Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong ASEAN

22/06/2023 5:16 PM

(Chinhphu.vn) - Thương mại điện tử (TMĐT) đang tăng trưởng mạnh đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu một cách thuận lợi hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế.

Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong ASEAN - Ảnh 1.

Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới trong ASEAN” nằm trong chuỗi sự kiện thuộc chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2023 – ASEAN Online Sale Day 2023. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là nhận định được các chuyên gia, các nhà kinh doanh chia sẻ tại hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới trong ASEAN" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức tại TPHCM ngày 21/6.

Hội thảo là hoạt động mở đầu và nằm trong chuỗi sự kiện thuộc chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2023 – ASEAN Online Sale Day 2023 - sự kiện mua sắm trực tuyến có quy mô lớn nhất ASEAN - dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 8 tới đây với mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực; đồng thời thúc đẩy quá trình thực thi các Hiệp định Thương mại tự do ASEAN+.

Theo báo cáo của Statista, ASEAN được dự báo sẽ đạt tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm lên tới 11,43% trong 5 năm tới, tương đương với các nước đã phát triển trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Canada. Doanh thu của thương mại điện tử khu vực vào cuối năm 2023 được dự báo đạt 113,90 tỷ USD và hoàn toàn có thể lên mốc 175 tỷ USD vào cuối năm 2027. Trong đó, ngành hàng điện tử và thực phẩm được người tiêu dùng trong ASEAN ưa chuộng nhất.

Cũng theo thống kê của Statista, mỗi người tiêu dùng trong khu vực được dự đoán sẽ chi tiêu lần lượt 180 USD và 145 USD cho hai ngành hàng trên trong năm nay.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử cũng đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển chung của lĩnh vực thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Với đà tăng trưởng này, ASEAN đang trên con đường trở thành nền kinh tế Internet trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng trên nền tảng số

Tuy thị trường thương mại điện tử trong ASEAN được đánh giá vô cùng hứa hẹn, các quốc gia vẫn gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, nhất là trong các vấn đề như kiến thức, năng lực, pháp lý…

Ông Squall Wang, Giám đốc điều hành UPS Việt Nam cho rằng, để tham gia vào thị trường thương mại điện tử, doanh nghiệp cần tái tạo hoặc củng cố chuỗi cung ứng, số hóa các quy trình hiệu quả hơn, hiểu thêm về các quy định hải quan trong quá trình đưa sản phẩm của mình ra thế giới.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không cần quá lo lắng việc phải đầu tư vào nhiều công nghệ phức tạp mà có thể tận dụng các dịch vụ miễn phí từ các đơn vị hỗ trợ.

Mới đây, tại một hội nghị về TMĐT xuyên biên giới (XBG) do Amazon Global Selling và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 6, ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ: Hợp tác với các cơ quan chính phủ, chúng tôi nỗ lực mở rộng tiếp cận với nhiều doanh nghiệp Việt, cung cấp cho họ hỗ trợ toàn diện và hiệu quả nhằm nâng cao mức độ sẵn sàng cho TMĐT XBG. Bên cạnh đó, Amazon sẽ tiếp tục kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành, tìm hiểu các khía cạnh doanh nghiệp cần để hỗ trợ, giúp họ thành công trong khi tiếp cận khách hàng toàn cầu".

Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm và chia sẻ từ các DN khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực TMĐT, muốn phát triển và mở rộng được khách hàng, các DN nên lập bộ phận chuyên nghiên cứu sở thích khách hàng trên các nền tảng khác, để từ đó cho ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và xu hướng của khách hàng tại từng thị trường cụ thể.

Lê Anh

Top