Thí điểm các cơ chế vượt trội, đột phát để phát huy tiềm năng của Thành phố
(Chinhphu.vn) - Về điểm khác nhau giữa nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14, ông Phan Văn Mãi cho biết Nghị quyết 54 hiện hành tập trung nhiều vào cơ chế để khai thác nguồn thu cho TPHCM, còn Nghị quyết mới thay thế thì xin thí điểm các cơ chế vượt trội, đột phát để huy động nguồn lực phát huy tiềm năng của Thành phố.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Sáng 30/3, Đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức buổi tọa đàm để thảo luận và góp ý cho dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn ĐBQH Thành phố chủ trì Tọa đàm.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, tại kỳ họp cuối năm 2022, Quốc hội đã tiến hành tổng kết và cho phép kéo dài Nghị quyết 54 thêm 1 năm, đến 31/12/2023. Trong thời gian đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT, UBND Thành phố phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 hiện hành.
Ông Mãi thông tin, Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung Nghị quyết mới vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo trình tự thủ tục rút gọn; trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình một kỳ họp.
Dự kiến đến giữa tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và rà soát các nội dung cho kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023. Nếu không có gì thay đổi thì Quốc hội sẽ cho phép bổ sung nghị quyết mới để xem xét tại kỳ họp này.
Nếu như được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 5 giữa năm 2023, TPHCM sẽ bắt tay vào triển khai ngay, trình HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất để triển khai liền một số chính sách, cơ chế.
Về điểm khác nhau giữa nghị quyết mới thay Nghị quyết, ông Phan Văn Mãi cho biết Nghị quyết 54 hiện hành tập trung nhiều vào cơ chế để khai thác nguồn thu cho TPHCM, còn nghị quyết mới thay thế thì xin thí điểm các cơ chế vượt trội, đột phát để huy động nguồn lực phát huy tiềm năng của Thành phố để Thành phố phát triển. Đó là những việc mà luật chưa có quy định, đó còn là việc luật có quy định rồi nhưng còn chồng chéo, không giải quyết được vấn đề thực tiễn phát triển của Thành phố.

Toàn cảnh Tọa đàm - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Người đứng đầu chính quyền Thành phố nhấn mạnh, những cơ chế đột phá, vượt trội sẽ giúp Thành phố khai phóng hết các nguồn lực để phát triển. TPHCM không chỉ là một cực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế của cả nước, không chỉ là một địa phương của Việt Nàm mà còn là địa phương có năng lực cạnh tranh quốc tế với các địa phương khác trong khu vực.
Ngoài ra, trong Nghị quyết mới, ngoài sự đề xuất chủ động của Thành phố thì cũng có những vấn đề mà Thành phố chưa nhìn ra được mà từ Trung ương, các bộ, ngành nhận thấy, đặt hàng, mong muốn Thành phố thí điểm.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên luôn quán triệt Thành phố làm việc này không chỉ cho Thành phố mà là cho cả nước, Thành phố phát triển thì đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của cả nước. Do đó, không nên có sự so sánh vì sao lại cho Thành phố nhiều cơ chế, chính sách. Thành phố không chỉ là một địa phương bình thường mà đóng góp tỉ trọng cho nền kinh tế cả nước rất lớn. "
"Với tinh thần như thế, Thành phố mong muốn có những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội để phát triển. Những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, phân quyền, phân cấp mạnh mẽ sẽ giúp Thành phố giải quyết vấn đề của mình nhanh hơn. Đây cũng là tiền đề để Trung ương sau này phân cấp, phân quyền cho các địa phương khác", Chủ tịch UBND Thành phố bày tỏ.
Về các nhóm cơ chế, chính sách trong nghị quyết mới, ông Mãi cho biết có khoảng 40 nội dung, chia thành 4 nhóm: Những cơ chế, chính sách của Nghị quyết 54 hiện hành sẽ được tiếp tục thực hiện; cơ chế ở các địa phương khác đang thí điểm; cơ chế dự kiến đưa vào sửa đổi các luật mà Thành phố thí điểm thực hiện trước; cơ chế, chính sách mới do Thành phố đề xuất và Trung ương gợi ý, đặt hàng.
Vũ Phong