại tính đến thời điểm trên, số chênh lệch do tính sai là 257 tỉ đồng.

Đối với công tác quy hoạch dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư; đưa dự án vào danh mục đầu tư theo hình thức hợp đồng BT…, kết luận của KTNN nêu ra nhiều sai sót.

Điển hình như đối với 2 cống kiểm soát triều Cây Khô và Phú Định, các chỉ tiêu kỹ thuật, quy mô của hạng mục này chưa được lập, chưa kịp thời thẩm định ở thời điểm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh bổ sung. Việc này chưa tuân thủ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; điều 51, Luật Xây dựng 2014; khoản 2, điều 8 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ. Đồng thời, UBND TP cũng chậm thỏa thuận thống nhất về chỉ tiêu kỹ thuật, quy mô điều chỉnh với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

Bên cạnh đó, mặt bằng dự án được sử dụng 35,38 ha đất để thực hiện dự án và thửa đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư BT nhưng chưa được HĐND TP phê duyệt việc sử dụng và thu hồi đất là thực hiện chưa đầy đủ theo quy định của khoản 3, điều 14, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ và khoản 2, điều 62, Luật Đất đai năm 2014.

Đáng chú ý hơn cả, dự án sau khi UBND TP trình, Thường trực HĐND TP đã phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại chưa thực hiện báo cáo HĐND TP tại kỳ họp gần nhất về việc chấp thuận chủ trương đầu tư. KTNN cho rằng việc làm này chưa bảo đảm theo điều 17, Luật Đầu tư công và điều 21, Nghị quyết số 753/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quản lý bất cập, tiến độ trì trệ

Trong công tác quản lý thực hiện hợp đồng, KTNN nêu rõ UBND TP đàm phán ký kết hợp đồng BT đã chấp thuận tỉ lệ thanh toán bằng quỹ đất 16%/tổng vốn đầu tư của dự án. Con số này tăng 1% so với tỉ lệ trong Báo cáo nghiên cửu khả thi được duyệt (15%).

Việc quản lý chưa chặt chẽ được dẫn chứng với trường hợp, khu đất 4,2 ha ở phường Phước Long B, quận 9. Khu đất này chưa hoàn tất thủ tục thu hồi, hoàn thành giải phóng mặt bằng, còn tranh chấp... nhưng đã xác định là khu đất để thanh toán cho hợp đồng BT, dẫn đến tiềm ẩn tranh chấp giữa người dân với nhà đầu tư.

Đến thời điểm kiểm toán, UBND TP vẫn chưa thực hiện bàn giao, xác định giá đất để làm cơ sở thanh toán cho hợp đồng BT. Ngoài ra, UBND TP cũng chưa xác định chính xác 4 khu đất dự kiến thanh toán cho hợp đồng là chậm 13 tháng so với cam kết. Ngoài ra, công tác giám sát hợp đồng BT chưa chặt chẽ, dẫn đến chậm yêu cầu nhà đầu tư BT thực hiện xây dựng 6 trạm quan trắc tại 6 cống kiểm soát triều theo quy định.

KTNN kết luận UBND TP chưa thực hiện, phê duyệt tiến độ bàn giao mặt bằng, dẫn đến tiến độ chung của dự án chưa được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định. Chẳng hạn như các hạng mục kè mang cống Idem soát triều Phú Xuân (gói thầu XD04), kè bờ trái bờ phải cống kiểm soát triều Cây Khô (gói thầu XD06), cống Bà Bướm và các đoạn đê, kè (gói thầu XD01), hạng mục Kè bảo vệ, dầm đáy (gói thầu XD05)… đến thời điểm kiểm toán đều bị chậm tiến độ so với tiến độ tổng thể của dự án.

KTNN còn chỉ rõ các cơ quan có thẩm quyền của TP đã chậm tổ chức kiểm tra, giám sát, xác nhận khối lượng, chất lượng, giá trị hoàn thành của dự án. Dự án khởi công từ tháng 6/2016 nhưng tháng 1/2017, UBND TP mới thành lập Tổ công tác liên ngành để thực hiện việc kiểm tra, giám sát, xác nhận khối lượng hoàn thành. Dù vậy, đến thời điểm kiểm toán, UBND TP vẫn chưa ban hành quy chế tổ chức hoạt động, phân công chức năng nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên và chưa ban hành quy trình xác nhận khối lượng hoàn thành làm cơ sở thanh toán hợp đồng. Ngoài ra, quá trình nghiệm thu thanh toán còn để ra sai sót trong việc xác nhận không đúng khối lượng thực tế thi công, áp dụng sai khối lượng, đơn giá, vận dụng đơn giá tạm tính chưa đủ điều kiện thanh toán như nói ở trên. 

Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín ký quyết định 1 ngày trước khi nghỉ chờ hưu

KTNN đánh giá trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, tổ chuyên gia tư vấn đã lựa chọn nhà đầu tư BT chưa đáp ứng đầy đủ năng lực theo quy định tại khoản 3, điều 14, Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề này, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 10/12/2015, ông Nguyễn Hữu Tín, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TP, đã ký Quyết định số 6728/QĐ-UBND, duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án chống ngập giai đoạn 1 theo hợp đồng BT. Quyết định này dựa trên tờ trình số 2103 ngày 9/12/2015 của Trung tâm Chống ngập TP về thẩm định và phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư. "Gác chốt" cuối cùng là ý kiến thẩm định, đề xuất của giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP tại báo cáo số 10982 ngày 10/12/2015 về trình duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư. Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày (từ ngày 9 đến 11/12/2015), thủ tục duyệt kết quả chỉ định thầu đã được hoàn thành, nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam. Đến ngày 11/12/2015, ông Nguyễn Hữu Tín thôi nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND TP để chờ nghỉ hưu theo quy định.

Theo Báo Người lao động

Top