Thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại TPHCM
(Chinhphu.vn) - Hướng đến phát triển bền vững, TPHCM xác định 14 nhóm nhiệm vụ chính, nhấn mạnh đến yếu tố "xanh" trong phát triển, nổi bật trong đó là nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án năng lượng tái tạo.
Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư 2024 kỳ 2, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức diễn ra ngày 20/9 tại TPHCM nhằm kêu gọi và thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại TPHCM.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, phát triển kinh tế bền vững là mô hình mà nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến và Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng không nằm ngoài xu thế này.
Theo đó, TPHCM ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 - 2030 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể, Thành phố xác định 14 nhóm nhiệm vụ chính, nhấn mạnh đến yếu tố "xanh" trong phát triển, nổi bật trong đó là nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án năng lượng tái tạo.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng, chuyển đổi các nguồn năng lượng có lượng phát thải carbon cao sang các nguồn năng lượng tái tạo không chỉ mang lại cơ hội đầu tư cho các nhà phát triển năng lượng mà còn bảo đảm TPHCM đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt, năng lượng tái tạo có tầm quan trọng của việc phát triển một đô thị hiện đại như TPHCM. Đây không chỉ là một yêu cầu cấp thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong phát triển kinh tế và sinh hoạt mà còn là một cơ hội để xây dựng một thành phố thông minh, xanh và phát triển bền vững.
Theo TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC, việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các loại năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối không chỉ giúp ứng phó các tác hại đối với môi trường, mà còn tạo lợi thế lớn cho địa phương, quốc gia trong xu hướng xanh hóa toàn cầu.
TS Trần Du Lịch cho rằng, TPHCM có nhiều lợi thế khi được cho phép thí điểm cơ chế đặc thù, bao gồm cả đặc thù trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Do đó, chính quyền Thành phố, cộng đồng doanh nghiệp cần phải cùng phối hợp trong việc nhìn nhận vấn đề và tìm ra giải pháp. Các chuyên gia có kinh nghiệm, đặc biệt về mặt pháp lý có thể đồng hành để tư vấn, hỗ trợ TPHCM trong tiến trình thu hút đầu tư và triển khai các dự án năng lượng tái tạo.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Đức Minh, Công ty Luật TNHH Kim & Chang (Việt Nam), đại diện Trưởng nhóm chuyên môn Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý đầu tư - Kỳ II cho rằng, TPHCM, với trợ lực từ Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội thì cần có những bước đi quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn nhằm tận dụng những lợi thế từ cơ chế đặc thù.
Theo đó, Luật sư Nguyễn Đức Minh đề xuất, Thành phố cần sớm công bố danh mục dự án năng lượng tái tạo, cũng như có hướng dẫn rõ hơn về thủ tục, quy trình thực hiện dự án, ví dụ trong khâu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; phạm vi hợp tác đầu tư hay chính sách ưu đãi.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực của TPHCM trong việc thực hiện hóa những quy định thúc đẩy thu hút đầu tư xanh theo Nghị quyết 98/2023/QH15.
Về loại dự án, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, hiện nay nhà đầu tư dành phần nhiều quan tâm đối với dự án năng lượng mặt trời. Tuy vậy, để tạo dựng sự an tâm cho các bên nhằm triển khai hiệu quả các dự án, nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn ở một cơ chế hợp tác hiệu quả giữa nhà đầu tư tư nhân và cơ quan Nhà nước.
Anh Lê