Thị trường lồng đèn truyền thống sôi động trở lại
(Chinhphu.vn) - Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, thị trường lồng đèn trung thu truyền thống trong những ngày này ở TPHCM đã dần bắt nhịp và sôi động trở lại.
Những ngày này, ghé xóm lồng đèn Phú Bình, Quận 11 du khách sẽ thấy hình ảnh những người thợ tất bật làm lồng đèn truyền thống để chuẩn bị cho mùa trung thu. So với trước đây, xóm lồng đèn đã bớt nhộn nhịp vì số hộ theo nghề chỉ còn trên đầu ngón tay.
Nghề làm lồng đèn cũng bị mai một dần bởi nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố chính là do thu nhập mang lại không đáng kể nên nhiều người chọn làm các công việc khác thay vì bó chân với nghề làm lồng đèn. Hơn nữa, làn sóng dịch bệnh COVID-19 những năm vừa qua cũng khiến thị trường lồng đèn bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trò chuyện với người dân tại xóm lồng đèn Phú Bình, chúng tôi cảm nhận rõ tình yêu mà những người thợ nơi đây dành cho nghề làm lồng đèn truyền thống. Đối với họ, nghề làm lồng đèn không đơn thuần là nghề mưu sinh mà còn là nghiệp để gìn giữ truyền thống của cha ông.
"Làm nghề này lấy công làm lãi, lấy ngắn nuôi dài chứ để làm giàu thì rất khó. Tôi theo cha mẹ làm lồng đèn từ ngày còn nhỏ, đến bây giờ lồng đèn làm ra vẫn được thị trường chấp nhận là vui rồi. Nói chung mình cứ cố gắng để gìn giữ cái nghề mà cha ông để lại", chú Sĩ, người dân tại xóm lồng đèn Phú Bình chia sẻ.
Nhiều năm trở lại đây, lồng đèn điện tử dần chiếm ưu thế trên thị trường với nhiều mẫu mã đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, gia đình chú Sĩ không chạy theo thị trường mà vẫn duy trì các mẫu truyền thống như gà, thỏ, cá, bướm.
Tất cả các công đoạn làm nên một chiếc lồng đèn truyền thống, từ chẻ tre, làm khuôn, dán giấy màu đến trang trí đều được chú Sĩ làm rất tỉ mỉ, công phu. Dù 1 chiếc lồng đèn bán ra giá thành không cao, khoảng 17.000 đồng/chiếc nhỏ và hơn 60.000 đồng/chiếc lớn nhưng người nghệ nhân vẫn đặt trọn tâm huyết với hy vọng mang đến cho các em nhỏ những món quà trung thu ý nghĩa.
Năm nay, gia đình chú Sĩ làm khoảng 10.000 chiếc lồng đèn để phục vụ mùa trung thu. "Nghề làm lồng đèn không phải một sớm một chiều mà dàn trải cả năm, lúc nào rảnh thì tranh thủ làm, nhưng cao điểm vẫn là 3 tháng cận trung thu. Còn nếu tính ra một ngày làm hết công suất thì được khoảng 20 cái", chú Sĩ cho hay.
Cách đó không xa, gia đình chú Tử cũng đang tất bật hoàn thiện khâu trang trí lồng đèn để kịp giao cho khách vào dịp trung thu. Hộ gia đình chú Tử là một trong những xưởng lớn chuyên thu mua lồng đèn tại Quận 11. Ở đây có nhiều loại lồng đèn truyền thống đủ các kích cỡ, mẫu mã như gà, ngôi sao, ngựa, bướm và các con vật hoạt hình khác.
"Giá cả lồng đèn truyền thống qua các năm vẫn ổn định, chỉ có năm nay thiếu nguyên liệu nên dao động chút ít, ví dụ con ngựa bán 60.000 năm ngoái thì năm nay bán hơn 70.000 đồng, nói chung thời điểm cận ngày thì có tăng nhưng so với vật giá trên thị trường thì không đáng kể. Nhà tôi bán lồng đèn được hơn 20 năm, trung bình một con lời từ vài trăm đồng đến vài ngàn đồng", chú Tử nói.
Theo nhận định của chú Tử, thị trường lồng đèn năm nay sôi động hơn so với hai năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Năm nay, gia đình chú nhập về khoảng 40.000 lồng đèn để bán cho các trường học và phục vụ các đơn hàng số lượng lớn.
"Lồng đèn truyền thống thì chỉ xoay quanh mấy con vật cho nên tôi thuê nhân công vẽ tạo hình và trang trí thêm các họa tiết đặc sắc để trẻ em thích thú hơn", chú Tử cho hay.
Năm nào cũng vậy, cận kề trung thu, chị Minh, ngụ Quận 12 lại dắt hai con nhỏ đi mua những chiếc lồng đèn truyền thống về trang trí nhà cửa, theo chị sử dụng lồng đèn truyền thống không chỉ giúp lưu giữ nét văn hóa của dân tộc mà còn tạo được sự an toàn, đảm bảo cho sức khỏe của các con.
Nguyễn Kim