Thu hút đầu tư vào nông nghiệp xanh: Cần nhiều giải pháp đột phá, hiệu quả

30/07/2024 8:52 PM

(Chinhphu.vn) - Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, phát huy vai trò của quốc gia có lợi thế về nông nghiệp. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu tiềm năng thì cần nhiều giải pháp mang tính đột phá và hiệu quả và quá trình thu hút đầy tư nông nghiệp xanh.

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp xanh: Cần nhiều giải pháp đột phá, hiệu quả- Ảnh 1.

Diễn đàn thu hút hàng trăm doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý tham dự - VGP/Hồng Đức

Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế, diễn giả và doanh nghiệp tham dự tại "Diễn đàn Thu hút Đầu tư Phát triển nông nghiệp Xanh 2024" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM tổ chức ngày 30/7 tại TPHCM.

Các nhà quản lý, các chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tại Diễn đàn đều đánh giá, nền nông nghiệp Việt Nam đã và đang từng bước mở rộng, nâng cao quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng và chất lượng, đáp ứng cả nhu cầu lương thực quốc gia lẫn xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng GDP ở mức khá cao.

Do đó, tại diễn đàn các ý kiến đã thảo luận, gợi mở các giải pháp, kiến nghị đề xuất những giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, trong đó đề xuất một số giải pháp cụ thể sau: Để có nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, ngành nông nghiệp cần chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu. Cần đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thúc đẩy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh…

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tạo đột phá mới bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường… Tận dụng tối đa ưu thế tự nhiên của các vùng miền cho phát triển nông nghiệp, bảo đảm sự tương tác với môi trường sinh thái; Cần có chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp với các hộ gia đình để họ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Các thủ tục phải đơn giản, thuận tiện, cơ chế cho vay và thu nợ theo thời vụ của cây trồng, vật nuôi giúp nông dân yên tâm sản xuất…

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp xanh: Cần nhiều giải pháp đột phá, hiệu quả- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP//Hồng Đức

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu, yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá, hàng hoá xuất khẩu, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới. Tại Hội nghị COP26 (tháng 12/2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về "0" đến năm 2050; giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực - thực phẩm, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng thế giới đang đứng trước bài toán khó giải về đảm bảo an ninh lương thực. Nhu cầu về chuyển đổi hệ thống thực phẩm nông nghiệp theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, phát huy vai trò của quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, từng bước mở rộng, nâng cao quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng và chất lượng, đáp ứng cả nhu cầu lương thực quốc gia lẫn xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng GDP ở mức khá cao.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây; Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm…

Cũng theo ông Phòng, trong những năm vừa qua nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Nông nghiệp xanh sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững theo xu thế tất yếu hiện tại.

"Nền nông nghiệp nước nhà có được dư địa phát triển rất lớn, trong thời gian tới, chúng ta cần phải tận dụng được dư địa này để cho bà con nông dân thực sự được hưởng lợi từ thành quả sản xuất của họ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có lợi trong phát triển, xuất khẩu, kinh doanh nông sản và đây là một lợi thế phải được tính đến trong lĩnh vực cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà", Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng chia sẻ.

Hồng Đức


Top