Thúc đẩy hợp tác giữa DN Việt Nam và Indonesia trong ngành công nghiệp Halal
(Chinhphu.vn) - Ngày 28/4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TPHCM tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Indonesia".

Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TPHCM, khẳng định ngành công nghiệp Halal là trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam–Indonesia. Ảnh: VGP/Lê Anh
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Indonesia tăng 17%
Tại Hội thảo, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, đặc biệt là những thách thức từ hàng rào kỹ thuật và bảo hộ thương mại, việc đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm những thị trường mới, tiềm năng lớn như thị trường Halal với khoảng hơn 2 tỷ dân sẽ giúp doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt chủ động hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thời gian qua, Việt Nam và Indonesia không ngừng tăng cường và mở rộng hợp tác kinh tế, tạo dựng mối gắn kết bền chặt giữa hai nền kinh tế theo hướng cùng có lợi và phát triển bền vững. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong Quý I/2025, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Indonesia đạt 4,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia đạt 1,4 tỷ USD tập trung vào các nhóm hàng chủ lực như: Cà phê, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép các loại, hàng dệt may, điện thoại và linh kiện,... Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn của khối ASEAN.
Riêng đối với TPHCM, trong năm 2024 tổng kim ngạch thương mại với Indonesia đạt 1,6 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia, dù tăng trưởng tích cực, nhưng tiềm năng giữa 2 nước nói chung và DN TPHCM nói riêng với thị trường Indonesia còn rất lớn. Để tận dụng lợi thế này, hai bên cần phải đẩy mạnh hơn các hoạt động xúc tiến thương mại và tăng cường thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, nhất là cùng hợp tác, khai thác thị trường Halal.
Theo các báo cáo nghiên cứu, ngành công nghiệp Halal và thị trường sản phẩm Halal còn nhiều dư địa để khai thác. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường Halal, bao gồm thực phẩm và đồ uống (F&B) và các ngành hàng khác, đạt 10 nghìn tỷ USD; trong đó, riêng lĩnh vực F&B dự kiến đạt 5,91 nghìn tỷ USD vào năm 2033. Riêng Indonesia là thị trường Halal lớn nhất thế giới với hơn 280 triệu dân, trong đó phần lớn theo đạo Hồi. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm đạt chuẩn Halal sang thị trường này.
Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM nhìn nhận, thị trường Halal với hơn 2 tỷ người Hồi giáo là thị trường đầy tiềm năng, tuy nhiên, thời gian qua, các DN Việt chưa chú ý nhiều tới thị trường này. Bên cạnh đó, các quy chuẩn Halal nghiêm ngặt, hệ thống chứng nhận phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp.
Hiện nay, ngành lương thực thực phẩm hiện chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, là một trong 04 ngành công nghiệp trọng yếu ưu tiên phát triển của TPHCM.
"Để hỗ trợ các DN trong nước, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, các sở, ngành của TPHCM nên đẩy mạnh tuyên truyền về thị trường Hala để các DN hiểu rõ và chủ động kết nối thị trường hơn" bà Chi cho biết.
Ngành công nghiệp Halal là trọng tâm hợp tác Việt Nam - Indonesia
Ông Trần Phú Lữ cho biết, Hội thảo "Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Indonesia" được tổ chức nhằm cụ thể hóa định hướng hợp tác mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất khi chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam - Indonesia lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào ngày 10/3/2025 vừa qua.
Theo đó, Việt Nam và Indonesia nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành, mở rộng hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, hướng tới việc xây dựng quan hệ đối tác số, kinh tế số, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, xây dựng giải pháp công nghệ mới dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và đặc biệt là các sản phẩm Halal.

Bà Soneta Asmara, Lãnh sự phụ trách Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TPHCM. Ảnh: VGP/Lê Anh
Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TPHCM, khẳng định ngành công nghiệp Halal là trọng tâm hợp tác, không chỉ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng Hồi giáo mà còn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng toàn cầu nhờ cam kết về chất lượng và an toàn.
Indonesia, với vai trò là quốc gia Hồi giáo, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về tiêu chuẩn Halal, đồng thời kỳ vọng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, du lịch và dịch vụ tài chính Halal. Ông cũng kêu gọi doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, tham gia các diễn đàn chuyên ngành để khai thác tiềm năng chung.
Bà Soneta Asmara, Lãnh sự phụ trách Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TPHCM cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa suy giảm và chuỗi cung ứng bị phân mảnh, hợp tác song phương và liên kết khu vực chính là chìa khóa để các nền kinh tế vượt qua khó khăn và duy trì tăng trưởng.
Bà Soneta Asmara nhận định, Indonesia và Việt Nam đang trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong khu vực nhờ những điểm tương đồng như: Dân số trẻ, đô thị hóa mạnh, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải cách kinh tế và thu hút FDI hiệu quả. Cả hai nước đều hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời tập trung phát triển lĩnh vực chiến lược như sản xuất phương tiện di chuyển chạy bằng điện, năng lượng xanh và khu công nghệ cao.
Lê Anh